Trước thềm trận chung kết

Hai đội Tây Á tranh ngôi ở phương Đông

Nhật Bản đã không thể đạt đến khát vọng 3 lần liên tiếp đoạt cúp vô địch vì đối thủ của họ ở trận bán kết là “những đứa con sa mạc” Saudi Arabia, đội bóng có thành tích tốt nhất trong lịch sử Asian Cup. Đại diện của Tây Á lần thứ 6 trong 7 mùa giải gần đây có mặt trong trận chung kết và đối thủ của họ lại là một đại diện Tây Á khác, Iraq. Vậy là phương Đông sẽ trở thành nơi chứng kiến bóng đá Tây Á lên ngôi...

Saudi Arabia là đội bóng được dẫn dắt bởi một HLV người Brazil và tất nhiên, họ yêu chuộng lối chơi đẹp. Ông Helio de Ajnos chỉ mới cầm quân vài tháng trước VCK Asian Cup 2007 và chưa thổi vào đội bóng của mình một phong cách đẹp mắt ấy. Ngay trong trận bán kết tối qua, Saudi Arabia chơi theo chiến thuật phòng ngự - phản công, nhường cho người Nhật sự thanh thoát, kiêu sa của lối đá ít chạm. Nhưng quan trọng hơn, họ lại là người chiến thắng.

Hiệp 1 thể hiện rõ điều đó. Nhật Bản làm chủ trận địa, đẩy Saudi Arabia về phía sân nhà. Đội bóng Tây Á chỉ còn biết chờ đợi những giây phút tỏa sáng của các tay săn bàn như Maaz hoặc Al Qahtani. Thế nhưng, dù kiểm soát bóng nhiều hơn, các đường tấn công của Nhật Bản không đủ hiệu quả để chuyển thành bàn thắng và thế là Saudi Arabia tận dụng thành công một giây phút hớ hênh của hàng phòng ngự Nhật Bản để mở tỷ số. Hai phút sau, Nhật Bản gỡ hòa. Đầu hiệp hai, Saudi Arabia lại vượt lên rồi Nhật lại gỡ hòa. Trận đấu diễn tiến nhanh đến mức chóng mặt trong hiệp thứ hai và có thể xem đây là trận đấu hay nhất kể từ đầu giải.

Phút 57, Saudi Arabia lần thứ 3 vượt lên. Người Nhật còn đến 33 phút cộng với 5 phút bù giờ để tìm bàn gỡ, nhưng họ không thể. Trong tư thế của một đội bóng có được quyền kiểm soát thế trận nhưng luôn phải rượt đuổi tỷ số, các cầu thủ Nhật căng cứng đôi chân. Họ chơi không còn mạch lạc trong 20 phút cuối dù vẫn dồn ép đối thủ. Nhưng Saudi Arabia không mắc sai lầm, họ đổ quân về sân nhà, chơi phòng thủ khu vực và chẳng ngại ngần chơi thứ bóng đá tiêu cực để bảo vệ tỷ số. Thời gian trôi qua, Nhật Bản không ngừng dâng lên nhưng số phận đã quay lưng với họ.

Saudi Arabia vào chung kết hoàn toàn xứng đáng. Người Nhật mệt nhoài sau một mùa giải quốc nội và đến Asian Cup trong trạng thái hồ nghi về tài cầm binh của HLV mới được bổ nhiệm Osim. Giới truyền thông Nhật Bản đổ bộ ồ ạt đến Việt Nam để chứng kiến một đội bóng không còn nhuệ khí và cũng sa sút phong độ kể từ sau khi bị loại sớm ở World Cup 2006. Trận thua trước Saudi Arabia xem ra chỉ là một hệ quả tất yếu.

  • Tây Á hội quân

Saudi Arabia tràn trề cơ hội lần thứ 4 đoạt chức vô địch Asian Cup khi đối thủ của họ trong trận chung kết là Iraq, đội bóng chỉ mới lần đầu tiên tham dự trận đấu cuối cùng.

Iraq đã chơi một trận sòng phẳng trước Hàn Quốc trong một cuộc đấu thể lực. Nói như HLV Pim Verbeek sau trận đấu thì các cầu thủ của ông đã “chiến đấu cho đến chết”, nhưng vẫn không thể có được may mắn ở loạt sút luân lưu 11m. Trận bán kết thứ nhất không đẹp mắt, nhưng chắc chắn đấy là cuộc thi tài của 2 đội bóng quả cảm. Iraq vào trận với mong muốn đem lại niềm vui cho người dân nước mình đang chịu nhiều đau khổ. Còn Hàn Quốc, họ là đội bóng có thành tích kém cỏi nhất khi mới ghi có 3 bàn thắng và vượt qua vòng đấu bảng nhờ thắng Indonesia 1-0.

HLV Vieira đánh giá: “Tôi vẫn cho rằng, Hàn Quốc là một đội bóng tốt nhưng chúng tôi hơn họ ở thể lực. Vì vậy, đây là trận đấu không thể nào quên”.

Hàn Quốc có mặt trong trận bán kết nhờ thắng Iran trên chấm phạt đền. Họ lại gục ngã trên trong trận chiến ấy trước một đội bóng còn lì lợm hơn họ. Công bằng mà nói, Hàn Quốc đã đi đến tận cùng giới hạn của mình trong một kỳ giải mà họ không thể hiện sức mạnh như cách đây vài năm. Vì vậy, lời nhận xét của HLV Pim Verbeek là hoàn toàn có lý: “Tôi tự hào về các cầu thủ. Chúng tôi không hề buông xuôi một lần nào trong giải đấu lần này”.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục