Trung úy Bàn Vũ Hậu, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Huổi Luông, xuýt xoa, nếu không có ông già Giàng A Chu, hẳn cả biên phòng lẫn cán bộ xã huyện đều không biết giải quyết chuyện đất như thế nào.
Biên giới Pô Tô (Huổi Luông) có lẽ là một trong những đường biên hẹp nhất Việt Nam, chỉ cách phía Trung Quốc một con suối nhỏ. Chúng tôi nghe câu chuyện về ông Chu, trước khi gặp người đàn ông này. Trung úy Bàn Vũ Hậu kể, năm 2003, kế hoạch xây Trường Tiểu học Dân tộc nội trú số 1 Huổi Luông được đề ra, trong đó, khó khăn lớn nhất của thôn biên giới Pô Tô là không có đất. Suốt nhiều năm, học sinh của thôn phải đi bộ cả chục cây số, hoặc học trong các lớp học tạm bợ ở các bản. Ông Chu khi đó là trưởng thôn, không suy nghĩ lâu, tình nguyện dành luôn cả hécta đất ruộng để xây trường. Đó gần như là toàn bộ đất nương mà ông bà đã kỳ công khai khẩn qua mấy chục năm. Hiến toàn bộ đất ruộng, gia tài ông Chu chỉ còn lại ít đất trồng rau.
Thế nhưng, đến năm 2017, khi hai bản Pô Tô và Cửa Cải (Trung Quốc) kết nghĩa, người ta lại bàn xây dựng một nhà văn hóa hữu nghị Việt - Trung ở bản Pô Tô. Lúc này lại cần đất, mà đi thuyết phục mọi người đều ngần ngừ. Nhiều năm sinh sống yên ổn, tấc đất ở đây đã trở nên quý giá, đâu dễ sẻ chia tài sản của mình.
Ông Chu ngẫm nghĩ, rồi một lần nữa lại tình nguyện hiến đất. Lúc đó chẳng ai nghĩ ông làm vậy, ai cũng hiểu là ông Chu mà hiến đất nữa thì quá thiệt thòi. Nhưng nhờ có ông Chu làm gương, mấy hộ dân quanh đó cũng gật đầu hiến nửa phần còn lại. Vậy là thêm một nhà văn hóa khang trang mọc lên - không chỉ là câu chuyện tình hữu nghị, mà còn là câu chuyện về sự yên bình, là dấu mốc để hiểu chiến tranh đã dần lùi xa.
Câu chuyện hiến đất ấy, nghe cứ nhẹ như không, dù nhiều người ở Pô Tô vẫn nhắc lại với sự xuýt xoa không che giấu. Cho đến khi chúng tôi gặp ông Chu và vợ là bà Ma Mì Xe trong căn nhà ngay đối diện trường học. Nghe ông bà kể về thời kỳ mới trở lại bản sau chiến tranh, thì mới thấy giá trị phần đất đã hiến. Đó là mồ hôi nước mắt từ những nhát cuốc đầu tiên trên cái vùng mênh mông lau sậy, ẩn hiện những bom mìn sót lại.
Hỏi ông về lý do hiến đất, ông cười hiền lành bảo: “Nhà chả có gì ngoài đất. Đất nhiều quá nên cho”. Pô Tô có trường, có nhà văn hóa. Ông Chu cũng không hề lấy một đồng tiền nào. Với ông, đó là quà tặng cho trẻ con, cho xã hội vì không muốn thấy các em đi lại quá vất vả.
Mình ở đây, nên mình có trách nhiệm...
Gia đình ông Giàng A Chu đã sống ở Pô Tô nhiều đời, từ cái thời mà những nương thuốc phiện vẫn còn mọc tràn lan miền núi phía Bắc. Đến thời ông Chu, không còn thuốc phiện thì phải đối mặt với cái đói. “Đời bố tôi khổ lắm. Nhà có nhiều đất mà vẫn đói, chỉ lúa với ngô vẫn không đủ ăn”, ông Chu nhớ lại. Những năm tháng trước chiến tranh, người Pô Tô cắm mặt với đất đai nhưng một năm vẫn phải mấy tháng ăn củ mài qua ngày.
Hết chiến tranh biên giới, ông Chu trở về nhà. Nhà cũ đều đã bị đốt hết. Cả bản Pô Tô chỉ còn là một vùng đất đầy cỏ dại. Đường vào nhà đầy mìn. Không ít người bản cũ ngần ngại, nhưng ông Chu xung phong về, vì ông nhất định sống chết với bản cũ. Con người cả đời gắn bó với những mảnh nương lại lần từng bước một khai khẩn. Ngày ông bổ nhát cuốc đầu tiên phát cỏ trên nương cũ, có cả một đội công binh vẫn dò mìn cần mẫn bên cạnh. Nửa ngày sau, người ta phát hiện ra một quả mìn chỉ cách chỗ ông làm mấy bước chân.
