(SGGP).- Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật tại Di chỉ khảo cổ học Cồn Cọc, xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà và phát hiện được nhiều hiện vật thời tiền sử như mảnh gốm cổ có trang trí họa tiết hoa văn lạ, cầu kỳ (ảnh).
Đợt khai quật lần này được triển khai trên diện tích 30m² và thám sát 20m², kết quả bước đầu thu được 1.642 hiện vật gốm cổ (chủ yếu là mảnh rời) với nhiều loại hình hoa văn chạm khắc đường nét tinh xảo và đá nguyên liệu, rìu đá mài nhẵn nguyên chiếc…, nằm ở độ sâu 50cm - 70cm. Theo các chuyên gia, những loại hình gốm cổ được khai quật và phát hiện ở Di chỉ Cồn Cọc có nhiều nét tương đồng với loại hình gốm cổ ở Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc (xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, để xác định được chính xác niên đại của loại hình gốm cổ này thì cần phải có thêm thời gian giám định, nghiên cứu.
Di chỉ khảo cổ học Cồn Cọc được phát hiện vào năm 2013, việc tổ chức khai quật, thám sát sẽ góp phần tìm hiểu bước đầu về dấu vết cư trú, dấu vết văn hóa vật chất và kỹ thuật chế tác gốm của người xưa thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới ở vùng đất Lộc Hà.
DƯƠNG QUANG