Lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 27-2, giá xăng tại Hàn Quốc đã tăng lên đến 2.000 won (gần 38.000 đồng/lít).
Theo Tập đoàn dầu khí quốc gia Hàn Quốc (KNOC), giá xăng đã tăng liên tục trong 7 tuần qua do giá dầu thế giới tăng và đây là hậu quả từ sự trả đũa của Iran với việc cấm bán xăng dầu cho Pháp và Anh mấy ngày qua.
KNOC còn cảnh báo với dân chúng Hàn Quốc “giá xăng sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới do cuộc khủng hoảng giữa phương Tây với Iran, cũng như tình hình gián đoạn nguồn cung từ các nước như Syria, Yemen và Sudan”.
Viện Kinh tế năng lượng Hàn Quốc còn bi quan dự đoán, giá dầu thô Dubai mà nước này nhập khẩu có thể tăng vọt lên tới 180 USD/thùng hoặc giá dầu thô trung bình trong năm nay là 135 USD/thùng.
Các báo của Hàn Quốc như Korea Times, Korea Herald đều đưa tin với phần lớn nguồn dầu đáp ứng nhu cầu trong nước đều phải nhập khẩu, Hàn Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 5 trên thế giới. Mặc dù trước đó tuyên bố mạnh miệng sẽ không giảm nhập khẩu dầu của Iran, nhưng theo Reuters, Seoul cũng đang tìm cách né các biện pháp trừng phạt của Mỹ vì tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran.
Tại cuộc họp Nhóm G-20 cuối tuần qua tại Mexico, Bộ trưởng Tài chính Bahk Jae-wan đã lên tiếng thừa nhận rằng giá dầu đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Hàn Quốc, đe dọa đẩy giá tiêu dùng lên cao, phá hủy mọi nỗ lực của ngân hàng trung ương Hàn Quốc nhằm đưa kinh tế đạt mức tăng trưởng 3,7% và kiềm chế mục tiêu lạm phát ở mức 3,2% trong năm nay. Lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất là ngành vận tải và hàng không, khi khoản nhiên liệu chiếm từ 20% - 30% ngân sách công ty. Cổ phiếu của các hãng hàng không như Korean Air và Asiana Airlines liên tục rớt giá thảm hại dù đã bật mạnh hơn 2 tháng qua. Cổ phiếu của các hãng vận tải như Hanjin Shipping và STX Pan Ocean cũng lần lượt mất giảm giá trị 10,3% và 9,5% trong tuần rồi.
Trước đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản - ba khách hàng mua dầu lớn của Iran ở thị trường châu Á, chiếm 45% xuất khẩu dầu thô của Tehran - đã lên kế hoạch cắt giảm ít nhất 10% lượng dầu nhập khẩu từ Iran trước những khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào các giao dịch dầu mỏ của Tehran.
Tại Mỹ, giá bán xăng cũng đã tăng từng ngày trong tuần qua. Mặc dù nền kinh tế Mỹ đang xuất hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng hiện tượng giá xăng tăng vọt đã khiến nhiều người Mỹ lo ngại tỷ lệ lạm phát sẽ gia tăng trở lại. Đã gần 1 năm nay, giá xăng tại Mỹ khá ổn định và chỉ dao động trong vòng dưới 0,2 USD/galon. Thế nhưng, chỉ trong vòng 5 ngày qua, giá xăng đã tăng tới 0,5 USD/galon, tương đương khoảng 2.000 VNĐ/lít. Ngày 23-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng thừa nhận đây là vấn đề nan giải, kêu gọi người dân hãy kiên nhẫn chịu đựng bởi đây là vấn đề không thể giải quyết được trong “một sớm một chiều”.
Có thể thấy, mặc dù đã có kịch bản đối phó nhưng Mỹ và phương Tây cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc xăng dầu tăng giá. Với tiềm lực của mình, các quốc gia này có thể gồng mình để giảm thiểu thiệt hại nhưng đối với các quốc gia khác, mức độ ảnh hưởng sẽ là rất nặng nề khi bản thân họ không có những nguồn dự trữ xăng dầu để đối phó với tình hình bất ổn hiện nay tại Iran và Trung Đông.
HẠNH CHI