Với tư cách là ĐBQH, một GS-TS có nhiều năm giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS), GS-TS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh) nói gì về chất và lượng trong đào tạo tiến sĩ hiện nay? Ông đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP sau đây.
Gần như 100% NCS đến nhà thầy đều có... phong bì
- PV: Thưa ông, thật sự là chúng ta đang “lạm phát” văn bằng tiến sĩ (TS). Có tình trạng này một phần là do chính chúng ta đã hạ thấp ngoài sức tưởng tượng những chuẩn mực vốn có của học vị được tôn vinh nhất trong khoa học. Ở góc độ một nhà chuyên môn, ông nhìn nhận thế nào?
GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT: Có một số lý do chính dẫn đến tình trạng đào tạo TS chất lượng thấp. Thứ nhất, phần lớn NCS và học viên cao học của ta học theo hình thức tại chức (vừa làm vừa học). Hình thức đào tạo này dễ sinh ra chuyện học qua quýt. Lẽ ra, NCS phải thực sự gắn bó với cơ sở đào tạo, làm mọi việc như một giảng viên hoặc nghiên cứu viên của cơ sở ấy. Đằng này, NCS vẫn làm việc ở cơ quan mình, thậm chí vẫn làm thêm kiếm sống, đến năm cuối cùng mới “vắt chân lên cổ” viết luận án. Như vậy thì làm sao trình độ của họ nâng lên được?
Thứ hai, có nhiều NCS đi học là để kiếm bằng chứ không phải bắt nguồn từ sự thôi thúc của công tác nghiên cứu khoa học. Thứ ba, trong quá trình hướng dẫn NCS và chấm luận án, một số thầy hướng dẫn không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, gần như bỏ rơi NCS, để họ tự bơi. Thầy không sâu sát nên sinh ra tình trạng học trò thuê viết luận án, chép tài liệu đã xuất bản để làm luận án. Tình hình hẳn sẽ khác đi nếu các thầy làm đúng quy trình đã chuẩn hóa.
Nhưng tiếc là thực tế không hẳn vậy vì… thầy bận quá nhiều việc, bận dạy thêm bên ngoài, bận ngồi hội đồng, bận tùm lum. Mà nhất là thầy phải ngồi hội đồng nhiều quá! Có thầy “chuyên nghiệp” ngồi hội đồng, kể cả hội đồng không sát chuyên môn của mình.
- Dạ… đúng, nhưng ông vừa nói chỉ một số thầy như thế?
Nói một cách thẳng thắn thì không ít thầy đâu. Nói chung là nhiều thầy bận, chỉ thích “xuất bản mồm”, vừa nhanh vừa hiệu quả. Hiện nay không có mấy thầy đầu tư, theo sát, chữa từng li từng tí cho luận án NCS đâu. Còn về các hội đồng chấm luận án thì khá nhiều hội đồng làm việc hình thức, du di, nể nang nhau. Thầy A hướng dẫn, thầy B chấm. Lúc thầy B chấm thì thầy phải nghĩ đến lúc thầy A chấm học trò mình. Tình thương của các thầy nhiều khi… mênh mông quá, nên gần như ai vào thì người đó ra, khiến học trò cảm thấy làm TS quá dễ, cứ viết đại là xong. Mà thế thì rất khó sàng lọc chất lượng.
Đó là tôi chưa nói còn có hiện tượng làm trái quy chế. Quy chế cấm NCS đến gặp người tham gia hội đồng chấm luận án trước khi bảo vệ. Thế nhưng, gần như cơ sở nào cũng giao NCS tự tay đem luận án đến nhà đưa cho thầy chấm. Như vậy làm sao mà khách quan được? Gần như 100% NCS đến nhà thầy đều có… phong bì kẹp vào luận án, dày mỏng từng lúc khác nhau. Thầy nhận tiền rồi ngồi chấm thì còn ra thể thống gì nữa? Có mấy thầy đồng quan điểm với tôi nói vui thế này: Thầy cầm tiền, giả sử luận án tốt, thầy đánh giá cao, biết đâu trò chẳng nghĩ “có tiền là xong ấy mà”; ngược lại, luận án kém, thầy không đánh giá cao hoặc bỏ phiếu chống, biết đâu trò lại nghĩ rằng “chắc đưa chưa đủ đô”.
- Những nguyên nhân này đã có từ bao giờ, thưa ông?
Chúng tôi đã thấy từ sớm khi còn tham gia giảng dạy. Tôi rời nhà trường từ năm 2002. Nhưng đến giờ, theo như phản ánh của báo chí, tôi thấy vẫn còn nguyên.
- Vậy, với tư cách đại biểu Quốc hội, đã bao nhiêu lần ông đặt vấn đề này trong các kỳ họp?
