“Gương hy sinh” của Athletic Bilbao

Nếu Athletic Bilbao khả kính rớt hạng ở cuối mùa giải năm nay, biến cố chấn động ấy sẽ không tạo ra nhiều tranh cãi bằng nguyên nhân gây ra nó. Bilbao, đội bóng xứ Basque, chỉ sử dụng các cầu thủ xuất thân ở xứ Basque. Các nhà quan sát cho rằng chính sách tuyển mộ đó chính là nguyên do dẫn tới thảm trạng hiện thời, khi Bilbao chỉ lấy được 15 điểm sau 18 lượt trận La Liga (thắng 3, hòa 6, thua 9), đứng áp chót và đối diện với nguy cơ rớt hạng lần đầu tiên kể từ khi giải vô địch Tây Ban Nha bắt đầu vào năm 1928.

Dưới mắt giới quan sát, nếu chỉ dựa vào nguồn cầu thủ hạn hẹp từ một miền đất nhỏ bé ở phía Bắc thì không thể cạnh tranh nổi với những CLB thu dụng các tài năng trên khắp thế giới.

“Gương hy sinh” của Athletic Bilbao ảnh 1

Athletic Bilbao (áo sọc) bị Real Madrid đánh bại 0-4 trong trận Cúp Nhà vua, trong đó tiền đạo Robinho ghi 2 bàn.

Thậm chí, sự bảo thủ của Bilbao còn bị xem là một hành động tự sát trong kỷ nguyên toàn cầu hóa không ngừng. Người ta bảo rằng Bilbao có được địa vị một trong những CLB lớn nhất Tây Ban Nha chỉ là nhờ những hào quang xưa, ở thời kỳ số lượng cầu thủ nước ngoài vẫn còn bị hạn chế ngặt nghèo trên toàn châu Âu.

Thời nay khác. Bây giờ cầu thủ nước ngoài tràn ngập, kết quả thi đấu càng được coi trọng hơn tất cả, chiến thắng là trên hết. Vì lẽ đó, vấn đề được đặt ra: Nên chăng Bilbao cởi mở hơn trong việc chiêu mộ cầu thủ, để tìm lại những tháng ngày thắng lợi vốn rất cần hơn bao giờ hết?

Tuy nhiên, những con số thực tế lại chứng minh theo chiều ngược lại, khiến ai nấy đều không khỏi giật mình: Có đến gần 80% ủng hộ viên tuyên bố họ thà chấp nhận Bilbao xuống hạng còn hơn là cải tổ chiến lược tuyển mộ. Với các CĐV của Bilbao, việc gìn giữ những mối liên hệ chặt chẽ với đời sống văn hóa xứ Basque quan trọng hơn khát vọng săn tìm các danh hiệu.

Các nhà bình luận vạch ra: Bilbao là một ngoại lệ chỉ vì những thực trạng rất “đặc biệt” ở xứ Basque. Bilbao là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc ở xứ sở này. Bilbao luôn quy tập được một đội ngũ CĐV đông đảo và chịu sự kiểm soát của cả cộng đồng ấy. Vì thế, Bilbao không được phép, không thể và có lẽ cũng không muốn cải cách chiến lược vận hành đặc biệt của họ.
 o0o
 Lại có một lý luận khác: Chính sách bảo thủ của Bilbao đã gây ra bao khó khăn cho chính bản thân họ, nhưng lại nhận được sự...động viên của không ít CLB, khán giả và kể cả một số nhà lãnh đạo hàng đầu của bóng đá quốc tế. Mười năm nay, phán quyết Bosman đã ảnh hưởng ghê gớm. Nó mở cửa cho các cầu thủ EU tự do đầu quân cho các CLB ở những nước EU. Nó xóa sổ hạn chế cầu thủ nước ngoài. Nó mở cửa cho các CLB nhập khẩu cả những cầu thủ ngoài EU vì ngày nay những cầu thủ Brazil, Argentina...có quá nhiều cách khéo léo để tìm được tấm hộ chiếu châu Âu. Vậy là hầu như CLB nào cũng tranh thủ thu nạp cầu thủ tài năng.

Phán quyết Bosman mở rộng chân trời cho các CLB, khán giả. Nhưng nó đang phá hủy những nét đẹp mà các CLB như Bilbao gìn giữ. Ủng hộ viên thời nay thường xuyên phàn nàn cầu thủ là những kẻ làm tiền, chỉ lo bán trình độ kỹ thuật của mình cho những túi tiền lớn nhất và chẳng đếm xỉa đến sự thủy chung với màu cờ sắc áo. Trong sự lạm phát kinh hoàng ở thị trường chuyển nhượng, bóng đá ngày càng bị thống trị bởi những CLB giàu mạnh. Họ hút sạch những cầu thủ giỏi nhất, khai thác triệt để các cơ hội kinh doanh tiếp thị, bỏ lại các CLB nhỏ vật lộn với sự tồn vong.

Từ đây nảy sinh thái độ phản ứng ngày càng quyết liệt. Theo quan điểm của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, các CLB phải sử dụng ít nhất 6 cầu thủ được đào tạo tại chỗ. UEFA cũng có quan điểm tương tự: Kể từ mùa giải tới, mỗi CLB dự Cúp châu Âu phải đưa ra sân ít nhất 4 cầu thủ được đào tạo trong nước, trong đó tối thiểu 2 người do chính CLB ấy đào tạo.

Nhiều CLB cũng đã nhận thấy rằng việc nuôi dưỡng tài năng trẻ có thể là con đường duy nhất để tồn tại. Không chỉ rẻ hơn, việc đào tạo cầu thủ tại chỗ còn tôn tạo lòng trung thành của CĐV, lòng quyết tâm và tinh thần đội bóng. Bằng chứng là Raul của Real Madrid, Gerrard của Liverpool, Totti của AS Roma hay Carles Puyol của Barca luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng ủng hộ viên vì họ xuất thân từ lò đào tạo của CLB.

Ngay cả Real Madrid cũng đã “giác ngộ” rằng sự lệ thuộc quá lớn ở các “thiên hà” đã gây ra một ảnh hưởng xấu đối với tinh thần đội bóng. Mới đây, tân Giám đốc kỹ thuật Benito Floro nhận xét Real đã đánh mất “bản sắc”, vì thế, Real rất cần bổ sung các cầu thủ từ đội trẻ để bồi dưỡng tinh thần đội bóng tốt hơn...

Đó là một sự...về nguồn. Thời nay sẽ không có một CLB nào làm được như Celtic từng làm cách đây gần 40 năm – đoạt Cúp C1 châu Âu bằng một đội hình bao gồm các cầu thủ sinh ra trong phạm vi 30 dặm chung quanh thành phố Glasgow. Tuy nhiên, sự tái hiện “chủ nghĩa dân tộc” trong bóng đá vẫn tốt cho môn thể thao phổ cập bậc nhất thế giới. Bilbao có nguy cơ rớt hạng. Nhưng nếu Bilbao trụ hạng, CLB này và xứ Basque của họ sẽ có cái để tự hào...

Hưng Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục