

Nhiều công trình xây dựng bị bọn tham nhũng "rút ruột"- mối lo của toàn xã hội.
Chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và các ngành, các cấp góp ý vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng. Thực hiện kế hoạch này, Báo SGGP mở Diễn đàn “Góp ý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng”. Mời bạn tham gia! (Xem toàn văn dự thảo)
Thông tin liên quan:
Phát huy trí tuệ của toàn dân hiến kế phòng chống tham nhũng
Chống tham nhũng phải có những biện pháp đấu tranh hiệu quả
ĐỀ CƯƠNG GỢI Ý THẢO LUẬN
1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
- Phương án 1: Chỉ điều chỉnh hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước như quy định trong Pháp lệnh chống tham nhũng hiện hành;
- Phương án 2: Mở rộng điều chỉnh cả hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài khu vực Nhà nước.
2. Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (Chương II)
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng quy định tại Chương II của dự thảo Luật, nhất là việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đã đầy đủ chưa?
3. Về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập (Điều 39)
- Phương án 1: Quy định ngoài việc kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình, người có chức vụ, quyền hạn còn phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con;
- Phương án 2: Quy định người có chức vụ, quyền hạn chỉ phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình;
- Phương án 3: Quy định ngoài việc kê khai tài sản của mình, người có chức vụ, quyền hạn còn phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con trong cùng sổ hộ khẩu.
4. Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình (Điều 49)
Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp để người mà mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ thực hiện hành vi tham nhũng liên quan tới công vụ, nhiệm vụ được giao như trong dự thảo Luật hay là quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, bao gồm trách nhiệm chung, trách nhiệm trực tiếp và trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
5. Về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng (Mục 4 Chương III)
Quy định về vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo tham nhũng trong dự thảo Luật về cơ bản giống như quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành hay quy định tiếp nhận và xử lý cả những tin báo tham nhũng mà người tố cáo không ghi rõ tên và địa chỉ của mình (nặc danh) nhưng lại có nội dung sự việc cụ thể, rõ ràng?
6. Về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (Điều 72)
- Phương án 1: Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan này do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ;
- Phương án 2: Thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở hai cấp. ở trung ương, thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và Tổng Thanh tra là Thường trực Ban chỉ đạo. ở cấp tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đứng đầu và Chánh Thanh tra tỉnh là Thường trực Ban chỉ đạo. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban chỉ đạo trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
7. Về vai trò của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng (Điều 80)
Có cần quy định rõ hơn nữa về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng như: quyền thẩm tra, xác minh về các vụ việc tham nhũng; quyền công bố, đưa tin về kết quả điều tra xác minh; trách nhiệm trước pháp luật đối với việc đưa tin và công bố kết quả điều tra vụ việc tham nhũng hay không?
8. Về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng (các điều 79, 81 và 82)
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và của công dân quy định trong dự thảo Luật đã hợp lý và đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng chưa?
Sau đây là nội dung bạn đọc góp ý:
- Công khai các dự án quy hoạch cho dân biết để ngăn chặn tham nhũng
Đọc dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng tôi thấy nội dung “đúng nhưng chưa đủ”. Tại Chương II về “Phòng ngừa tham nhũng” mục 1 về “Công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức”, theo tôi, Quốc hội nên bổ sung thêm điều khoản công khai minh bạch các dự án, nêu rõ diện tích quy hoạch, chủ đầu tư, giá cả đền bù, thời gian giải tỏa, kế hoạch tái định cư cho dân biết để lấy ý kiến dân và tăng cường sự giám sát của dân… Đây là vấn đề “nóng” trong thời gian qua khiến người dân bức xúc và khiếu kiện kéo dài.
Nhà nước luôn khẳng định “đất đai là tài sản quốc gia”, do đó, khi sử dụng tài sản quốc gia vào các mục đích ích nước lợi dân thì cần phải công khai cho dân biết, tránh tình trạng dồn dân vào tình thế mù mờ, không hiểu “số phận” của chính căn nhà, mảnh đất nơi mình sinh sống sẽ được “quyết” ra sao. Chính vì thiếu thông tin và thiếu công khai dân chủ, cũng như thiếu bàn bạc kỹ trong dân, nên dẫn đến tình trạng khiếu kiện, gây mất trật tự kỷ cương, tạo kẽ hở cho chủ đầu tư cũng như một số cán bộ có chức, có quyền tham nhũng bằng cách áp đặt giá thấp, bán ra giá cao, gây bất bình trong dân.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp và các công trình khác vẫn chưa được công khai, chỉ một số cán bộ có chức có quyền biết trước và tranh thủ đầu cơ trục lợi hoặc câu kết với nhau “xẻ thịt” đất đai của dân, của nước. Việc công khai minh bạch các dự án chắc chắn sẽ hạn chế từng bước tình trạng tham nhũng trên lĩnh vực đất đai.
ĐẶNG QUỲNH MAI
(Cán bộ UBMTTQ huyện Hóc Môn TPHCM)
- Cần mở rộng vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh với tham nhũng
Hầu hết các vụ tiêu cực được phanh phui, xử lý là nhờ báo chí. Tại tất cả các cuộc họp, nhiều lãnh đạo cũng đã thừa nhận báo chí nói chung và nhà báo nói riêng có vai trò rất lớn trong việc phát hiện và đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thế nhưng, tại dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng chỉ có 1 điều quy định vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí là không thỏa đáng, chưa tạo điều kiện để cơ quan báo chí vào cuộc chống tham nhũng. Điều 80 quy định rất chung chung là: cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng; nếu không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hay cơ quan báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng... Chỉ đơn giản thế thì các cơ quan ấy có hàng ngàn lý do để không phải cung cấp tài liệu tham nhũng của chính bản thân, đơn vị mình. Và trường hợp cơ quan báo chí muốn phối hợp mà các đơn vị phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng đó không muốn phối hợp thì… “huề” sao? Tại sao dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng không quy định biện pháp chế tài, xử lý những người, đơn vị không cung cấp tài liệu, từ chối phối hợp với cơ quan báo chí? Hơn nữa, điều luật này chỉ mới quy định về vai trò của cơ quan báo chí chứ chưa quy định về vai trò của nhà báo. Tại sao chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn dân mà luật chống tham nhũng lại không tạo chủ động cho nhà báo- một lực lượng tiên phong, năng động trong công tác chống tiêu cực trong thời gian qua- có điều kiện phát hiện tiêu cực và chống tham nhũng.
PHẠM THÀNH TRUNG
(136/16 Nguyễn Tri Phương Q5 TPHCM)
- Kê khai tài sản: Không thể “vẽ đường cho hươu chạy”
Điều 39 của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng nói về nghĩa vụ kê khai tài sản đã đưa ra 3 phương án, trong đó có nhiều nội dung trùng ý nhau. Do vậy, theo tôi phương án 1 có phần chặt chẽ và rõ nghĩa hơn bởi các lý do sau:
Một là, trên thực tế hiện nhiều người có số tài sản bất minh đã dùng mọi mánh khóe để che đậy, trong đó phổ biến nhất là nhờ người khác trong gia đình mình đứng tên như vợ hoặc chồng, con, cháu (kể cả những người chưa đủ tuổi vị thành niên), họ hàng… Do đó, nếu luật quy định chỉ kê khai tài sản thuộc sở hữu của người có nghĩa vụ kê khai thì một lượng lớn tài sản mà chủ thực sự của nó là những cán bộ, công chức sẽ không được quản lý, làm rõ khi cần xác minh nguồn gốc.
Hai là, việc tách hộ khẩu của các thành viên trong gia đình hiện không còn là chuyện khó. Do vậy, nếu luật quy định chỉ kê khai tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con, cháu khi họ cùng hộ khẩu với người có nghĩa vụ kê khai tài sản thì đây chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”.
Như chúng ta biết, việc tách nhập hộ khẩu và cho, đổi, chuyển sở hữu tài sản cho nhau giữa các thành viên trong gia đình đều được pháp luật cho phép. Quy định bắt buộc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức nếu không tính đến các tình tiết này sẽ tạo thành một kẽ hở để tẩu tán, phân chia tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có.