Thực ra tôi chỉ đặt vấn đề với Bộ GD-ĐT và nêu trên báo chí. Tôi chưa bao giờ đặt vấn đề này ra Quốc hội vì nói trước Quốc hội chỉ có 7 phút. Bây giờ Quốc hội rút ngắn thời gian họp, bỏ hoạt động thuyết trình của các ủy ban nên cũng chưa có chuyên đề nào bàn sâu về vấn đề này.
- Nhưng đây cũng là chuyên đề quan trọng, thưa ông?
Tất nhiên là quan trọng. Nhưng thường thì có những vấn đề xã hội bức xúc hơn. Về giáo dục cũng có những vấn đề được nhiều người quan tâm hơn.
- Nhưng nếu không giải quyết thì tình trạng lạm phát bằng TS sẽ ngày càng trầm trọng?
Vâng, đúng như vậy!
- Vậy không lẽ điều này không đáng quan tâm?
Không. Tôi không nói là không đáng quan tâm. Nhưng cá nhân tôi chỉ có điều kiện trao đổi với Bộ GD-ĐT và công luận về vấn đề này thôi. Còn phát biểu trước Quốc hội thì cũng chưa bao giờ có dịp. Tôi cho rằng đây là chuyện quan trọng chứ! Vì đào tạo TS là đào tạo người có trình độ cao, mà những người có trình độ cao ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, nếu đào tạo kém thì có hại hơn nhiều so với đào tạo cử nhân kém chứ!
Ý kiến của tôi và một số đại biểu không được tiếp thu
- Vâng, ngay như chỉ tiêu 20.000 TS mà Bộ GD-ĐT đưa ra, đúng là một vấn đề của lĩnh vực hẹp. Nhưng để có 20.000 TS không có chất lượng thì chúng ta đã làm tốn một đống tiền lớn của dân, của nước. Lúc này, nó đã không còn là một lĩnh vực hẹp nữa?
Không phải tất cả TS đào tạo trong nước đều yếu. Số anh em giỏi ngành nào cũng có. Ngoài ra, đề án đào tạo 20.000 TS còn đưa nhiều anh em đi học ở các nước phát triển. Nhưng theo tôi, trước thực trạng đào tạo số đông yếu kém hiện nay, lẽ ra phải nêu khẩu hiệu “nâng cao chất lượng đào tạo TS” mới đúng. Mặc dầu các trường đại học, các viện nghiên cứu đang thiếu TS nhưng không phải vì thiếu mà đề cao mục tiêu số lượng. Riêng về vấn đề này thì một số đại biểu QH, trong đó có tôi, cũng đã phát biểu ý kiến trên diễn đàn Quốc hội và cả trên báo chí. Theo quan điểm của tôi, chỉ tiêu 20.000 TS không có tính khả thi và cũng không thể hiện được quyết tâm nâng cao chất lượng.
- Vậy ý kiến của ông có được tiếp thu?
Đáng tiếc là ý kiến của tôi và một số đại biểu không được tiếp thu. Có thể khi Bộ GD-ĐT định ra chỉ tiêu này thì bộ đã có một chủ kiến khác mà tôi không hiểu hết.
- Cũng có thể vậy, thưa GS, nhưng chưa thấy bộ có lời giải thích thật sự thuyết phục?
Đáng tiếc là như vậy. Bởi vì nếu đã có sự giải thích thuyết phục thì hôm nay các nhà báo sẽ không đặt ra vấn đề này với tôi.
- Vâng, nhưng không lẽ chúng ta để vấn đề chất lượng đào tạo TS… rơi tự do?
Nói một cách công bằng, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản, áp dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình. Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT, dĩ nhiên Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Nhưng nếu các nhà giáo không tự kiểm tra, điều chỉnh hành vi của mình thì rất khó cải thiện tình hình. Thêm nữa, nếu việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ngoài xã hội không minh bạch, khách quan, nếu chạy chức chạy quyền vẫn là hiện tượng chưa có thuốc chữa thì các cơ sở đào tạo và NCS cũng cứ “đủng đỉnh” mãi thế này thôi.
Tôi nghĩ không chỉ Bộ GD-ĐT mà cả hệ thống quản lý nhà nước cần thấy đây là vấn đề hết sức quan trọng. Trong chiến tranh hay trong đàm phán ngoại giao trước đây, bất kỳ một bước tiến nào cũng đều có sự quan tâm, bàn bạc, chỉ đạo sát sao của cấp lãnh đạo cao nhất. Bây giờ, giáo dục là quốc sách hàng đầu cũng cần nhận được sự quan tâm như thế.
- Đúng thưa ông, chấn hưng giáo dục đang là vấn đề… “dầu sôi lửa bỏng” của quốc gia, và mỗi bước tiến phải xuất phát từ cấp lãnh đạo cao nhất. Nhưng cụ thể là nơi nào phải can thiệp?
Đó là Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ. Mặc dù Trung ương đã ra những nghị quyết rất đúng đắn về GD, nhưng để thực hiện được các nghị quyết đó thì cần có sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ.
Linh An - Thanh Hùng