Hai cực Trái đất đang hao mòn

Quyết định của Nga cho phép Trung Quốc tham gia một dự án thăm dò khí đốt ở Bắc cực được xem là một phần của việc vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện diện tại Nam cực.
Hai cực Trái đất đang hao mòn

Quyết định của Nga cho phép Trung Quốc tham gia một dự án thăm dò khí đốt ở Bắc cực được xem là một phần của việc vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện diện tại Nam cực.

  • Tham vọng

Theo thỏa thuận ký kết trong chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở nước ngoài, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu từ Tập đoàn Rosneft với hơn 620.000 thùng/ngày. Đổi lại, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPZ) sẽ tham gia cùng Rosneft trong việc khai thác dầu ở 3 khu vực tại Bắc cực. Khu vực Bắc cực giáp Nga được coi là một trong những nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới chưa được khám phá. Tony Regan, một nhà tư vấn năng lượng thuộc Tập đoàn Tri-Zen International tại Singapore, cho biết: “Trung Quốc đang nổi lên như một khách hàng dầu khí quan trọng nhất của Nga, giúp các công ty Nga chuyển thị trường trọng tâm từ châu Âu sang Trung Quốc”.

Một dàn khoan khai thác khí đốt ở Bắc cực.

Một dàn khoan khai thác khí đốt ở Bắc cực.

Không chỉ mở rộng khai thác dầu khí tại Bắc cực, theo THX, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng 2 trạm nghiên cứu ở Nam cực vào năm 2015. Các trạm này dùng để nghiên cứu địa chất, sông băng, từ tính Trái đất và khí hậu ở Nam cực. Trung Quốc hiện có các trạm nghiên cứu ở đây là Vạn Lý Trường Thành, Trung Sơn và Côn Lôn.

Báo Business Standard cho biết, theo tính toán của Trung Quốc, đến năm 2030, khoảng một nửa số container từ Đông Á và Bắc Âu sẽ được vận chuyển đi ngang Nam cực. Bắc Kinh ước tính GDP của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, đạt 7,6 ngàn tỷ USD, nếu 10% trong số này bao gồm thương mại đi ngang qua Nam cực, Trung Quốc sẽ thu về 683 tỷ USD.

Thực ra, Trung Quốc đã thành lập Cơ quan Quản lý Nam cực và Bắc cực (CAA) từ năm 1981 trực thuộc Cơ quan Quản lý đại dương. Tính đến năm 2011, Trung Quốc đã thực hiện 27 chuyến khám phá Nam cực, số tiền chi cho các chuyến này từ mức 20 triệu USD năm 2003 lên 55 triệu USD năm 2012. Riêng tại Bắc cực, Trung Quốc cũng đã xây dựng trạm nghiên cứu Hoàng Hà vào năm 2004 ở Ny-Alesund, Na Uy.

  • Tác hại môi trường

Ngoài dầu khí, Bắc cực và Nam cực được cho là khu vực giàu khoáng sản như sắt, đồng, nhôm… Mặc dù hiện nay, Hiệp ước Nam cực cấm khai thác tài nguyên ở đây nhưng áp lực đòi khai thác ngày càng mạnh và dự báo trong vài thập niên tới, lệnh cấm này sẽ được bãi bỏ. Theo báo New Zealand Herald, 28 nước tham vấn về Nam cực gần đây đã đồng ý đẩy mạnh kế hoạch cho phép khai thác tài nguyên ở Nam cực. Trung Quốc là một trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất kế hoạch này. Họ đã đầu tư 350 triệu USD vào các phương tiện phá băng, bất chấp khu vực này có lớp băng dày đến 4km.

Thế nhưng sẽ không có gì bù đắp nổi tác hại của việc khai thác tài nguyên ở hai cực Trái đất. Theo tạp chí Nghiên cứu địa vật lý (Journal of Geophysocal Research), lượng băng tan tại Nam cực vào mùa hè trong vòng 60 năm đã qua tăng gấp đôi. Băng tan nhanh ngoài việc làm dâng cao mặt nước biển còn làm tăng thêm nhiệt độ toàn cầu. Nhiệt độ toàn cầu tăng lại tác động làm băng tan nhanh, cái vòng lẩn quẩn này ngày càng khiến khí hậu bị biến đổi.

Cũng theo tạp chí trên, nghiên cứu mới nhất cho thấy tình hình tương tự tại Bắc cực. Lượng băng tại Bắc cực vào tháng 9-2012 xuống thấp tới mức kỷ lục. Nếu như việc khai thác tài nguyên bùng nổ ở 2 đầu cực Trái đất thì hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, theo AP, lượng du khách tới Nam cực ngày càng tăng cũng là tác nhân gây tổn hại đến môi trường ở đây. Những năm 1980, chỉ khoảng 2.000 lượt người tới Nam cực mỗi năm nhưng đến năm 2007-2008 đã có hơn 46.000 lượt người. 

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục