Hà Tĩnh: Đoàn học giả quốc tế tìm hiểu làng văn hóa Trường Lưu

Sáng 13-8, ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015), đoàn học giả quốc tế đến từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Cộng hòa Séc, Thái Lan, Lào, Việt Nam nghiên cứu về Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều đã đến tham quan, tìm hiểu tại làng văn hóa Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh: Đoàn học giả quốc tế tìm hiểu làng văn hóa Trường Lưu

(SGGPO).- Sáng 13-8, ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015), đoàn học giả quốc tế đến từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Cộng hòa Séc, Thái Lan, Lào, Việt Nam nghiên cứu về Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều đã đến tham quan, tìm hiểu tại làng văn hóa Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Đoàn học giả quốc tế tìm hiểu tại làng văn hóa Trường Lưu

Tại đây, đoàn đã nghe giới thiệu chi tiết về quá trình thành lập làng văn hóa Trường Lưu, các dòng họ và di sản văn hóa của làng, nghe hát ví phường vải tại đình làng; trực tiếp xem, tìm hiểu các mộc bản cổ Trường Lưu do dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ, bảo quản đến ngày nay. Hiện các mộc bản này đang được Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, in dập, số hóa để lập hồ sơ đề cử Danh mục Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới năm 2015, khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Theo đánh giá, những mộc bản Trường Lưu còn sót lại đến ngày nay là của thư viện Phúc Giang (Phúc Giang tàng thư) - một thư viện nổi tiếng cả nước của dòng họ Nguyễn Huy tồn tại từ thời Lê (thế kỷ XVIII) cho tới thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là tài liệu giáo khoa thư tinh giản hướng vào thực tiễn Việt Nam thời đại Lê Trung Hưng, thể hiện tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc. Nội dung của mộc bản được biên soạn từ tài uyên bác của những học giả Trường Lưu như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự…nhằm phục vụ công tác giảng dạy cho học trò trong và ngoài vùng giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, trong đó có, Thư viện Lệ quy, Lân kinh đại toàn, Hy kinh đại toàn, Ba kinh đại toàn, Lễ kinh đại toàn, Bình kinh đại toàn…

Mộc bản

Ban đầu có hơn 1.000 mộc bản, tuy nhiên do nhận thức chưa đúng tầm quan trọng một thời mà một số mộc bản đã bị phá hủy và sử dụng sai mục đích, hiện nay chỉ còn lưu giữ khoảng trên dưới 400 mộc bản. Mộc bản Trường Lưu phần lớn được khắc nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm thể chân thư ở 2 mặt (mỗi mặt khoảng 18 đến 20 hàng, chữ được khắc theo chiều ngang của tấm gỗ), với nhiều nội dung phong phú trong đó có cả "Tứ thư ngũ kinh" của Khổng giáo. Chiều dài mỗi cuốn mộc bản là 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, được làm từ ròng thân cây thị, là loại gỗ vừa dai, vừa mềm lại có độ bền cao…

Dương Quang

Tin cùng chuyên mục