1. Sau đêm bế mạc SEA Games 21 năm 2001, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Hoàng Vĩnh Giang vẫn còn diện bộ veston trắng mà ông vừa dự lễ nhận cờ tổ chức SEA Games, ngồi ăn tối với chúng tôi.
Lau vội mồ hôi, ông Giang nói như đùa: “Hôm nay, lúc tôi lên nhận cờ, thấy các đoàn nhìn tôi với ánh mắt vừa trìu mến, vừa sợ hãi. Họ tự dưng có thiện cảm hẳn với mình khi thấy cờ trong tay mình. Họ sợ mình tổ chức SEA Games và mình lại “bóp” như các chủ nhà vẫn bóp…”. Ông Giang khi ấy kể rất thật về cái “ao làng” ở sân chơi Đông Nam Á khi mà cờ đến tay ai thì người đó “bóp”.
2. SEA Games 22 tại Việt Nam, trong thời gian chuẩn bị, những nhà làm công tác chiến lược thể thao nói rất cứng: “SEA Games này, mình chơi đang hoàng, không tác động đến trọng tài trong những môn nhạy cảm, không ăn gian nhưng vẫn cố làm sao để nhất toàn đoàn cho họ nể”. Và SEA Games đấy, ít nghe các đoàn than phiền trọng tài “bóp” như SEA Games 18 ở Thái Lan, SEA Games 19 ở Indonesia hay SEA Games 21 ở Malaysia.
Tuy nhiên đó lại là SEA Games mà có nhiều nội dung hoặc môn thể thao mới và lạ được đưa vào như vài chục bộ huy chương của môn lặn, đá cầu mà sau SEA Games 22 thì “lặn” mất tiêu trong hệ thống thi đấu khu vực. Những môn được xem là đặc sản của riêng Việt Nam sau khi vận động được thêm 2-3 quốc gia dự cho đủ tụ. Năm đấy, Việt Nam nhất toàn đoàn với số huy chương vượt trội (158 vàng) rất giống với các SEA Games khác. Và lần này, mới đi được nửa đường, Indonesia đã là quán quân.
3. Đến trưa hôm qua, nhìn vào bảng thành tích của Myanmar vẫn chưa thấy có chiếc HCV nào. Sở dĩ tôi quan tâm đến đoàn này là vì 2 năm nữa, SEA Games sẽ tổ chức ở Myanmar và tôi thấy lo lo bởi không biết là họ sẽ chuẩn bị thế nào... Chợt nhớ Trưởng ban tổ chức SEA Games tại Indonesia - bà Rita Subowo mới đây đã kêu gọi SEA Games trong tương lai nên bỏ bớt các môn truyền thống của từng nước để tập trung vào những môn Olympic nhằm đưa thể thao khu vực vươn lên trình độ quốc tế. Bà Rita cũng từng tâm sự rằng bà muốn SEA Games 26 ở Indonesia vượt qua “bệnh” thành tích chung của Đông Nam Á đó là tổ chức ở đâu thì ở đấy nhất toàn đoàn và trong cái nhất đó có ít nhiều tác động bởi việc chọn môn đẩy mình mạnh lên và làm yếu các đối thủ.
SEA Games là đại hội thể thao Đông Nam Á cứ 2 năm một lần nhưng nó khác với các đại hội khác ở chỗ sau 2 năm lại có rất nhiều thay đổi về môn đấu, về cách vận hành của mỗi quốc gia đăng cai và về thành tích của “vùng trũng”.
Chừng nào xóa được căn bệnh nan y tại SEA Games, là nơi bội thu HCV của quốc gia đăng cai, lúc đó sự phát triển chung của thể thao Đông Nam Á mới được ghi nhận.
Nguyễn Nguyên