Đã một tuần qua, VN-Index liên tục dưới mốc 600 điểm. Đến ngày 25-11, thị trường chứng khoán (TTCK) phục hồi hơn 3 điểm, chốt phiên, VN-Index đứng ở mức 585,91 điểm. Tuy nhiên, sang chiều 26-11 TTCK lại “rực lửa” vì 2 sàn nhuộm đầy sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,87 điểm, chỉ còn 576,04 điểm với 175 mã chứng khoán giảm giá, 52 mã đứng giá và 58 mã tăng giá. VN30-Index cũng giảm 6,75 điểm, xuống 616,48 điểm với 125 mã cổ phiếu giảm giá, 161 mã đứng giá và 81 mã tăng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm nhẹ 1,39 điểm, còn 87,54 điểm với 125 mã chứng khoán giảm giá, 161 mã đứng giá và 81 mã tăng giá. HNX30-Index cũng giảm 4,83 điểm, còn 175,26 điểm với 20 mã chứng khoán giảm giá, 4 mã đứng giá và 6 mã tăng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 4.100 tỷ đồng.
Nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại công ty chứng khoán. Ảnh: CAO THĂNG
Thị trường đang phản ứng tiêu cực với thông tin cho vay chứng khoán, nguyên nhân chính do tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư trước Thông tư 36/2014 (TT 36) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành. TT 36 quy định mức cấp tín dụng cho việc đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (NHTM) - được giới đầu tư chứng khoán đón nhận như tín hiệu “siết” lại hạn mức cho vay đầu tư cổ phiếu.
Thực tế cho thấy, khi TT 36 được ban hành vào ngày 20-11, diễn biến TTCK ngày hôm sau 21-11, toàn thị trường đã nhanh chóng chuyển sang sắc “đỏ”. Khá nhiều các mã cổ phiếu lớn giảm giá mạnh như KDC giảm 3,64%, PVD giảm 1,67%, SSI giảm 0,99%, GAS giảm 0,98%... TTCK ngày 21-11 đã chốt phiên với sắc đỏ bao trùm, VN-Index giảm còn 588,03 điểm. Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, diễn biến TTCK ngày 24-11 cũng không tốt hơn, và kéo dài đến ngày 26-11, VN-Index tiếp tục đổ dốc chỉ còn 576,04 điểm. Anh Nguyễn Huy Mạnh, một nhà đầu tư cá nhân lâu năm của sàn chứng khoán FPTS cho biết, anh vẫn cân nhắc rủi ro hơn là giá. “Vẫn chưa thể nói được thị trường sẽ đi theo hướng nào nhưng bản thân tôi chọn giải pháp đứng im trong thời gian này, cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng cắt giảm. Tôi đang rất thận trọng với diễn biến thị trường nên duy trì trạng thái tiền mặt cao trong danh mục” - anh Mạnh cho hay.
Thực chất vấn đề của TT 36 là gì? Theo Công ty CK Rồng Việt (VDSC), TT 36 quy định mức cấp tín dụng cho việc đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của các NHTM, nếu so sánh với quy định cũ (TT 13/2010 của NHNN) không quá 20%, thì cũng không có gì thay đổi lớn, bởi lẽ mức 20% là tính chung cho đầu tư chứng khoán, tức gồm cả trái phiếu và cổ phiếu nói chung. NHNN đã đưa ra con số tính toán cho thấy mức cho vay đầu tư cổ phiếu của các NHTM hiện đang chiếm tỷ lệ khoảng 4% vốn điều lệ. Như vậy, con số 5% không có ý nghĩa siết chặt mà là mang tính định hướng.
Theo VDSC, chính điểm mới của TT 36 - quy định các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không được phép cho vay đầu tư chứng khoán - mới là nguyên nhân chính làm thị trường lo lắng. Thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy, hiện có khá nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, như Techcombank 3%; MBB 3,1%; ACB 3,1%; EIB (3,4%)… Điều đáng nói là trong các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% chắc chắn có một giá trị không nhỏ cho vay đầu tư cổ phiếu. Trước quy định này, nếu các ngân hàng trong diện nợ xấu trên 3% không có các giải pháp giảm nợ xấu sẽ có nguy cơ phải chấm dứt cho vay đầu tư cổ phiếu! Đánh giá về TT 36, chuyên viên phân tích thị trường Lê Hữu Triển của VDSC cho rằng, NHNN vừa thêm một nút thắt để cùng một lúc tác động đến 2 mục tiêu. Thứ nhất, các NHTM phải tích cực xử lý nợ xấu nếu muốn duy trì đầy đủ các nghiệp vụ. Thứ hai, đảm bảo nỗ lực đưa lãi suất về mức thấp để đưa dòng vốn vào sản xuất kinh doanh thay vì đầu cơ lòng vòng trên TTCK mà quá trình tăng giá gấp 2, gấp 3 tại một số cổ phiếu trong năm nay đã khiến “lòng tham” quay trở lại.
Từ sự kiện này, các công ty chứng khoán cũng đồng loạt khuyến cáo: Trường phái đầu cơ, dùng margin (giao dịch mua chứng khoán ký quỹ, có sử dụng tiền vay) cao cần cẩn trọng hơn trong thời gian tới. Bởi lẽ, mặc dù tác động của TT 36 được phân tích là có tác động đa chiều và thậm chí tích cực về ý nghĩa giám sát và định hướng thị trường nhưng các chỉ số Index vẫn lao dốc mạnh. Nhiều cổ phiếu “nóng” như FIT, KLF, FLC... đã bị bán tháo mạnh. VDSC cũng đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên tích lũy cổ phiếu tốt trong các phiên giảm sắp tới (nếu có) bằng tiền của chính mình.
Nhìn xa hơn, có thể thấy những nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng ở Việt Nam sẽ không có tính ổn định vì sử dụng đòn bẩy tín dụng cao, trong đó có TTCK. Chỉ khi nào các nhà đầu tư giảm đi sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng trong đầu tư, TTCK mới không phải chứng kiến những cú sốc mạnh từ việc lao dốc không phanh của VN-Index như thời kỳ từ 1.100 điểm xuống 230 điểm vào năm 2008 và từ 630 điểm xuống 330 điểm trong giai đoạn 2010 - 2012.
NHUNG NGUYỄN