Do vậy, theo tôi đã kê khai tài sản thì phải kê khai hết, chúng ta mới biết vợ hoặc chồng và con, cháu của người cán bộ, công chức đó đang đứng tên tài sản là gì và nguồn gốc tạo ra được từ đâu.
Đối với những người có tài sản minh bạch, nguồn thu chính đáng thì kê khai tài sản rất thoải mái và nhẹ nhàng. Ngược lại, việc kê khai tài sản đối với những cán bộ, công chức có những dấu hiệu không rõ nguồn gốc và giàu lên nhanh chóng thì lại là vấn đề đặt ra cho tổ chức phải tiến hành kiểm tra, làm rõ.
Thực tế từ trước đến nay, chúng ta chỉ xác minh nguồn gốc tài sản của người cán bộ, công chức khi bị phát hiện có tiêu cực, tham nhũng. Và những người nào mà chưa bị phát hiện tiêu cực, tham nhũng thì khối tài sản kếch xù mà bản thân họ và các thành viên trong gia đình đang đứng tên trở thành hợp pháp.
Chính vì vậy, việc kê khai tài sản mà Luật Phòng chống tham nhũng đặt ra phải gắn chặt với các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức. Những cán bộ, công chức nào đứng tên một khối tài sản lớn không nói rõ được nguồn gốc thì phải được tiến hành làm rõ, kể cả kiểm tra toàn bộ các mối quan hệ và công việc của họ xem có dấu hiệu lợi dụng chức vụ được giao để trục lợi hay không.
Mai Mộng Tưởng
(Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
- Toàn dân chống tham nhũng - nét độc đáo của Việt Nam
Dự thảo lần 5, Luật Phòng chống tham nhũng theo tôi là “rất Việt Nam”. Đây là dự thảo luật phòng chống tham nhũng dài nhất mà tôi từng thấy, hơn luật tương tự của Thái Lan và hơn cả Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Trong phần về công khai, minh bạch, dự luật cấm bố, mẹ, con cái tham gia các tổ chức do công chức lãnh đạo. Quy định này, ngoài Việt Nam, chỉ Trung Quốc mới có. Nhưng, đây lại phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Song, điều ấn tượng mà theo tôi “rất Việt Nam” là: tất cả mọi người đều có trách nhiệm tham gia phòng chống tham nhũng, từ một người dân bình thường đến Thủ tướng Chính phủ.
Thái Lan chúng tôi và các quốc gia khác không vậy, nhiệm vụ chống tham nhũng được giao cho một cơ quan đặc trách. Trong khi đó, Việt Nam huy động sức mạnh tổng hợp để chống tham nhũng. Việt Nam còn có các ban chỉ đạo để điều phối, phối hợp các cơ quan. Điều rất Việt Nam này, chúng tôi không có. Và, nếu trách nhiệm của ban thanh tra nhân dân của các bạn được quy định cụ thể hơn trong dự luật thì sẽ càng góp phần nâng cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Tiến sĩ THAVEEPORN VASAVAKUL, Viện Quốc tế học, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan)
- Công khai thông tin về tài sản
Điều 9 và Điều 65 của dự luật khuyến khích, yêu cầu tất cả người dân báo cáo về hành vi tham nhũng. Nhưng, các nghĩa vụ này được thực hiện như thế nào lại không rõ, cũng không có quy định rõ ai là người phải báo cáo; ai, cơ quan nào nhận báo cáo; làm thế nào để bảo vệ những người báo cáo, nhất là những người làm công tố giác những ông chủ của mình.
Theo tôi, cần phải thành lập một văn phòng tiếp nhận và điều tra các báo cáo về tham nhũng. Điều 69 quy định thưởng cho những người báo cáo về hành vi tham nhũng. Nên cân nhắc lại vì cán bộ công chức là đối tượng bắt buộc phải báo cáo. Ở Mỹ, người báo cáo, tố giác tội phạm có thể được thưởng tới 30% tổng số tiền thu lại được từ tội phạm nhưng Chính phủ không thưởng cho cán bộ, công chức vì đây là nghĩa vụ đương nhiên của họ.
