(SGGPO).- Sáng 22-2, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hội thảo diễn ra trong một ngày.
Hội thảo tập trung vào các chủ đề quan trọng: đánh giá tổng quan dự thảo Hiến pháp sửa đổi và việc hoàn thiện thể chế chính trị; chế định quyền con người, quyền công dân; cơ chế bảo vệ Hiến pháp; chế định tư pháp.
Tại Hội thảo, TS Phạm Văn Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã báo cáo đề dẫn, nêu rõ những nhận định tổng quan của các nhà khoa học về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Đặc biệt, theo ông Hùng, các nhà khoa học đã chỉ ra những hạn chế của Dự thảo cần phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và xu thế thời đại. Đó là yêu cầu hoàn thiện quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng mang tính cam kết pháp lý rõ ràng hơn, khắc phục việc Đảng viên lợi dụng danh nghĩa Đảng gây dựng bè phái, tạo đặc quyền, đặc lợi, hoặc nói không đi với làm, dẫn đến giảm uy tín của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về Quốc hội theo hướng phân định rõ hơn thẩm quyền giữa Quốc hội với nhân dân, Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương. Các quy định về Chủ tịch nước và chính quyền địa phương cũng được yêu cầu chỉnh lý, bổ sung.
Liên quan đến việc chế định quyền con người, quyền công dân, TS Hùng cho biết, trong tổng số 124 điều của Dự thảo, có 38 điều quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, chiếm hơn 30%. “Đây là thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nhiều quyền hiến định vẫn còn được viết theo dạng “… theo quy định của pháp luật”, gây ra những băn khoăn về khả năng tùy tiện của cơ quan nhà nước trong việc giới hạn, thu hẹp các quyền hiến định của người dân”, ông Hùng phát biểu.
Cơ chế bảo vệ Hiến pháp cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Các nhà khoa học nhận định, Hội đồng Hiến pháp là một chế định kiểm hiến thích hợp nhất trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Song, cần tạo lập một chương riêng về Hội đồng Hiến pháp để đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm hiến và đảm bảo hoạt động có hiệu quả, tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Ý kiến khác cho rằng, Dự thảo cần quy định thành lập Viện Hiến pháp để thay thế cho các phương án khác (như Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp) để thực hiện các thẩm quyền như can gián Hiến pháp, lịch sử Hiến pháp…
Về chế định hành chính, tư pháp, nhiều nhà khoa học kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quán đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, Hiến pháp cần quy định rõ hơn theo hướng nguyên tắc tranh tụng cần phải được đảm bảo trong mọi hoạt động tố tụng.
Về phương diện pháp chế, có ý kiến đề nghị phục hồi lại Điều 12 Hiến pháp 1992 về tăng cường pháp chế XHCN trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp; nhưng cần bổ sung, phát triển, thể hiện được khái quát bản chất dân chủ, thuộc tính XHCN, vai trò của nó trong tổ chức, hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước, trong đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân cũng như bổ sung nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân về bảo vệ pháp chế XHCN.
ANH PHƯƠNG