Hài hòa giữa đầu tư phát triển và ổn định đời sống nông dân

Theo dự kiến, trong năm 2007 Việt Nam có thể đạt 13 tỷ USD về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) do có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới quyết định đầu tư những dự án lớn, điển hình là Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc), với tổng các dự án đầu tư lên đến 5 tỷ USD.

Tính đến nay, cả nước có đến 148 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), với tổng diện tích đất tự nhiên trên 32.000 ha để tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài và một phần cho dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong nước. Trong đó 90 KCN-KCX đã đi vào hoạt động, 58 KCN khác đang trong giai đoạn hoàn thiện xây dựng cơ bản. Tổng cộng các KCN-KCX, khu đô thị (KĐT) mới trong cả nước đã thu hút 24,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Dự kiến đến năm 2015, cả nước sẽ có đến 113 KCN-KCX với tổng diện tích đất 29.237 ha và 27 KCN mở rộng thêm 6.000 ha. Tình hình thu hút FDI có thể nói là rất khả quan.

Song bên cạnh đó, một vấn đề liên quan mật thiết, trước hết ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và quan trọng hơn, ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu nông dân trong cả nước nếu không được quan tâm xem xét, giải quyết đến nơi, đến chốn. Đó là vấn đề đất nông nghiệp được quy hoạch cho các KCN-KCX, KĐT mới, đất dành cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước đi kèm, phục vụ cho môi trường đầu tư. Muốn tăng tốc độ phát triển kinh tế đất nước bằng việc đẩy nhanh đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải dành một phần không nhỏ quỹ đất cho các nhà đầu tư. Thế nhưng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến những người nông dân đang canh tác nhiều năm trên mảnh đất quê mình, nhất là ở một đất nước chủ yếu sản xuất nông nghiệp.

Tình hình nông dân mất đất canh tác, thất nghiệp, bỏ sản xuất nông nghiệp ra thành thị kiếm sống… đáng báo động.  Tổng diện tích đất bị thu hồi trên phạm vi toàn quốc là 366,44 ngàn ha, chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng, tác động tới đời sống của 627.495 hộ gia đình với 950.000 lao động và 2,5 triệu nông dân. Sau khi bị thu hồi đất có 67% nông dân vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp, 13% chuyển sang nghề mới, 20% khác không có việc làm. Thu nhập của 53% hộ nông dân bị sụt giảm so với trước khi bị thu hồi đất…

Tuy không phải thực trạng trên tất cả đều do việc dành quỹ đất cho việc xây dựng các KCN-KCX-KĐT mới, nhưng cần phải nhìn nhận một thực tế là hầu như quỹ đất dành cho xây dựng các khu này đều là những vùng đất nông nghiệp bằng phẳng, màu mỡ, do phần lớn nằm ở lưu vực các con sông lớn, nhỏ khắp cả nước, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Việc Chính phủ đẩy mạnh phân cấp đầu tư cho các địa phương nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho địa phương chủ động căn cứ trên thực tế của từng địa phương để kêu gọi đầu tư, phát huy khả năng, tiềm lực của cơ sở. Thế nhưng, nhiều địa phương chưa phát huy được lợi thế do trung ương mở ra trong chính sách thu hút đầu tư. Ngược lại, tạo ra khá nhiều bất cập trong việc sử dụng quỹ đất, trong chủ trương thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và thực hiện tái định cư. Sự mất công bằng trong thực hiện chính sách về đất đai ở nhiều địa phương chính là nguyên nhân làm nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện của người dân ngày càng tăng trong thời gian gần đây và để cho thế lực cơ hội chính trị lợi dụng nhằm gây mất ổn định xã hội.

Giải quyết hài hòa giữa việc tăng tốc đầu tư phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài và ổn định đời sống nông dân là công việc hết sức cấp bách trong hoàn cảnh hiện nay. Cần có những chính sách kịp thời và cấp bách để ổn định đời sống nông dân trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Châu Long

Tin cùng chuyên mục