Bên cạnh đó, thay vì quy định cá nhân nào có quyền yêu cầu thông tin của Chính phủ, tôi kiến nghị nên cho phép mọi người đều có thể yêu cầu cung cấp thông tin. Cũng như vậy, thay vì giới hạn công khai về kê khai tài sản áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể như ở nơi làm việc hoặc trong cuộc họp cử tri, nên công khai rộng rãi về các tài sản kê khai.
Ông KATHLEEN CLARK, Giáo sư Luật học, Trường Đại học Tổng hợp Washington (Mỹ):
- Cần sung công các tài sản bất minh
Trong dự thảo luật thường đưa ra chế tài chung chung là xử lý kỷ luật. Theo tôi, cần phải quy định rõ 3 mức hình thức xử lý: hành chính, dân sự và hình sự. Ngoài việc xử lý những hành vi thu lợi bất hợp pháp, cần phải có biện pháp cụ thể ngăn chặn những đối tượng phạm tội hưởng lợi từ hành vi phạm tội của họ.
Một trong những cách quan trọng nhất là Nhà nước ban hành cơ chế sung công đủ mạnh như quy định về xác định, phong tỏa, tạm giữ và sung công các khoản tiền, tài sản có được một cách bất hợp pháp.
Vì vậy, đề nghị sửa đổi Điều 78, xử lý tài sản không có nguồn gốc hợp pháp là: “Người bị khởi tố về tội tham nhũng phải giải trình nguồn gốc hợp pháp của tài sản, nếu không giải trình được thì coi là tài sản bất minh. Trong trường hợp người có tài sản bất minh bị kết án về tội tham nhũng thì tòa án ra quyết định sung công tài sản bất minh của người đó, trừ những tài sản hợp pháp hình thành trước khi xảy ra phạm tội về tham nhũng”.
Bà SANDRA VALLE, chuyên gia tư vấn quốc tế, UNDP
- Có biện pháp chế tài phòng ngừa tham nhũng
Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tôi thấy dự thảo quy định hầu như đầy đủ, nhưng vấn đề chính yếu ở đây là biện pháp chế tài. Biện pháp chế tài không chỉ là kỷ luật mà cơ quan hữu quan phải mở ngay các cuộc điều tra, đi sâu vào nguồn gốc tài sản để có những quyết định mang tính pháp luật như hạn chế quyền sử dụng hay truất quyền sở hữu… vì tham nhũng sẽ làm tiêu hao thất thoát tài sản nhà nước.
Về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan ở Điều 49, nên quy định rõ: Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tham nhũng của những người thuộc quyền. Đó là trách nhiệm cá nhân và trực tiếp vì liên quan đến quyền cá nhân của mình và tùy theo mức độ, người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm chung hoặc liên đới trách nhiệm với người hay tổ chức vi phạm.
Việc tiếp nhận và xử lý hành vi tham nhũng ở mục 4, chương III, tôi đồng ý với việc xử lý tố cáo hành vi tham nhũng có tính nặc danh. Loại trừ kênh tố cáo nặc danh là một thái độ quá vô tư không thể biện minh được. Theo tôi, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải có đủ quyền lực vì trên thực tế, quyền lực của nhân dân hãy còn quá trừu tượng, khó thực thi. Nếu Đảng lãnh đạo thì Đảng nên trừng trị kẻ vi phạm, chứ nếu chỉ để Nhà nước trừng trị thì chưa đủ.
Về vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, tôi thấy nên quy định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí, cần quy định thêm biện pháp chế tài cũng như khen thưởng để nhà báo được yên tâm công tác. Còn về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc phòng chống tham nhũng có hiệu quả của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng (Điều 79-81-83), luật nên quy định khen thưởng, ghi công hoạt động để tạo chỗ dựa cho dân hoàn thành sứ mệnh giám sát của mình.
