- Ai giải mã được trận thua của Đà Nẵng trên sân Thống Nhất?
Cái ngày Đà Nẵng thắng dễ Cảng Sài Gòn trên sân Long Xuyên, ông Vũ Văn Tư nhếch mép cười nói về chiến công của mình: “Tôi để cầu thủ tự đá vì bóng đá Việt Nam có lúc cầu thủ tự đá hay hơn HLV bắt họ đá”. Thời ấy, Đà Nẵng có trong tay một thế hệ Toàn, Hùng, Cầu, Sinh, Thìn, Lợi, Tuân, Tân, Hoài Linh… Cứ nhìn đội hình Đà Nẵng ra sân hồi ấy, ai cũng sợ. Nói như đội trưởng Phan Thanh Hùng lúc ấy là “Đà Nẵng muốn thắng thì thắng còn muốn thua thì thua”.

HLV Trần Vũ (Đà Nẵng)
Đến giờ vẫn không ai giải mã được cái thua trong thế ép sân toàn diện của Đà Nẵng ở trận chung kết nhưng ông Vũ Văn Tư thì hiểu. Hiểu cả bước chạy đà mà Trần Minh Toàn chạy thật dích dắc rồi đá vào tay thủ môn Nguyễn Văn Vinh và hiểu cả cái áp lực mà hậu vệ Kim Tuấn gánh trọng trách của người xử lý quả luân lưu cuối.
Hồi ấy, nhiều người xót cho Đà Nẵng ở chỗ nếu họ thua Cảng Sài Gòn ngay trên sân Long Xuyên thì đỡ tức, đàng này…
Chiến thắng của Đà Nẵng trước Cảng hồi ấy là lẽ đương nhiên vì “lính” trong tay ông Tam Lang lúc đó không bằng cái đội hình lắp ghép trong thời hoàng kim của bóng đá xứ Quảng và của Vũ Văn Tư. Người Đà Nẵng khi ấy đã khoái nhất cái cảnh Đà Nẵng rửa được hận cứ vào chung kết là thua Thể Công khi cho đội bóng này phơi áo trên sân Phan Thiết và lần đầu tiên trong lịch sử, Thể Công bị loại từ vòng ngoài.
Đà Nẵng lúc ấy cực mạnh. Chính vì cực mạnh nên cái thua ở chung kết ấy là không thể chấp nhận và đó cũng là cái thua mà sau này ông Tư lên đội tuyển rồi trở về và bị Đà Nẵng tẩy chay sau vụ cầu thủ Đà Nẵng và Hải Quan với Cảng Sài Gòn rủ nhau bỏ đội tuyển quốc gia về…
- Bây giờ lại là Đà Nẵng với Trần Vũ và Đặng Trần Chỉnh của Thép – Cảng

Cuộc đối đầu ngoài sân cỏ giữa 2 HLV Trần Vũ (Đà Nẵng) và Đặng Trần Chỉnh (TMN.CSG).
Ai sẽ có được niềm vui trong trận đấu chiều nay? Ảnh: Hoàng Hùng
Mùa 1992, Đà Nẵng yếu hơn với tướng trẻ Trần Vũ và đi một mạch đến chức vô địch trên sân nhà. Hồi ấy, cứ như là người ta đã “book” chỗ để Đà Nẵng vô địch với trận chung kết giữa thánh địa Chi Lăng.
Và tướng trẻ Trần Vũ lại được ca ngợi như một công thần.
Cũng thế hệ ấy, mùa 1994 thì Đà Nẵng buông cho Long An để đẩy bạn đời Bình Định mất cơ hội vào bán kết và mất “lợi thế” lấy điểm nợ của Cảng Sài Gòn và vô địch. Cái mùa mà Cảng mang ơn Bình Định nhưng chưa kịp trả ơn thì thời thế lại đẩy họ lên ngôi vô địch.
Năm 1995 thì cũng thế hệ ấy xuống hạng. Người duy nhất giải mã được chuyện xuống hạng của Đà Nẵng khi ấy lại là lão làng Vũ Văn Tư – người mà sau này chỉ ra phố cà phê Ngô Gia Tự rít thuốc nói chuyện đời và chuyện nghề bạc.
Bây giờ thì Đà Nẵng sau khi đoạt chức á quân và sau khi thay tướng lại trao cho Trần Vũ. Con người có số cầm quân ấy luôn là nhân vật điền vào chỗ trống cho hợp lý lúc bóng đá Đà Nẵng có vấn đề.
Đối diện với Trần Vũ chiều nay là Đặng Trần Chỉnh (TMN-CSG) – đàn em ngày nào của ông Vũ. Đối diện với lứa cầu thủ trụ cột của bóng đá TP.HCM ngày nào còn sót lại bây giờ là Lê Huỳnh Đức – cầu thủ bị buộc rời cái nôi TP.HCM và lấy Đà Nẵng làm chỗ nương thân.
Trận đấu chiều nay lạ mà quen là ở chỗ đấy.
Những con người từng thân thiện với nhau và từng ân oán với nhau giờ là những người đang cần khẳng định mình.
Đà Nẵng không còn cái thế ung dung để thắng Cảng như ngày nào nữa trong khi Cảng đã chấp nhận từ bỏ lối đá hào hoa để khoác vào chất thép trong màu áo và trong cả lối chơi.
Cầu thủ Đà Nẵng lâu nay có truyền thống chơi hay ở các sân nhưng lại rất thất thường ở sân Thống Nhất.
Cái sân mà đến giờ có lúc người Đà Nẵng vẫn cứ tự hỏi tại sao bách chiến bách thắng mà lại thua một đội yếu của TP.HCM.
Coi chừng chiều nay đến lượt ông Chỉnh nắn gân ông Trần Vũ thay cho cái cảnh ngày nào ông Vũ Văn Tư cười đểu khi nhìn ông Tam Lang nhăn nhó trên sân Long Xuyên.
NGUYỄN NGUYÊN