Gửi con về quê

Ngày anh Thành (quận 12, TPHCM) đón cậu con trai 4 tuổi từ quê về lại thành phố sau 2 năm gửi ông bà nội, anh bất ngờ khi đứa con vẫn gọi mình là bố nhưng lại xưng… cháu.  
Trẻ em vui chơi ở quê bên vườn tược, cây trái. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trẻ em vui chơi ở quê bên vườn tược, cây trái. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chấp nhận xa con

Khi cậu con trai vừa bước qua sinh nhật 2 tuổi, anh Thành bàn với vợ là chị Lan cho con về ở với ông bà nội. Quyết định này nhanh chóng được đưa ra, khi ở quê hiện chỉ có mỗi ông bà. Nghe kế hoạch, ông bà mừng ra mặt vì có thêm cháu, sẽ vui cửa vui nhà. 

Là cháu đích tôn, nhưng từ khi sinh, vợ chồng anh mới cho con về thăm nhà một lần. Vậy nên, vì muốn cháu có cơ hội gần gũi ông bà, lại được sống trong không gian rộng rãi, thoáng mát, nên anh chị chấp nhận xa con. Lý do quan trọng không kém nữa, đó là chị Lan vừa thi đậu lớp cao học, phải học vào buổi tối sau giờ tan sở mà công việc của anh Thành thường xuyên kết thúc muộn... Khoảng một năm sau khi gửi con về quê, chị Lan lại có bầu lần hai nên thời gian con trai ở quê kéo dài hơn so với dự định ban đầu. Ngày cả hai quyết định đón con trai về lại thành phố, chị vừa sinh cháu thứ hai được hơn 3 tháng. Bà nội thương 2 cháu nên quyết định theo cháu lớn vào TPHCM phụ vợ chồng anh chị chăm sóc cho cả hai đứa trẻ. 

Hoàn cảnh của anh Minh - chị Hường (TP Dĩ An, Bình Dương) lại khác. Anh chị có đến 3 mặt con, cùng làm công nhân nên đời sống cũng không dư dả. Vậy nên, anh chị quyết định gửi 2 cô con gái về ở cùng ông bà nội ngoại, vốn sát vách ở quê. Cậu con trai út, chưa được một tuổi ở cùng bố mẹ. Ngoài việc tìm trường gửi con trai, anh chị cũng phải tính toán chia ca làm hợp lý để có thể đưa đón con trai mỗi ngày. Chị Hường nói: “Đợt vừa rồi, 2 bé gái, đứa lên lớp 3, đứa vào lớp 1, chồng tôi tranh thủ về để lo cho 2 con trước năm học mới, giúp các cháu đỡ tủi thân với bạn bè cùng trang lứa. Ông bà hai bên ở quê có khi chăm cháu còn kỹ hơn mình, nhưng cứ nghĩ con gái thiếu vắng tình cảm cha mẹ, chúng tôi chạnh lòng lắm, nhưng không còn cách nào khác”.

Chung hoàn cảnh, vợ chồng anh Tiến - chị Dung (huyện Hóc Môn, TPHCM) cũng đã có 10 năm gửi con ở nhà với ông bà nội. Nghe lời mách của một số đồng hương, anh chị từ Phú Thọ vào TPHCM; rồi người buôn bán ve chai, người bán bánh trái, thu nhập cao hơn so với việc làm ruộng ở quê. Anh chị tâm niệm, làm được ít vốn rồi về quê lo lắng cho con cái. Nhưng khi 3 đứa con mỗi ngày mỗi lớn, chi tiêu trong gia đình ngày càng nhiều hơn, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 10 năm. Có một giai đoạn, chị về quê chăm lo con cái đi học, còn anh cặm cụi làm, gửi tiền đều đặn hàng tháng. Nhưng, một mình anh không thể cáng đáng hết chi tiêu trong nhà, vậy là chị dằn lòng vào lại cùng chồng, để các con ở nhà.

Làm sao vẹn đôi đường?

Có muôn vàn lý do để vợ chồng phải gửi con về quê nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc. Trong đó, đa phần là những lao động phổ thông có mức thu nhập không đủ để cả nhà cùng thuê những phòng trọ rộng rãi, lo chi tiêu, ăn học cho con cái ở đô thị lớn như TPHCM. 

Theo anh Minh - chị Hường, thời gian đầu xa con, nhiều lần anh bàn với chị là một người phải về quê chăm sóc con cái. Tuy nhiên, suy đi tính lại, với thu nhập làm công nhân khu công nghiệp ngay cả những tháng tăng ca cũng không dư dả nhiều nên cả hai chấp nhận xa con. Ngoài tiền gửi hàng tháng lo cho con, số còn lại để trang trải cuộc sống tại TPHCM và tiết kiệm phòng những khi bất trắc.

Thực tế, việc gửi con cái về quê mặc dù giảm gánh nặng tài chính nhưng không thiếu nỗi lo. “Tôi nhớ những ngày đầu đón về, con bé cứ nằng nặc khóc đòi về với ông bà nội. Tôi cũng hiểu bé đang ở môi trường rộng rãi, thoáng mát, thoải mái vui đùa, việc phải sống trong không gian chật hẹp với 4 bức tường là điều không hề dễ. Ngẫm lại, tôi thấy mình bỏ qua giai đoạn quan trọng khi bé 2 - 4 tuổi. Xa bố mẹ, sống với ông bà, lại được chiều chuộng nên bé nghịch nhiều hơn, thích đòi hỏi và hay hờn dỗi. Chưa kể, mình không có cơ hội để theo dõi sát sao sự phát triển mỗi ngày của trẻ và uốn nắn kịp thời. Bây giờ, vợ chồng tôi gần như phải làm lại từ đầu, biết là khó nhưng đó là quyết định không thể làm lại được”, anh Thành chia sẻ. 

Khi cô con gái lớn bước vào năm cuối cấp, đọc báo, xem tivi thấy vô số những chuyện đau lòng, anh Tiến - chị Dung đã quyết định đón con vào ở cùng mình để có thể “kèm cặp” bé nhiều hơn. Những khi gần gũi con cái, nghe bé tâm sự, anh chị cảm nhận, dù mình có thể lo lắng cho bé cuộc sống về vật chất để không thua kém bạn bè đồng trang lứa nhưng sự thiếu vắng tình cảm khiến bé không ít lần tủi thân. Chị Dung tâm sự: “Dù muộn màng nhưng tôi cảm nhận cũng may mình kịp đón bé vào giai đoạn con đang dậy thì, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Đặc biệt, những tâm sự của bé giúp tôi hướng con lựa chọn công việc trong tương lai, khi bé quyết định không thể học tiếp lên cấp 3 vì luôn có cảm giác không muốn học. Nếu không gần gũi, tôi không biết con sẽ chia sẻ cùng ai, có khi bỏ học giữa chừng mà mình không hề hay biết”.

Không có bậc cha mẹ nào muốn xa con, nhất là khi chúng còn quá nhỏ. Nếu là bất khả kháng, hãy tìm cách để quan tâm đến con cái nhiều nhất có thể; phối hợp với ông bà để có cách chăm sóc, nuôi dạy con cái thống nhất. Sự chia sẻ từ xa có thể chưa đủ nhưng không bao giờ thừa, thay vì chỉ đều đặn gửi tiền cho con mỗi tháng. Đồng tiền có thể giúp con lớn mỗi ngày về thể chất, nhưng sự quan tâm sẽ giúp các con phát triển tốt về nhân cách.

Tin cùng chuyên mục