
Gần hai tháng nay các ngân hàng thương mại đều lần lượt nâng lãi suất huy động ở mức cao. Ở thời điểm này nên gửi tiền USD hay tiền đồng là vấn đề quan tâm của không ít người dân.

Theo ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, hiện lãi suất huy động VNĐ trung bình là 0,75%-0,76%/tháng, trong khi USD là 4,5-4,6%/năm.
Lãi suất huy động VNĐ cao gần gấp đôi lãi suất huy động tiền USD, trong khi tỷ giá giữa VNĐ/USD từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, chỉ tăng bình quân 0,4%-0,54% so với đầu năm (tỷ giá chính thức vẫn chưa vượt quá 16 ngàn VNĐ/USD) và dự báo từ đây đến cuối năm chỉ tăng tối đa thêm 0,1%.
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất USD lần thứ 17 liên tục lên 5,5%/năm và lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại ở trong nước cũng tăng lên theo, thì lãi suất huy động USD cộng với tốc độ tăng giá USD ở trong nước cũng vẫn thấp hơn lãi suất huy động tiền đồng.
Mặt khác, trong mối quan hệ mật thiết giữa lãi suất USD và lãi suất VNĐ khiến các ngân hàng phải đảm bảo giữa chúng có một khoảng cách chênh lệch, giúp cho người dân gửi tiết kiệm tiền đồng không bị thiệt so với gửi bằng USD và đảm bảo lãi suất thực dương so với lạm phát. Như vậy, ở thời điểm này người dân giữ và gửi tiền đồng vẫn có lợi hơn tiền USD.
Thực tế từ đầu năm đến nay xuất khẩu đã tăng trưởng với tốc độ cao, tăng 26% so với đầu năm, trong khi đó nhập siêu lại giảm khiến nguồn thu ngoại tệ của nền kinh tế tăng cao. Bên cạnh nguồn thu từ xuất khẩu hàng hóa, nguồn thu xuất khẩu dịch vụ vẫn tiếp tục tăng nhờ ngành dịch vụ có bước phát triển, đặc biệt thu dịch vụ du lịch tăng mạnh, thu lãi tiền gửi ở nước ngoài của hệ thống ngân hàng, chuyển tiền tư nhân cũng tăng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay mức dư cung ngoại tệ toàn nền kinh tế đạt 2,2 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với mức dư 700 triệu USD của 6 tháng đầu năm 2005. Dư cung ngoại tệ của toàn nền kinh tế đạt mức cao sẽ không những hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn ổn định tỷ giá.
Kế hoạch 5 năm 2006-2010 của nước ta cũng tính toán tốc độ tăng tỷ giá VNĐ/USD bình quân năm đạt khoảng 2,5%, thấp chưa bằng 1/3 tốc độ tăng giá tiêu dùng (dự tính thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5%-8%/năm). Theo đó, tỷ giá đến năm 2010 chỉ vào khoảng trên dưới 18 ngàn đồng/USD.
Theo các chuyên gia, nước ta càng mở cửa hội nhập thì tỷ giá VNĐ/USD càng có xu hướng giảm vì lượng ngoại tệ sẽ chảy mạnh vào Việt Nam qua nhiều kênh kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp, gián tiếp, ODA và nhất là qua kênh thị trường chứng khoán.
THẾ TƯỜNG