(SGGP).- Ngày 14-5, Ủy ban Kinh tế - ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT tổ chức hội nghị truyền hình trên phạm vi toàn quốc để lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Tại hội nghị, các ý kiến đóng góp xoay quanh thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản, đấu giá khai thác, phân định quyền sở hữu tài nguyên khoáng sản ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình thăm dò, khai thác... Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM - TS Trần Du Lịch cho rằng, khâu có ý nghĩa tiền đề quan trọng nhất trong quản lý nhà nước về khoáng sản là lập được quy hoạch tốt. Ông Lịch cũng yêu cầu bổ sung, làm rõ thêm nhiều nội dung liên quan đến “chế biến khoáng sản” vào dự luật (nhằm hạn chế tình trạng đổ xô khai thác tài nguyên để bán thô, kiếm lợi trước mắt); cũng như những quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có mỏ khoáng sản được khai thác.
Lãnh đạo chính quyền một số địa phương như Hải Phòng, Thái Nguyên... đề nghị phân cấp mạnh hơn trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho UBND cấp tỉnh, huyện. Ông Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, phát biểu: “Dự thảo luật trao thẩm quyền cấp phép các mỏ nhỏ lẻ cho UBND cấp tỉnh “sau khi Bộ TN-MT đã khoanh định và công bố quy hoạch” là rất khó cho chính quyền địa phương, bởi chúng tôi sẽ phải chờ đợi việc khoanh định và công bố của bộ. Quy định như thế muốn nhanh cũng không được”.
Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đang phát triển khá mạnh những năm gần đây, với số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này lên tới 1.500 doanh nghiệp so với con số 427 vào năm 2000; đóng góp 3% GDP cả nước (không kể dầu khí); giải quyết việc làm cho 300.000 lao động.
Cùng ngày, Liên hiệp Các Hội KH-KT Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức cuộc hội thảo “Tài nguyên khoáng sản (TNKS) và phát triển bền vững ở Việt Nam”. Tại đây, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề phải dừng ngay việc xuất khẩu khoáng sản dưới dạng quặng thô, siết chặt cơ chế quản lý khai thác TNKS để giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá cho các thế hệ con cháu sau này. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa điểm khai thác TNKS hiện nay.
Đánh giá chung của VUSTA cho biết, ngoài dự án lớn của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, đầu tư của nước ngoài lựa chọn được công nghệ khá tiên tiến, phần nhiều dự án khai thác, chế biến khoáng sản ở nước ta có quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tổn thất khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện rất cao: khai thác than hầm lò (40%-60%), apatit (26%-43%), quặng kim loại (15%-30%)... Đa số các mỏ quy mô nhỏ hiện nay mới chỉ lấy được những phần quặng giàu nhất, bỏ đi toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng. Ở nhiều địa phương, nạn khai thác khoáng sản không phép, khai thác tự do, nhất là đối với vàng sa khoáng, đá quý, chì, kẽm, titan... chưa được ngăn chặn và để lại nhiều hậu quả xã hội, môi trường khôn lường. Đáng lưu ý là năm 2009, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 8,5 tỷ USD hàng hóa có nguồn gốc từ khoáng sản, nhưng cũng nhập về khoảng 15,5 tỷ USD thiết bị, vật liệu có nguồn gốc từ khoáng sản.
PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam khẳng định: “Tổng hội Địa chất sẽ có kiến nghị lên cấp trên là cần chấn chỉnh và dừng ngay việc xuất khẩu khoáng sản thô”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng cho rằng, tình trạng “chảy máu” khoáng sản, đặc biệt là nhiều địa phương ồ ạt cấp phép cho các đơn vị khai thác khoáng sản một phần là do lãnh đạo ở đây mang nặng tư duy nhiệm kỳ, chỉ chú ý đến tăng trưởng GDP mà ít chú ý đến yếu tố phát triển bền vững. Quản lý nhà nước về khoáng sản chưa có tổ chức thống nhất đủ thẩm quyền điều phối các bên liên quan dẫn đến khi có vấn đề phát sinh không rõ trách nhiệm thuộc ngành nào.
TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách (Bộ TN-MT) cho rằng, để hạn chế những bất cập trong khai thác TNKS, Việt Nam cần phải xây dựng lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. Theo đó, phải coi tài nguyên nói chung và TNKS nói riêng là nguồn lực ngày càng khan hiếm cần phải được thị trường hóa và coi bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả, tính bền vững của các hoạt động kinh tế để có thể hạch toán toàn diện và đầy đủ
ANH PHƯƠNG - TRẦN BÌNH