Luật gia Hồ Ngọc Cứ
(Ủy viên UBTƯ MTTQVN, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật phía Nam)
Tạo cơ chế để cán bộ nói “3 không” Trong hai ngày 25 và 26-8, tại TPHCM, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã họp góp ý các dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Đầu tư (chung) và Luật Doanh nghiệp (thống nhất). Đồng tình với ông Vũ Mão, đại biểu Đinh La Thăng cũng tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của dự luật nếu được ban hành. Ông nói: Các văn bản pháp quy về quản lý các bộ công chức đã có rồi, trong khi đó cách thể hiện của dự thảo luật chưa cụ thể. Do đó, nếu ban hành thì không khéo vấn đề tham nhũng đã bức xúc lại càng bức xúc hơn, vì lúc đó “phòng cũng khó mà chống mãi không giảm” gây mất lòng tin trong dân. Ông Thăng phân tích: nếu cứ dùng tiền mặt trong thanh toán như hiện nay thì vấn đề này gian nan lắm! Chúng ta cần trả lương, thanh toán thông qua tài khoản và các ngân hàng phải xây dựng một lộ trình cụ thể để toàn dân không phải “thủ” trong túi bạc triệu đi mua sắm. Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Kim Thoa nhìn nhận: muốn chống có hiệu quả, cần phải “đánh” có trọng tâm trọng điểm và tạo một cơ chế để người ta nói “3 không” với tham nhũng (không muốn, không dám và không thể). “Tại sao người ta phải “chạy” để vào được cơ quan nhà nước dù đồng lương rất thấp và tại sao lương thấp mà một số cán bộ lại có nhà lầu, xe hơi riêng? Khi nào những câu hỏi này còn nằm trong “bí mật” thì chúng ta chỉ làm rộn rã ở phần “ngọn” thôi, còn cái gốc của nó vẫn thế! Ông Trân nói tiếp: Nếu Bộ Kế hoạch - Đầu tư không “thả” chương VI (quản lý hoạt động đầu tư) trong Luật Đầu tư (chung) thì nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện một dự án tại Việt Nam phải vừa có giấy chấp nhận đầu tư vừa có giấy phép kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp (thống nhất). Đó là sự “thụt lùi” chứ không thể gọi “thoáng” được. TRẦN TOÀN |
Các ý kiến đưa ra trong 2 ngày hội nghị đều gặp nhau ở một điểm: các câu chữ viết ra trong 8 chương, 88 điều dự luật còn trùng lặp và “bê” lại các quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức, Pháp lệnh chống tham nhũng, Luật Báo chí... “Điều 28 yêu cầu chuyển vị trí công tác của những cán bộ dính dáng đến tham nhũng, nghe thì rất hay. Nhưng nếu không viết chặt chẽ hơn như chuyển theo nguyên tắc nào, cấp nào... thì có thể sẽ tạo ra kẽ hở để lợi dụng chuyển cán bộ lung tung”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nói.
“Điều 79 của dự luật viết quá đơn giản về vai trò của Mặt trận Tổ quốc”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh phát biểu. Dự luật viết quá chung chung khiến khi có hiệu lực thi hành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ khó có vai trò đáng kể trong việc tham gia chống tham nhũng, vấn đề được coi là bài toán của toàn Đảng, toàn dân tộc.
Ông Nguyễn Khánh cho rằng, giờ là dịp đề cao nhân dân trong việc phát hiện, kiểm soát hoạt động chống tham nhũng của Chính phủ, các cơ quan công quyền. Chỉ khi dân được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia mới mong tạo được bước chuyển căn bản trên mặt trận phòng chống tham nhũng.
10 biện pháp phòng chống tham nhũng (Trích các ý kiến đề xuất bổ sung các biện pháp chống tham nhũng vào Dự Luật Phòng chống tham nhũng) 1- Chuyển dần chế độ tuyển chọn sang hẳn chế độ thi tuyển công chức. Người thi tuyển phải trình bày chương trình hành động trước cơ quan dân cử. Thậm chí, khi được ký hợp đồng, cán bộ công chức phải cam kết không tham nhũng để sau này dễ xử lý. |