40 năm, từ một bản làng xơ xác sau chiến tranh, chỉ cỏ dài và lau lách, Pô Tô giờ đã xanh mướt những chuối, những ngô, thậm chí làng còn có cả tỷ phú. Nhưng ít người biết, đó là thành quả từ những ngày khai khẩn trong nỗi sợ hãi năm nào của những người như ông Chu. Năm ấy trở về, nhớ cái thời ăn củ mài, ông Chu quyết tâm thoát nghèo lắm. Ông nông dân thử từ trồng chuối, trồng ngô, trồng sắn, rồi trồng sang cả nghệ. Bộ đội biên phòng hướng dẫn gì ông cũng thử. Đất nhà ông khi đó nhiều nhất nhì Pô Tô. Rồi những tưởng ông chẳng bao giờ xa rời những mảnh đất truyền đời. Vậy mà cuối cùng, ông vẫn tình nguyện hiến những hécta đất cuối cùng.
Ở Đồn biên phòng Huổi Luông, cứ có việc gì cần thuyết phục người dân thì ông Chu sẽ là nhân vật đầu tiên được nhắc đến. Người đàn ông ngoài 60 tuổi vẫn nhanh nhẹn lắm! Ông đã đi hết các cột mốc biên giới ở Huổi Luông, theo chân bộ đội biên phòng tuần tra cắm mốc, đi khảo sát đường biên giới. Đất nương của nhà ông khi xưa, cũng nằm sát biên giới, ngay cạnh Mốc 61. Những năm chưa yên bình, những khoảng nương ấy là biên giới khẳng định chủ quyền của người Việt. Cậu trung úy trẻ măng Bàn Vũ Hậu cũng bảo, có ông Chu, việc thuyết phục người dân dễ dàng hơn nhiều. Ông Chu nói được, làm được, nên người trong bản tin tưởng ông. Điều ông tự hào, như ông vẫn nói là: “Tôi nói mọi người không phản đối”.
Trường Huổi Luông hiện tại nằm đối diện căn nhà của ông Giàng A Chu và bà Ma Mì Xe. Đất nương cạnh mốc của gia đình, ông bà chia cả cho con cháu, thế nên người cả đời cày cuốc, giờ lại chẳng còn mảnh đất nào để trồng trọt. Bà Ma Mì Xe mở hàng tạp hóa, bán thêm mấy xâu thịt nướng. Cái cảm giác của những người làm nông, đã quen với cuộc sống làm ruộng bỗng dưng quá nhàn rỗi cũng khiến bà ngẫm nghĩ.
Thi thoảng nhớ ra chuyện hiến đất, bà lại quay ra ông càu nhàu: “Toàn làm trưởng thôn, lo chuyện người khác, chả làm được gì cho bà, giờ chả có đất làm gì”. Ấy là bà vẫn ấm ức cái thời ông còn đi “vác tù và hàng tổng”, để bà vật lộn với con cái, ruộng vườn.
Nhưng chính bà cũng lắc lắc đầu khi chúng tôi hỏi có trách ông không, chép miệng: “Nói thì nói vậy, ý kiến vậy, chứ ông quyết rồi thì bà theo”. Giờ thi thoảng ông lên nương của con trai cuốc đất cho đỡ… nhớ. Cả khoảng nương trồng nghệ ở Mốc 61 bây giờ, là ông trồng hộ con. Còn bà, vẫn chỉ ước được trồng rau, chứ không phải đứng nướng mấy xiên thịt như bây giờ.
Tôi hỏi ông có tiếc không, ông cười: “Ngày đó không nghĩ, giờ nghĩ cũng có lúc tiếc đấy. Nhưng thôi, cho xã hội, cho tuổi trẻ, có gì đâu”. Theo đà phát triển vùng biên giới, nếu như mảnh đất vẫn còn, chắc ông bà sẽ còn giàu có đến thế nào. Tiếc nuối cũng là lẽ bình thường của mỗi con người. Nhưng hai đứa cháu của ông bà cũng đang theo học ở đó, điều đó làm ông vui lắm. Bọn trẻ sẽ không phải học tạm bợ nữa. Thế nên dù có lúc tiếc, nhưng nếu có làm lại, cả ông Chu và bà Xe vẫn nói hiến đất là đương nhiên.
Điều ông bà băn khoăn hơn, là bây giờ trường thì có mà vẫn thiếu nước sạch, bọn trẻ vẫn còn thiệt thòi. Những chuyện đó ông chẳng biết làm gì hơn, gặp người ở nơi khác về, ông vẫn tranh thủ kể về sự băn khoăn như thế. Chuyện ông Chu hiến đất, cả bản vẫn nhớ và vẫn nhắc tới. Còn ông Chu thì kể về nó như một hành động đơn giản nhất trên đời. “Vì mình ở đây, nên mình có trách nhiệm ở đây”, ông Chu nói.