
Chưa bao giờ hoạt động văn hoá văn nghệ, nhất là ca múa nhạc có nhiều nữ thanh niên tham gia và thành công như hiện nay. Mừng ngày thành lập Đoàn TNCS, Báo SGGP giới thiệu 2 nhóm nhạc “xuân xanh” (lời thơ Hàn Mặc Tử): Phù Sa và Mặt Trời Đỏ duyên dáng dễ thương.
- 3 cô gái Phù Sa

Nhóm “Phù Sa”.
Giọng hát ngọt và mềm như thể sóng lúa, dòng sông quê. Khả năng tự múa minh họa, chơi nhạc cụ dân tộc làm phong phú chính mình và dáng người dong dảng cao trong trang phục chính luôn là áo tứ thân, áo dài… Đó chính là hình ảnh dễ thương, dễ nhớ của tam ca Phù Sa gồm 3 cô gái Ngọc Loan, Quỳnh Hoa, Phương Thùy.
Từ những năm 1990, những cô gái có duyên với nhạc dân tộc và có duyên… với nhau này đều được anh Đình Long, trưởng ban nhạc Phù Sa mời về biểu diễn. Thành tích lúc đó cũng “oai ra trò”; Quỳnh Hoa giật giải Huy chương vàng Tiếng hát sinh viên học sinh toàn thành và sau đó là giải nhất Tiếng hát sinh viên học sinh toàn quốc (1994). Một năm sau Ngọc Loan giật giải toàn quốc Tiếng hát sinh viên học sinh cũng được anh Long triệu tập.
Hương Thủy, cựu thành viên của đoàn, lúc đó là thành viên của đoàn Bông Sen, cũng được mời sang. Điểm chung nhất: 3 cô đều cao, thích mặc áo tứ thân khi biểu diễn và thích hát dân ca đến phát mê. Mê đến độ, nắm tay nhau xác định “đã theo nhạc dân ca thì phải chấp nhận những giai đoạn thăng trầm” (ai cũng hiểu trầm nhiều hơn thăng). Đó cũng chính là cái duyên để họ hình thành tam ca Phù Sa mạnh dạn xuất hiện trước công chúng Sài Gòn.
Năm 1998, tam ca Phù Sa lấy tên ban nhạc lớn mà mình đang là thành viên làm tên gọi cho mình. Họ tự hào khi mình là tam ca thành viên ban nhạc dân tộc ấy, và tự hào khi cô Lê Giang nhắn nhủ ý nghĩa: “Âm nhạc dân tộc như phù sa, lặng lẽ, âm thầm bồi đắp lớp này sang lớp khác, năm này sang năm khác. Mong rằng, những thế hệ trẻ đến với dân ca sẽ như phù sa vậy”.
Album “Lúa mùa duyên thắm” của họ do Bến Thành Audio sản xuất, vừa phát hành tháng 3 năm nay cho thấy rõ hơn đam mê và quyết tâm của họ trong việc theo đuổi dòng nhạc dân tộc vốn rất kén chọn người nghe lẫn người hát. Quỳnh Hoa cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng hát nhạc dân ca dễ vì bản thân nhạc đó đã thân quen quá, mà trước đây ông bà mình không biết một nốt nhạc vẫn hát được là sai lầm.
Bởi hát thành giai điệu thì không khó nhưng để đi vào lòng người thì rất khó”. Gần 10 năm hát nhạc dân ca nhưng họ vẫn luôn phải tìm đến học hỏi các bậc thầy là các cô chú, đàn anh, đàn chị trong nghề như cô Lê Giang, chị Bích Phượng, anh Nhất Sinh…
- “Mặt Trời Đỏ” - phong cách mới nhạc dân tộc

Nhóm “Mặt Trời Đỏ”.
Nhóm Mặt Trời Đỏ sau 1 năm thành lập đã tạo được sự chú ý của công chúng và giới chuyên môn. 5 cô gái với 5 nhạc cụ dân tộc khác nhau vừa đàn vừa hát, múa: “Xe chỉ luồn kim”, “Lý ngựa ô”, “Chuyện tình thảo nguyên”, “Mái đình làng biển”, “Trống cơm” với một phong cách trẻ trung, sôi nổi…
- Tại sao lại là 5 cô gái với tên gọi “Mặt Trời Đỏ”?
- Cao Hồ Nga và Minh Hà: Chúng em đều là bạn học của nhau từ thuở nhỏ. Lớn lên, đều theo học Nhạc viện khoa nhạc dân tộc. Duyên gặp gỡ cũng là do âm nhạc mang lại. Trên thế giới đã có nhóm nữ vừa đàn vừa hát rất hay mà điển hình là 12 cô gái của Trung Quốc (đã có đĩa trên thị trường) mà chúng em rất ngưỡng mộ. Ý nghĩ thành lập nhóm được hình thành.
Việc tìm người cũng khá vất vả. Lúc đầu chúng em có 6 người, hiện nay có 5 người: Minh Loan (đàn tranh, tam thập lục, t’rưng), Thu Thủy (đàn nhị, đàn tứ, đàn bầu), Cao Hồ Nga (tam thập lục, t’rưng), Minh Hà (tam thập lục, sáo) và Hoài Phương (đàn tì bà và là giọng ca chính của nhóm). Tụi em lấy tên “Mặt Trời Đỏ” bởi vì đó là hình ảnh tượng trưng cho một cái gì đó thuộc về châu Á.
- Phong cách chính của Mặt Trời Đỏ?
- Cao Hồ Nga: Đó là vừa hát vừa đàn, vừa múa… những ca khúc dựa trên chất liệu dân ca, điệu lý được hòa âm mới với những tiết tấu mới.
- Việc chọn bài hát có khó lắm không?
- Cao Hồ Nga: Chúng em phải chọn bài hát, ca khúc nào có “đất” biểu diễn cho từng nhạc cụ. Khi chọn được bài rồi, lại phải hòa âm phối khí lại cho phù hợp với phong cách biểu diễn của nhóm. Chúng em thật may mắn vì có nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Bảo Phúc giúp phần hòa âm, phối khí và cả sáng tác bài hát cho nhóm.
- Nhóm nhạc trẻ đã có nhiều, nhưng nhóm nhạc dân tộc như Mặt Trời Đỏ, các bạn đang là “độc quyền” đấy. Chắc Mặt Trời Đỏ có nhiều thuận lợi?
- Cao Hồ Nga, Minh Hà, Hoài Phương: Ngược lại, chúng em phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Mọi chi phí phải tự lo thay vì có người đại diện, có nhà tài trợ thì nhóm sẽ đỡ vất vả hơn. Nhóm mới thành lập nên show diễn chưa nhiều, nhưng mỗi lần đi diễn cả 5 đứa chúng em cứ như cửu vạn vì ai nấy đều mang vác lỉnh kỉnh đủ thứ đạo cụ. Chúng em cùng một mong muốn để công chúng biết đến nhạc cụ dân tộc nhiều hơn, muốn mang phong cách mới cho nhạc cụ dân tộc và cũng mong khán giả biết đến nhóm nhiều hơn. Nếu nói đến kinh tế thì chúng em đang ở mức “âm”, chủ yếu là lòng đam mê và một cái nhìn về tương lai đầy tự tin.
- Kế hoạch sắp tới của nhóm là gì?
- Cao Hồ Nga: Chúng em đang chuẩn bị cho chuyến tham gia biểu diễn một tuần tại Festival âm nhạc dân gian các nước tổ chức từ ngày 25-4 tại Tây Ban Nha. Sau đó sẽ tập trung tập luyện để biểu diễn tại Festival Huế vào tháng 6-2006 với chương trình biểu diễn 45 phút.
- Chúc các bạn thành công.
VĨNH AN - NHƯ HOA