Từ loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”: Chất lượng, chất lượng và… không ngoài chất lượng

Sau khi báo SGGP đăng loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng” (ngày 25, 26 và 27-1) đề cập những bất cập trong công tác đào tạo đội ngũ giảng viên có học vị, học hàm cao nhất của hệ thống giáo dục Việt Nam, nhiều bạn đọc, đặc biệt là các nhà khoa học và các cấp quản lý, đã bày tỏ ý kiến ủng hộ quan điểm không thể chạy theo “lượng” mà quên “chất” và tiến sĩ (TS) phải đóng vai trò “đầu tàu” kéo theo sự phát triển khoa học, đào tạo của đất nước. Với nhiều góc nhìn mang tính xây dựng, dường như ai cũng kỳ vọng chất lượng đào tạo TS sẽ được cải thiện và chuẩn hóa theo đúng những tiêu chí quốc tế thông lệ.

Sau khi báo SGGP đăng loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng” (ngày 25, 26 và 27-1) đề cập những bất cập trong công tác đào tạo đội ngũ giảng viên có học vị, học hàm cao nhất của hệ thống giáo dục Việt Nam, nhiều bạn đọc, đặc biệt là các nhà khoa học và các cấp quản lý, đã bày tỏ ý kiến ủng hộ quan điểm không thể chạy theo “lượng” mà quên “chất” và tiến sĩ (TS) phải đóng vai trò “đầu tàu” kéo theo sự phát triển khoa học, đào tạo của đất nước. Với nhiều góc nhìn mang tính xây dựng, dường như ai cũng kỳ vọng chất lượng đào tạo TS sẽ được cải thiện và chuẩn hóa theo đúng những tiêu chí quốc tế thông lệ.

Với quy định của Bộ GD-ĐT “Để được công nhận là TS, các nghiên cứu sinh (NCS) phải có ít nhất một bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị khoa học chuyên ngành nước ngoài, một bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước do cơ sở đào tạo quy định...”, GS Hồ Tú Bảo (Viện Công nghệ Thông tin) cho rằng, đây là một tiêu chí quan trọng để chuẩn hóa chất lượng.

Tiêu chuẩn tạp chí khoa học

Nhiều nhà khoa học đầu ngành cũng nhấn mạnh, NCS phải có bài đăng tải trên các tạp chí quốc tế của từng lĩnh vực và đây chính là thước đo những kết quả nghiên cứu khoa học thuộc loại “hàng chất lượng cao”.

Theo một khảo sát, ước tính tất cả thầy trò và các nhà nghiên cứu của chúng ta trong 10 năm (1995-2004) đăng được 3.236 bài báo trên các tạp chí quốc tế xếp trong danh sách của ISI, trong đó chừng 800 bài hoàn toàn làm tại Việt Nam, tức khoảng 80 bài/năm. Giả sử mỗi bài báo trong các con số kể trên đều có ít nhất một trong số 5.279 giáo sư, phó giáo sư của cả nước vào năm 2004 là tác giả hay đồng tác giả, thì tính trung bình mỗi giáo sư, phó giáo sư trong 10 năm đó làm được hơn 1/2 bài ở tạp chí quốc tế (tức một bài trong gần 20 năm), và/hoặc khoảng 1/6 bài hoàn toàn làm trong nước.

GS Hồ Tú Bảo nhận định đó là những con số hết sức khiêm tốn so với lực lượng khoa học đông đảo của ta. Điều này nói lên ít nhất một điều, hoặc các nhà khoa học của ta chưa có thói quen viết và gửi bài đến các tạp chí quốc tế, hoặc chất lượng nghiên cứu của chúng ta chưa cao nên các kết quả chưa lọt được vào các tạp chí quốc tế. Trong điều kiện và tình hình nghiên cứu khoa học như vậy, câu hỏi làm sao để các NCS - với số lượng khoảng 1.000 người được nhận vào mỗi năm - có bài đăng ở tạp chí quốc tế thật sự là một thách thức rất lớn, mà theo nhiều ý kiến là một việc chưa có cách gì làm được.

Ngoài ra, theo GS Hồ Tú Bảo, lâu nay, “Hội nghị khoa học quốc tế” là một cụm từ dễ gây nhầm lẫn vì chúng rất… “thượng vàng hạ cám”, từ những hội nghị chất lượng rất cao mà mỗi bài tham luận được nhận đều là công bố của một khám phá quan trọng cho đến những hội nghị ai muốn gửi bài gì cũng được nhận, miễn là nộp đủ hội nghị phí. Do vậy, câu “hoặc có bài ở hội nghị khoa học chuyên ngành nước ngoài” thực sự chưa xác định.

