Hà Nội, nồng nàn những góc yêu thương

Sông, núi, phố, làng, mùa và con người Hà Nội mang dấu ấn văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của đất nước, của dân tộc, đồng thời cũng lấp lánh những nét đẹp riêng của thủ đô. Dù có thể không sinh ra trên mảnh đất này nhưng đã là người Việt Nam, ai cũng cảm nhận được một Hà Nội của chúng ta từ sông Hồng đỏ nặng phù sa đến Hồ Gươm lung linh truyền thuyết, Văn miếu - Quốc Tử Giám thâm nghiêm, chùa Một Cột khiêm nhường thanh thoát đến ngôi nhà sàn của Bác Hồ đơn sơ gần gụi... Và cũng xao xuyến nhận ra một cái gì đó rất Hà Nội, của Hà Nội, từ mùa thu se sẽ lâng lâng đến đêm nồng nàn hoa sữa, cơn mưa tìm về phố cổ với màn sương lan nhẹ mặt Hồ Gươm...

Thế Lữ từng bâng khuâng với: Cô em đứng bên hồ / Nghiêng tựa mình cây, dáng thẩn thơ (Tiếng trúc tuyệt vời). Hầu như chẳng bao giờ, chưa bao giờ vắng bóng hình mỹ nhân trong những cảnh sắc nên thơ đến nao lòng ấy. Cũng bên hồ nước lặng xanh, cũng trong tiết thu Hà Nội se se gió, thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính, khi ở kinh kỳ đã buốt lòng cảm thương một mỹ nhân bạc mệnh: Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ / Nàng vừa may với gió mùa thu / Gió thu còn lại bao nhiêu gió / Chiếc áo giờ đây bạc dưới mồ (Viếng hồn trinh nữ).

Thời nào, dù loạn hay bình, Hà Nội đều có nhiều người con gái đẹp. Đây là nơi hội tụ giai nhân, tài tử, hình như thế. Tuy nhiên, mỗi thi nhân lại có một cách cảm nhận, rung động và thể hiện riêng về nét đẹp người con gái Hà thành. Em của Phan Vũ hòa lẫn trong mùi hoa phố, trong cơn mưa nhỏ, mềm dịu và nồng nàn như kỷ niệm chưa phai: Em ơi, Hà - Nội - phố /Ta còn em mùi hoàng lan /Ta còn em mùi hoa sữa / Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ /Ai đó chờ ai /Tóc xõa vai mềm (Em ơi, Hà Nội phố). Em của Nguyễn Duy vừa có nét đẹp bên ngoài đầy gợi cảm vừa có chiều sâu văn hóa của chốn kinh kỳ, vừa thực lại vừa ảo: Tóc em dài cho ta nhìn thấy gió /Áo em bay cho mờ tỏ thân hình /Em sâu sắc như kinh thành cổ kính /Gốc si già mốc ngói rêu xanh (Một góc chiều Hà Nội). Đằng sau những câu thơ tụng xưng đắm đuối si mê ấy thấp thoáng một điệu cười tinh nghịch, đáng yêu. Kể ra cũng hơi táo bạo, nói đúng hơn là khá liều lĩnh khi dám hạ bút so sánh người đẹp với kinh thành cổ kính thâm u.

Phải yêu Hà Nội đến dường nào, Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có cái nhìn về Hà Nội ngàn năm vẫn còn tươi trẻ như thế này: Là Hà Nội một nghìn năm còn rất trẻ / Là ngàn lá xanh như vầng sáng chẳng thay màu. Làm sao thoát được cái nợ giai nhân ở một nơi mà đất trời như cũng đắm đuối giao hòa vào nhau, sự thanh lịch làm thăng hoa nét đẹp đời thường; đôi khi chỉ là một tà áo dài bay bay trong gió nhẹ cũng là niềm tơ tưởng suối đời, không thể nào xóa nổi như Nguyễn Trọng Tạo từng thao thức: Ngoài kia trời đất giao thân /Tôi còn mắc nợ giai nhân một đời /Bao giờ trắng nợ người ơi /Trái tim đã trót thốt lời yêu đương? (Tôi còn mắc nợ áo dài)

Cho tới bây giờ, may thay, Hà Nội vẫn còn những khoảng lặng trữ tình, những góc nhỏ yêu thương cho cuộc sống bộn bề, ồn ào. Giữa Thủ đô tưởng chỉ có những vòng xe quay mải miết, những bước chân hối hả, những cuộc mưu sinh, làm ăn sấp ngửa vẫn còn đó những góc đời yêu dấu thiết tha, dù đoàn tụ hay chia xa đều đượm sắc hương Hà Nội: Em đi về phương Nam /Sông đầy và bến lở /Để lại anh hoa sữa /Cuối thu thơm một mình (Hữu Thỉnh - Hoa sữa)

Ai chẳng biết, hoa sữa đâu chỉ nở cho riêng Hà Nội nhưng can cớ gì khi nhắc tới hoa sữa mùa thu là nhắc tới thủ đô, nhắc tới tình yêu đôi lứa nồng nàn. Không phải một lần, không phải đôi lần mà như là ngôn ngữ của tình yêu ở nơi mảnh đất này, đã biết bao lần hoa sữa thơm vào thơ, vào nhạc để Hà Nội còn mãi nồng nàn những góc yêu thương...

Nguyễn Hữu Quý

Tin cùng chuyên mục