Hạ tầng khu Nam - đòn bẩy để phát triển

Hàng loạt dự án hạ tầng về giao thông được triển khai đã tạo những chuyển động mạnh mẽ cho khu Nam TPHCM trong thời gian qua, trở thành tâm điểm thu hút nhiều dự án bất động sản, tạo một bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại cho vùng đất mới này.
Sự thay đổi ở khu Nam TPHCM có sự “góp sức” của các dự án giao thông
Sự thay đổi ở khu Nam TPHCM có sự “góp sức” của các dự án giao thông
Nhiều dự án hạ tầng
Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương thi công 3 gói thầu cuối của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành để đến đầu năm 2020 sẽ đưa dự án này vào hoạt động. Dự án đưa vào khai thác sẽ giúp giao thông liên vùng phía Tây và Đông Nam bộ không cần “quá cảnh” qua TPHCM; nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển quốc tế lớn của khu vực như Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và với sân bay quốc tế Long Thành.  Dự án cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, quốc lộ 51; giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn quãng đường cũng như thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Long An đến TPHCM; giữa tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Đặc biệt, dự án có “điểm giao” với TPHCM tại khu vực huyện Nhà Bè và đây sẽ là động lực mới, tạo đà cho khu vực này kết nối dễ dàng với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ.
Nhiều chuyên gia nhận định, khu Nam được xem là điểm sáng về tốc độ phát triển đô thị đồng bộ và vượt bậc so với các khu vực khác. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng trong sự phát triển đó, hạ tầng chính là yếu tố có tác động rất lớn. Tuy nhiên, với mật độ dân số tăng lên gấp hàng chục lần, hạ tầng khu Nam đang ngày càng quá tải. Việc tập trung nguồn lực, đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông khu Nam là xu hướng tất yếu. Để giải quyết các điểm nóng về giao thông tại khu Nam, nhiều dự án hạ tầng đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư như: dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng); dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 6.744 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng cũng được dự kiến hoàn thành trong quý 1-2018… Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc trước mắt, thành phố cũng lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương - tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TPHCM và tỉnh Long An. Đặc biệt, tuyến Metro số 4 (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Theo đó, nhà ga số 2 của tuyến cao tốc này sẽ được bố trí tại Khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Tuyến cao tốc Bến Lức - TPHCM - Long Thành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ở quy mô nhỏ hơn, sự kết nối này cũng sẽ là động lực quan trọng cho các khu vệ tinh như Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu công nghiệp Long Hậu và đặc biệt khi Cần Giờ đang được quy hoạch để trở thành khu đô thị du lịch bậc nhất Đông Nam Á…
Nhà đầu tư “đón đầu”
Cùng với sự phát triển của hạ tầng, thời gian qua, hàng loạt dự án nhà ở cùng các dự án phục vụ cộng đồng dân cư như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí… cũng được nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư tại khu vực này. Sự ra đời các dự án đã tạo nên sức sống mới, giúp bộ mặt khu Nam ngày càng thay đổi. Ông Dương Tuấn Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Tuấn Long, cho biết công ty quyết định đầu tư một số dự án tại khu Nam vì nhận thấy nơi này có nhiều tiềm năng phát triển. Cuối tháng 12, công ty sẽ tiếp tục mở bán khu dân cư Green Life (Green Life là giai đoạn 3 của tổng thể khu dân cư Green Riveside được mở bán thành công trước đó). Green Life được các đơn vị thiết kế có uy tín triển khai quy hoạch về hạ tầng, điện, nước và cảnh quan, đem lại cho khu dân cư chất lượng cao nhất và đồng bộ. Để đón đầu những tiện ích từ hạ tầng khu Nam mang lại, ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát, cho hay vào đầu năm 2018 sẽ chào bán ra thị trường dự án The Green Star (đường Phạm Hữu Lầu, Phú Mỹ Hưng, quận 7). Dự án gồm 100 căn biệt thự nhà phố và 1.000 căn hộ chung cư thương mại. Một doanh nghiệp bất động sản lớn khác cũng chuẩn bị mở bán khoảng 4.000 căn hộ cao cấp tại khu vục đường Đào Trí (quận 7). Đây là khu vực sầm uất, thu hút nhiều nhà đầu tư bởi sở hữu mặt tiền sông Nhà Bè. Trong tương lai không xa, khi đường Đào Trí hoàn thành, giá trị bất động sản khu vực này sẽ có sự gia tăng. Ông Lê Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Bảo Khang, cho biết khu Nam hiện nay có rất nhiều trường học quốc tế nên thu hút rất đông người nước ngoài đến làm việc cũng như con em họ đến học, tạo nên sức sống mới rất hiện đại.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, hầu hết các dự án nhà ở tại khu Nam được quy hoạch đồng bộ, hiện đại nên cùng với các dự án hạ tầng giao thông, đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này rất lớn trong thời gian qua. Hiện bên cạnh những dự án đã được triển khai, có rất nhiều nhà đầu tư cũng xin chủ trương đầu tư vào khu vực này với kỳ vọng đón đầu những bức phá từ hạ tầng giao thông, cũng như định hướng phát triển ở khu vực này trong thời gian sắp tới. Dù đánh giá cao tiềm năng phân khúc đất nền khu Nam nhưng các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư cần xem xét kỹ các yếu tố pháp lý. Đặc biệt, việc chọn chủ đầu tư uy tín có ý nghĩa quyết định, tránh những rủi ro về tiến độ cũng như những cam kết trong quá trình phát triển dự án.

Tin cùng chuyên mục