Hai bờ Đại Tây Dương nỗ lực vượt khủng hoảng

Hãng AFP ngày 21-6 đưa tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy nền kinh tế hiện đang sa sút. Trong lúc này, các nền kinh tế chính của châu Âu cũng tích cực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công.
Hai bờ Đại Tây Dương nỗ lực vượt khủng hoảng

Hãng AFP ngày 21-6 đưa tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy nền kinh tế hiện đang sa sút. Trong lúc này, các nền kinh tế chính của châu Âu cũng tích cực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công.

Tăng trưởng mong manh

FED dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2012 chỉ vào khoảng 1,9%-2,4%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,4%-2,9% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Về dài hạn, FED cũng hạ mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2013 xuống còn 2,8% so với mức dự báo 3,1% trước đó. Trước tình trạng này, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - cho biết, FED tán thành việc kéo dài chương trình Operation Twist dự kiến kết thúc vào cuối tháng này. Operation Twist được FED bắt đầu thực hiện từ tháng 9-2011 trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Mục đích của chương trình này là nhằm hạ lãi suất dài hạn đối với mọi khoản vay, từ vay thế chấp đến vay vốn sinh viên, qua đó khuyến khích người tiêu dùng, doanh nghiệp vay và chi tiêu.

Vì vậy, Mỹ sẽ tiếp tục bán ra trái phiếu kho bạc ngắn hạn để mua số lượng tương đương trái phiếu chính phủ dài hạn ít nhất cho tới cuối năm 2014. Riêng từ nay cho tới cuối năm, FED sẽ mua và bán trái phiếu với tổng giá trị 267 tỷ USD.

Một khu chợ bán hàng lưu niệm cho khách du lịch tại Hy Lạp vắng bóng người mua.

Một khu chợ bán hàng lưu niệm cho khách du lịch tại Hy Lạp vắng bóng người mua.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng biện pháp này khó mang lại hiệu quả bởi tỷ lệ lãi suất dài hạn của Mỹ đã xuống mức thấp kỷ lục. Các doanh nghiệp và giới đầu tư sẽ vẫn không hào hứng với cơ hội này như họ đã và đang thể hiện. Một số nhà kinh tế nhận định FED đang khởi động chương trình mua tài sản, điều mà FED đã thực hiện 2 lần trước đây với số tiền khoảng 2,3 ngàn tỷ USD.
 
Khủng hoảng leo thang

Tờ Wall Street Journal của Mỹ cho hay, cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) đã leo thang lên cấp độ mới sau khi có thông tin Cyprus sẽ sớm cầu cứu Nga và các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Tây Ban Nha đặt trước nỗi lo cần tới một gói cứu trợ toàn diện.

Theo một nguồn tin giấu tên, Cyprus sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với Nga về khoản cho vay song phương khoảng 5 tỷ EUR. Là nước sắp tiếp quản chức chủ tịch luân phiên EU vào ngày 1-7, Cyprus đã được Nga hứa sẽ cho vay 2,5 tỷ EUR để trang trải nhu cầu tái cấp vốn. Ước tính, Cyprus cần khoảng 4 tỷ EUR để vực dậy các ngân hàng và giúp giảm thâm hụt ngân sách, vốn đã tăng lên gấp đôi so với giới hạn EU đề ra là 3% GDP. Trong khi đó, Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ chính thức đề nghị được hỗ trợ tới 100 tỷ EUR để tái cấp vốn cho các ngân hàng hoạt động yếu kém của nước này, dù Bộ Tài chính Tây Ban Nha khẳng định sẽ không cần tới gói cứu trợ như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
 
Hôm nay, 22-6, lãnh đạo của 4 nền kinh tế chủ chốt châu Âu gồm Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha dự kiến sẽ họp tại Rome (Italia) nhằm đạt được một thỏa thuận ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ tại eurozone. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng đây là dịp để xác định những điểm tương đồng, tìm ra một thỏa hiệp trước cuộc họp thượng đỉnh châu Âu dự kiến diễn ra từ ngày 28 và 29-6 tại Brussels (Bỉ).

Vấn đề được đặt ra là Tổng thống Pháp bằng mọi giá phải tìm được sự đồng thuận với Thủ tướng Đức Angela Merkel, vốn chủ trương một chính sách khắc khổ đối lập với tăng trưởng của ông Hollande, đồng thời đẩy mạnh sự hợp nhất về ngân sách và chính trị giữa các nước thành viên eurozone.

Đỗ Văn (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục