Thời gian qua, trên khắp cả nước, dư luận đã nói đến rất nhiều sự biến tướng của các lễ hội, sinh hoạt tính ngưỡng dân gian. Trong cuộc trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam (nay là Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, sở dĩ có điều đó vì cách quản lý, tổ chức sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập. Đặc biệt, do những vấn đề lịch sử để lại, đa phần người dân thiếu hoặc không hiểu biết đầy đủ những ý nghĩa, tâm thức trong các hoạt động này, nên đã bị những kẻ xấu lợi dụng, khiến các sinh hoạt truyền thống, chứa nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa của dân tộc bị biến tướng.
- Phóng viên: Cùng với việc phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, rất nhiều lễ hội, tín ngưỡng dân gian được phục dựng trên khắp cả nước. Giáo sư đánh giá nhưng thế nào về vấn đề này?
GS Ngô Đức Thịnh: Nhìn lại lịch sử, trong những năm đất nước ta trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ ở thế kỷ 20, rất nhiều công trình vật chất và sinh hoạt tinh thần về lễ hội, tín ngưỡng dân gian bị tàn phá hoặc mất đi. Một phần do chiến tranh gây ra, nhưng phần do sự chủ quan của chúng ta trong giai đoạn đó, xem tất cả đó là tàn dư của chế độ phong kiến, nên đã bỏ mặc hoặc phá đi. Đó là một việc hết sức đáng tiếc, bởi chính nơi đó chứa đựng truyền thống, tâm thức lịch sử văn hóa của dân tộc từ ngàn xưa đến nay. Cùng với công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986, vấn đề này mới được xem xét lại và từ đó đến nay rất nhiều lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian được phục hồi.
Đặc biệt trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước, các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng dân gian ngày càng sôi động và cởi mở. Đây là điều mà những người nghiên cứu như chúng tôi hết sức xem trọng. Tuy nhiên, do có sự “đứt gãy” như tôi đã nói ở trên, nên sự hiểu biết, cách thức sinh hoạt, tâm thức của rất nhiều người dân đối với lễ hội, tín ngưỡng không thật đầy đủ, thậm chí bị sai lệch đi rất nhiều. Điều đó dẫn đến tình trạng như nhiều người nói là “hỗn loạn và biến tướng” hiện nay ở các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng dân gian.
- Có một điều nhận thấy khá rõ, những sinh hoạt lễ hội tín ngưỡng dân gian ngày càng được hiện đại hóa, kể cả về mặt tâm linh cũng như vật chất. Điều đó nói lên điều gì, thưa giáo sư?
Đúng là diễn ra ở góc độ xã hội thì hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, điều đáng tiếc, rất nhiều công trình như đình làng, đền, miếu, phủ, chùa,... được trùng tu, phục dựng không đúng, nếu không nói là làm mất giá trị lịch sử của nó. Có ngôi đình lịch sử 500 năm, sau khi phục dựng đã mất hết giá trị lịch sử và bắt đầu từ 1 tuổi. Đáng ra phải làm nó khang trang, to đẹp hơn nhưng vẫn giữ được giá trị, ý nghĩa lịch sử, đằng này lại làm mất đi hết những cái đó. Đây là sự mất mát rất lớn trong việc trùng tu, phục dựng các công trình lịch sử hiện nay.
Với các hoạt động lễ hội, tâm linh, việc sử dụng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại không ảnh hưởng gì, nếu không quá phô trương hay lạm dụng. Cần phải giữ được những nét, nội dung cơ bản, tính truyền thống như đã có từ bao đời trong các sinh hoạt này, thì mới có ý nghĩa. Thử hình dung, bây giờ rước kiệu làng mà dùng ôtô để rước thì còn gì là lễ hội dân gian nữa? Hội làng mà có hát nhạc rock, múa bale... cũng chẳng còn gì ý nghĩa!
- Theo giáo sư, đâu là sự bất cập trong công tác quản lý, tổ chức sinh hoạt lễ hội dân gian hiện nay?
Chúng ta đều biết, lễ hội dân gian do cộng đồng làng xã tạo dựng nên. Nó xuất phát từ nhu cầu, ước vọng của từng người dân, của cộng đồng đó từ ngàn đời truyền lại đến nay. Mỗi cộng đồng, mỗi lễ hội đều có những đặc tính riêng. Đã lễ hội là dân giã, đông vui, náo nhiệt. Lễ hội không phải là một cuộc duyệt binh phải chỉnh tề, đúng khuôn phép. Cái bất cập hiện nay là các cơ quan quản lý Nhà nước “nhúng tay” vào việc điều hành, tổ chức lễ hội quá nhiều. Hãy để người dân, cộng đồng đã sản sinh ra lễ hội đó tự làm việc này. Tôi tin chắc rằng họ sẽ tổ chức, điều hành một cách hết sức hợp lý, an toàn, như cha ông họ đã từng làm từ hàng trăm năm nay.
Ví dụ như hội Khai ấn đền Trần, trước đây làm gì có chuyện hỗn loạn như mấy năm trở lại đây. Nhưng từ khi chính quyền đứng ra tổ chức, rồi việc “phát ấn” được đẩy lên thành một ý nghĩa khác với nguyên bản lịch sử thì sự xô bồ, hỗn loạn hàng năm vào dịp này đã diễn ra. Theo tôi, nên trả lễ hội này về cho cộng động người dân ở Lộc Vượng, thành phố Nam Định tự tổ chức, quản lý. Nếu làm được điều đó, tôi tin rằng sẽ không có chuyện hỗn loạn, xô bồ như đã từng xảy ra ở đây trong những năm vừa qua.
- Nếu trả lễ hội về cho cộng đồng, cần phải làm gì để những sinh hoạt đó không bị biến tướng, bị lợi dụng và vai trò Nhà nước sẽ được thực hiện như thế nào?
Hãy tin ở người dân, hãy tin ở cộng đồng. Bao đời họ đã làm được điều đó rồi. Không ai có thể thay người dân làm được việc đó cả. Bởi họ chính là chủ thể của những hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Nhà nước sẽ ban hành những chính sách, định hướng để các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội không đi sai với những gì nó đã có, để nó mang lại những ý nghĩa về tâm linh, văn hóa cho người dân, cộng đồng đúng như những gì đã có trong lịch sử dân tộc.
Cũng như trên thế giới, bất kỳ tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội nào sinh ra đều có giá trị văn hóa và ý nghĩa tích cực của nó. Nhưng nó chỉ xấu đi, bị biến tướng khi bị lợi dụng. Vai trò điều chỉnh, quản lý của Nhà nước chính là ở chỗ này với những công cụ về luật pháp, thể chế trong tay. Còn việc tổ chức, quản lý trực tiếp những sinh hoạt này, hãy để người dân, cộng đồng, những chủ nhân đích thức của lễ hội thực hiện.
Một điều hết sức quan trọng là các cơ quan Nhà nước hãy xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng để làm ăn phi pháp. Điều đó giúp người dân, cộng đồng yên tâm, tin tưởng hơn vào chính quyền và giúp các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng diễn ra lành mạnh, không trái với những quy định pháp luật hiện hành. Để người dân hiểu đúng về những sinh hoạt này và cao hơn nữa là tâm thức, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của dân tộc trong lễ hội, tín ngưỡng được giữ gìn và phát huy.
Trần Lưu (thực hiện)
| |
| |