Từ loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”: Ngồi đúng người, đúng chỗ trong hội đồng

Sau loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”, Báo SGGP tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc, đặc biệt là các nhà giáo bày tỏ sự ủng hộ phải có những giải pháp căn cơ để hoàn thiện nâng “chất” công tác đào tạo tiến sĩ (TS). Trong số báo này, chúng tôi xin đăng một số ý kiến tâm huyết của các nhà giáo.

Sau loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”, Báo SGGP tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc, đặc biệt là các nhà giáo bày tỏ sự ủng hộ phải có những giải pháp căn cơ để hoàn thiện nâng “chất” công tác đào tạo tiến sĩ (TS). Trong số báo này, chúng tôi xin đăng một số ý kiến tâm huyết của các nhà giáo. 

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh: Nghiên cứu phải gắn với giảng dạy 

Trước hết, tôi thấy sự cố của buổi bảo vệ luận án TS thật đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, nó cũng không phải là hiếm. Và việc hủy kết quả của hội đồng với đề tài là đúng. Tôi cũng tán thành với loạt bài về những vấn đề tác giả đặt ra. Trong đó, về Đề án 322, cũng như ý kiến của GS Phạm Phụ, tôi nghĩ sẽ rất khó thực hiện. 

Qua loạt bài, tôi xin góp vài ý kiến đối với việc nghiệm thu những luận án TS hiện nay: Bước đầu tiên là ở hội đồng cấp trường (cấp cơ sở) phải xác định tên đề tài có đáng làm hay không. Còn những đề tài mang tính chung chung, không có gì mới, không có gì là sáng tạo thì không duyệt. Và khi làm thì đề tài được áp dụng ra sao trong thực tế. Chứ tôi cũng đã thấy những đề tài như: “Tắm giặt cho bộ đội miền Bắc…”, “Hệ thống phân bố cây xanh thành phố…”, “Quan điểm của sinh viên về…”… cũng đã được các hội đồng duyệt. Theo tôi, những đề tài kiểu này thì người nào làm cũng được nhưng… nó chẳng có ý nghĩa gì về mặt khoa học cả.

Kế đến, cần xác định đối với trường đại học thì nhiệm vụ chính là giảng dạy rồi mới đến nghiên cứu. Và đối với điều kiện của Việt Nam hiện nay (trường đại học đang thiếu thầy) thì việc nghiên cứu phải gắn với giảng dạy, nghiên cứu mang tính học tập nhằm nâng chất lượng giảng dạy cho sinh viên.

Còn viện nghiên cứu thì ngoài việc chính là nghiên cứu cũng nên tham gia một phần công tác giảng dạy với các trường… Còn như hiện nay, mọi người đổ xô làm nghiên cứu để thành TS mà chẳng liên quan gì đến giảng dạy thì nguy. 

TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Ông thầy phải được tôn trọng 

Có thể nói sự cố xảy ra đối với Trường ĐH Bách khoa (ĐH quốc gia TPHCM) là hiện tượng “tự nhiên” và việc trưởng phòng đào tạo sau đại học của trường tuyên bố hủy đề tài là việc làm mạnh dạn.

Quá trình đào tạo TS hiện nay còn ảnh hưởng theo kiểu Liên Xô cũ, nghiên cứu nhưng không có học thuật, không gắn với việc học. Và từ đó, đề tài cũng đã được soạn sẵn trước khi được thông qua để vô học.

Mà cũng cần nói thêm nữa, trong quá trình xét duyệt đề tài có sự dễ dãi… Tất cả những điều này dẫn đến người nghiên cứu không nhớ nổi những gì mình làm trong luận án nên dẫn đến hiện tượng thầy không theo sát, không biết trò làm gì… còn trò thì úp úp mở mở tìm cách gian dối thầy. 

Dù hiện nay Bộ GD-ĐT đã có sự đổi mới trong đào tạo, tuyển chọn nghiên cứu sinh nhưng cũng cần nói thêm là ở khâu bảo vệ, hội đồng nghiệm thu còn cứng nhắc quá “thiểu số phải phục tùng đa số”. Và không biết vì vô tình hay cố ý mà cấp quản lý muốn loại bỏ tiêu cực, gian dối bằng việc đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế nhưng lại bỏ qua yếu tố người thầy. Bởi vì người thầy có chuyên môn vững, được tôn trọng thì không cách nào có chuyện trò qua mặt thầy. Và một khi những ông thầy “chính hiệu” được đặt ngồi đúng chỗ trong hội đồng nghiệm thu thì sẽ không có chuyện cho qua những đề tài “nửa dơi, nửa chuột”. 

Một phó giáo sư đề nghị không nêu tên: Tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người 

Tôi theo sát loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng” của Báo SGGP. Thật tình mà nói sự cố của Trường ĐH Bách khoa TPHCM là một tai nạn. Không ai phủ nhận về thương hiệu của nhà trường từ xưa đến nay nhưng sự cố hy hữu trên đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của một ngôi trường có thể nói là có chất lượng hàng đầu của giáo dục đại học nước ta. Nhưng dù sao nó cũng là tiếng chuông cảnh báo để mọi người nhìn lại mình. 

Tuy nhiên, những luận án của nghiên cứu sinh thuộc khối kỹ thuật, công nghệ dù sao cũng tương đối ít “sự cố” hơn so với những trường thuộc lĩnh vực kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn. Thực tế cho thấy, 2 lĩnh vực này có rất nhiều đề tài vô thưởng vô phạt nhưng vẫn cứ cho qua đều đều. Điều đau lòng nhất là những thầy được mời nghiệm thu dù biết đề tài rất tệ nhưng vẫn đặt bút nhận xét, bỏ phiếu cho qua để khỏi mất lòng nhau 

THANH HÙNG (ghi)

Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”

- Từ loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”: Chất lượng, chất lượng và… không ngoài chất lượng

- Bài 1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?

- Bài 2: Hội đồng du di!

- Bài 3: Tiến sĩ quan và mục tiêu… thiếu khả thi

 

Tin cùng chuyên mục