Ngoài ra, chữ “hoặc” trong câu “bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị” cần được đổi thành chữ “và”. Cần khẳng định ngay ta chỉ chấp nhận kết quả nghiên cứu đăng ở các hội nghị quốc tế có chất lượng, và các hội nghị này cần do các chuyên gia trong ngành xác định.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ?

Dường như nét nổi bật của đào tạo TS ở ta cho đến nay là một phần, có thể là phần rất lớn, người đã tốt nghiệp TS chưa được rèn luyện và làm nghiên cứu khoa học để đạt các kết quả nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế thông thường. Vì vậy, chúng ta phải làm nhiều việc để có thể nâng chất lượng đào tạo TS.

GS Hồ Tú Bảo đề nghị, trước hết, cần xác định rõ về bản chất, mục tiêu và yêu cầu của đào tạo TS. Tuyển chọn chặt chẽ để chỉ đào tạo TS cho những người có động lực và khả năng nghiên cứu. Khi được chọn, những người này phải được tạo điều kiện để có thể phấn đấu vươn đến chuẩn mực quốc tế (như phải có bài ở các hội nghị quốc tế uy tín và được cấp ít nhất một lần kinh phí trong thời gian đào tạo để đi dự hội nghị quốc tế). Cần có các điều kiện và quy định thích hợp để chọn người hướng dẫn NCS, không bởi bằng cấp khoa học và chức vụ lãnh đạo mà nhất thiết phải bởi kết quả nghiên cứu khoa học hiện tại, bởi kết quả đã có trong việc hướng dẫn NCS vươn đến chuẩn mực quốc tế. Nếu người hướng dẫn chưa bao giờ công bố ở tạp chí quốc tế sẽ rất khó dẫn dắt NCS làm được điều này.

Để tránh nể nang và tiêu cực khi cho tốt nghiệp những luận án chưa đạt, dự kiến công khai các luận án và đánh giá là một việc khả thi và sẽ có tác dụng tốt. Tuy nhiên, việc đưa lên mạng các luận án đã bảo vệ chỉ là phần sau của việc đào tạo. Quan trọng hơn, cần phải tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn về chất lượng của các luận án TS, như tiêu chuẩn dự định ban hành của Bộ GD-ĐT.

Có thể tham khảo và học tập một kinh nghiệm từ Trung Quốc. Gần đây phần lớn các trường đại học ở Trung Quốc quy định yêu cầu tối thiểu của một luận án TS các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ là 2 bài báo trong các tạp chí hay hội nghị khoa học được xếp loại trong SCI (science citation index) hoặc EI (engeneering index).

Một giáo viên đại học Trung Quốc cho biết Trung Quốc có hàng ngàn tạp chí khoa học nhưng chỉ một vài chục được xếp loại trong SCI hay EI. NCS cứ việc theo các điều kiện cần này mà phấn đấu, chưa đủ thì chưa bảo vệ, và khi bảo vệ cũng tránh được sự nể nang và xuê xoa của những người đánh giá.

Có thể thấy rõ là chất lượng chung của đào tạo TS ở ta còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Với toàn bộ năng lực đào tạo hiện nay, liệu chúng ta có thể đào tạo “nhanh, rẻ” mà lại “tốt” (theo yêu cầu đã quy định) cho “nhiều” TS (khoảng 10.000 đào tạo trong nước của kế hoạch 20.000 TS) trong 10 năm tới. Rõ ràng là không thể, và ta cần dứt khoát lấy chất lượng của đào tạo TS làm trọng.

Khoa học và nghiên cứu khoa học có những quy luật mà ta không thể quyết tâm một cách duy ý chí. Hậu quả của việc cho ra lò những TS chất lượng thấp là khôn lường. Những TS có chức có quyền nhưng chuyên môn yếu sẽ có nhiều khả năng là mầm mống của điều xấu. Chúng ta sẽ phải trả giá lâu dài nếu tiếp tục đào tạo TS chất lượng thấp như hiện nay hoặc quá nhấn mạnh về số lượng để có nguy cơ chất lượng ngày càng thấp hơn. 

LINH AN - TIẾN ĐẠT

Thông tin liên quan

Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”

- Bài 1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?
- Bài 2: Hội đồng du di!
- Bài 3: Tiến sĩ quan và mục tiêu… thiếu khả thi 

Tin cùng chuyên mục