Sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, rạng sáng 10-6, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã đồng ý tổ chức cuộc hội đàm cấp chính phủ trong 2 ngày 12 và 13-6 tại Seoul. Đây là cuộc gặp cấp chính phủ đầu tiên kể từ năm 2007 và được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực làm dịu căng thẳng giữa hai bên sau các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Dễ trước, khó sau
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Chun Hae-sung, người đứng đầu Văn phòng thiết lập chính sách thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết hai bên đã đồng ý gửi 5 đại diện cho các cuộc đàm phán ở Seoul vào ngày 12 và 13-6. Cuộc họp sẽ diễn ra tại Grand Hilton Seoul, Đông Bắc của thủ đô Seoul. Đây là địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng giữa hai bên lần cuối cùng được tổ chức vào tháng 5 và tháng 6-2007. Ông Chun cũng là trưởng phái đoàn 3 người trong cuộc đàm phán ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên ngày 9-6.
Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất được các chủ đề thảo luận trong cuộc đàm phán cấp chính phủ cũng như trưởng đoàn của hai bên. Theo ông Chun, có rất nhiều vấn đề nên không thể giải quyết cùng lúc và phía Hàn Quốc chủ trương giải quyết vấn đề từng bước, cái nào dễ giải quyết trước, khó giải quyết sau. Hai bên cố gắng dàn xếp để Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae và Chủ tịch Cơ quan Mặt trận thống nhất Triều Tiên Kim Yang-gon dẫn đầu phái đoàn hai bên nhưng đã thất bại. Phía Triều Tiên cho biết sẽ sớm thông báo danh tính trưởng đoàn.
Cả hai nước nước đều muốn thảo luận về cách thức mở cửa trở lại khu công nghiệp chung Kaesong cũng như tour du lịch ở núi Kumgang và nối lại các chương trình đoàn tụ gia đình ngăn cách bởi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Sau khi có lịch trình cho cuộc đàm phán cấp chính phủ liên Triều, ngày 10-6, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chủ trì cuộc họp của các bộ trưởng an ninh và đối ngoại phải tập trung vào các bước tiếp theo để giải quyết vấn đề tồn tại thông qua đối thoại.
Dư luận hoan nghênh
Trước tin hai miền Triều Tiên hội đàm cấp chính phủ, Nga, Mỹ, Trung Quốc, EU và một số nước đã tuyên bố hoan nghênh nỗ lực của hai miền Triều Tiên. Hãng tin Bloomberg dẫn lời giáo sư Koh Yu Hwan, nhà nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul nói: “Đây là sự khởi đầu các nỗ lực khôi phục quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Họ nên chọn những vấn đề dễ để giải quyết trước hơn là vấn đề hạt nhân”. Blomberg cho rằng đây là kết quả sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California. Theo giáo sư Lee Jung Hoon, Khoa quan hệ quốc tế trường Đại học Yonsei ở Seoul: “Triều Tiên bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán vì Trung Quốc đang ngày càng xa cách Bình Nhưỡng”. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từng phát biểu rằng bà muốn xây dựng lòng tin sau một thời gian thù địch quyết liệt dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Tuy nhiên cũng có ý kiến thận trọng. Giáo sư Yang Moo-Jin tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul cho rằng “Các cuộc đàm phán liên Triều đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Hội nghị ở Seoul sắp tới có thể sẽ diễn ra, nhưng trong quá khứ, Triều Tiên từng trì hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc đàm phán vào phút cuối cùng”.
KHÁNH MINH tổng hợp