Hướng đến SEA Games 26

Hai mục tiêu chính của Vovinam

- Lãnh đội
Hai mục tiêu chính của Vovinam

Từ ngày 14 đến 16-11, các đội tuyển Vovinam sẽ tranh tài tại thủ đô Jakarta trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 26. Sau khi bỏ lỡ cơ hội ở SEA Games 22 hồi năm 2003, đây là lần đầu tiên một môn võ dân tộc của Việt Nam hiện diện tại đấu trường thể thao khu vực.

Lần đầu tiên môn võ dân tộc của Việt Nam được tổ chức thi đấu ở SEA Games 26. Ảnh: Nguyễn Nhân

Lần đầu tiên môn võ dân tộc của Việt Nam được tổ chức thi đấu ở SEA Games 26. Ảnh: Nguyễn Nhân

Tuy môn Vovinam đã góp mặt tại Asian Indoor Games 3-2009 khi đại hội này diễn ra tại Việt Nam nhưng để bước vào SEA Games 26, môn võ này phải trải qua không ít khó khăn. Ở các kỳ họp của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á năm trước, một số nước đã bày tỏ sự băn khoăn vì mức độ phổ biến của Vovinam trong khu vực. Tuy nhiên, với sự vận động tích cực và khéo léo của Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam, LĐ Vovinam Thế giới cùng nỗ lực phát triển phong trào của các võ sư, HLV, Vovinam đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. Đây là tin vui, một cột mốc quan trọng trong việc đưa các môn thể thao dân tộc Việt Nam từng bước hội nhập với đời sống thể thao quốc tế.

Trong 2 năm qua, nhất là từ đầu năm 2011 đến nay, một số nước trong khu vực Đông Nam Á có phong trào Vovinam đều tập trung chuẩn bị cho cuộc so tài tại SEA Games 26. Indonesia và Campuchia đưa quân qua TPHCM ôn luyện, Lào mời chuyên gia Việt Nam sang Vientiane tập huấn cho đội tuyển. Từ những cố gắng đó, Indonesia, Lào, Campuchia đã đạt thành tích khả quan tại giải vô địch thế giới ở TPHCM và mới đây là giải vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên vừa kết thúc tại Nhà thi đấu Olympic, thủ đô Phnom Penh, Campuchia.   

Tuy không chủ quan, nhưng với trình độ của các VĐV nơi đất tổ, Vovinam Việt Nam có thể chiếm ưu thế trong các giải đấu. Thế nên, đóng góp vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này là nhiệm vụ tất yếu. Dù vậy, với sự tiến bộ của các nước trong thời gian gần đây, SEA Games 26 sẽ hứa hẹn những màn so tài khá căng thẳng nên Vovinam Việt Nam đặt chỉ tiêu đoạt 4 đến 6 HCV trong tổng số 14 bộ huy chương (10 bộ thi kỹ thuật và 4 bộ đấu đối kháng). Vả lại, nhìn ở góc độ chiến lược thì đây là cơ hội để quảng bá sâu rộng những tinh hoa kỹ thuật của Vovinam trong khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là những chiếc huy chương. Trên tinh thần đó, 1 Festival Vovinam cũng sẽ diễn ra tại thành phố Bali từ ngày 18 đến 21-11 để giới thiệu môn võ này với khách du lịch và sinh viên các trường Đại học.

Nhằm hỗ trợ nước chủ nhà SEA Games 26 tổ chức thi đấu thành công môn Vovinam, cuối tháng 9-2011, phái đoàn của Liên đoàn Vovinam Thế giới và Việt Nam đến khảo sát cơ sở vật chất (Nhà thi đấu TDTT Tj. Priok, Jakarta), tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trọng tài và kỹ thuật cho VĐV Vovinam Indonesia. Nhân dịp này, LĐ Vovinam Thế giới đã tặng Ban tổ chức SEA Games 26 bộ máy chấm điểm điện tử Vovinam và bộ dụng cụ bảo hộ thi đấu.

Vovinam góp mặt tại SEA Games 26 là sự tiến bộ đầy khích lệ, nhưng số lượng các nước tham dự còn ít: chỉ có 4 nước. Thật đáng tiếc khi vắng mặt Thái Lan! Trong cuộc họp ngày 28-10 vừa qua, Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đã cam kết đưa Vovinam vào môn thể thao nhóm 3, tức những môn tranh tài tại SEA Games.  Trước thông tin phấn khởi này, giới hâm mộ võ thuật đều ước mong sẽ có thêm Vovinam các nước Thái Lan, Singapore, Philippines hiện diện ở SEA Games 27 vào năm 2013 tại Myanmar…

  • 20 thành viên đội tuyển Vovinam Việt Nam dự SEA Games 26:

- Lãnh đội Trần Huy Bình.

- Các HLV: Nguyễn Tấn Thịnh (HLV trưởng), Nguyễn Hồng Quỳ, Trần Văn Để.

- Các VĐV: Võ Nguyên Linh, Nguyễn Duy Khánh, Trần Khánh Trang, Nguyễn Thị Châm, Lâm Đông Vượng, Trần Thế Thường, Nguyễn Bình Định, Nguyễn Văn Cường, Phan Ngọc Tới, Huỳnh Khắc Nguyên, Mai Thị Kim Thùy, Phạm Thị Phượng, Phạm Thị Mỹ Dung, Lê Bảo Giang, Trần Công Tạo và Hứa Lệ Cẩm Xuân.

Trúc Quỳnh

Tin cùng chuyên mục