
HLV Đặng Trần Chỉnh đang chỉ đạo các cầu thủ TMN.CSG trong trận gặp HAGL trên sân Pleiku. Ảnh: ANH TIẾN
Vòng 3 V-League, tôi ngồi trên sân Pleiku nhìn ông Chỉnh hò hét trong tuyệt vọng mà thấy thương cho vị “tướng” trẻ từng một thời lẫy lừng của bóng đá Sài Gòn. Bốn ông Tây, Chỉnh lần lượt tung vào hết và cứ liên tục vò đầu. Cầu thủ nội có bao nhiêu Chỉnh xài bấy nhiêu và gặp ai cũng nói “cố đi”. Tôi hiểu hai cái từ “cố đi” của một ông thầy và cũng là của một người anh với những đứa em chưa chín chắn và chưa được dạy dỗ (về chuyên môn) đến nơi đến chốn. Bởi không cố thì còn cái gì nữa để lấy làm niềm tin cho một trận đấu mà “tướng” Chỉnh đã gần như cạn vốn.
Nhìn đầu sân bên này, thấy cả ban huấn luyện hùng mạnh của Hoàng Anh Gia Lai mỗi người mỗi phần việc, tự dưng thấy tội cho Chỉnh ở bên kia dù cạnh Chỉnh vẫn còn Hoàng Bửu, còn Lư Đình Tuấn, còn Hoài Thanh và cả đàn anh Lý Văn Thành.
Một, hai năm trước, cũng khung cảnh này, Thép-Cảng dù có yếu cũng không sợ chủ nhà đến thế. Bây giờ thì họ giống như những người đi buôn cạn vốn và dốc hết cho một canh bạc trên cao nguyên.
Chơi đôi công nhưng không đủ để công.
Phòng thủ chặt nhưng không có những con người để chặt.
Và có lúc, “lính” của Chỉnh đã lầm lẫn với việc “chặt” là đá rát, đá đau đối phương để họ chùn chân. Cái đấy thời Chỉnh còn trên sân, CSG không bao giờ có, kể cả khi sắp xuống hạng.
Khi Thép-Cảng chỉ còn 10 người trên sân và khi Chỉnh đã chấp nhận chơi con bài “được ăn cả, ngả về không” thì Nguyên Quang bị đòn đau và đáp trả mà không cần biết đội mình đang thua. Cái lỗi trước của chủ dẫn đến lỗi sau của khách, nhưng trong bóng đá, lỗi sau và lỗi “nguội” bao giờ cũng là lỗi “chết”.
Khi Nguyên Quang ra sân, thấy Chỉnh buông thõng hết người ngồi phịch xuống khu kỹ thuật. Hết rồi, cạn vốn rồi… Khác hẳn với nụ cười mà chiều hôm trước gặp chúng tôi, Chỉnh còn lạc quan tếu: “Còn bao nhiêu thì đá bấy nhiêu”.
Giám đốc kỹ thuật Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Văn Vinh khá bình thản với từng giây, từng phút và từng thời khắc trong trận chiến 90 phút + 5. Ông Vinh hình như chủ động được từng tình huống qua những diễn biến và qua cái cách ông trò chuyện, ông trao đổi với HLV Chatchai rồi điều chỉnh.
Nhìn ông và nhìn cả ban huấn luyện thấy rất rõ họ nhẹ nhàng hơn đội khách. Không lo toan chuyện hết vốn, cũng không bận tâm chuyện tiền lương, kể cả chuyện dinh dưỡng. Khi mà ở Thép còn phải tính bao nhiêu tiền cho một suất ăn thì Hoàng Anh Gia Lai chỉ tính ăn thế nào cho đủ chất, đủ năng lượng... Và họ mang cái sinh khí ấy đến cả sân bóng.
Trong khi Thép-Cảng trầy trật với phương án làm gì để có vốn thì chủ nhà ngoài chuyện kiếm điểm còn tính đến con người cho giai đoạn hai và cho cả tương lai. Chẳng hạn, cái cách đưa tiền đạo Bờ Biển Ngà vào từ đầu để xem chân, xem cẳng và chấp nhận để Sakda mất suất. Hay việc đưa “gà tre” U-21 Tăng Tuấn vào để tìm lửa trong thời điểm đối phương chỉ tính đến chuyện ghi bàn để gỡ và cưa điểm.
Sau trận đấu, trao đổi với ông Chỉnh thì chỉ nghe ông nói về nỗ lực hết mình của các học trò. Ông Chỉnh nói họ chỉ có thế thôi và trận nào họ cũng cố. Rồi ông thở dài: “Không biết họ cố được đến bao giờ khi ba trận rồi mà không có một đồng vốn”.
Với ông Vinh, tôi không chúc mừng chiến thắng mà họ phải thắng nhưng chỉ chia sẻ với chuyên gia này: “Thắng khó như thế cũng vì thiếu những chân sút đủ quái. Cái thiếu ấy nếu không bổ sung hoặc điều chỉnh kịp thì không thể vô địch”. Ông Vinh đáp lại bằng một giọng nói từ tốn nhưng chắc nịch: “Chúng tôi biết nhưng cứ tin đi, chúng tôi đang đi đúng hướng”.
Cái hướng mà ông Vinh nói chúng tôi hiểu. Họ thắng mà vẫn nuôi lớn và vẫn tích lũy được cho hàng loạt những cầu thủ trẻ của chính cái nôi Gia Lai đào tạo. Hôm ấy, ít ai đề cập đến Anh Kiệt - một cầu thủ trẻ chơi suốt 75 phút thay vai trò của Sakda và chơi một cách trọn vẹn, cho dù Kiệt không có bàn thắng kiểu Tăng Tuấn.
Cũng hôm ấy, nhiều người thấy trên khán đài VIP, một chân sút của Trinidad & Tobago ngồi rất bình thản xem trận đấu như xem chính các đồng đội tương lai của mình vậy.
Hoàng Anh Gia Lai vừa đá, vừa tìm.
Thép-Cảng ra sân chỉ nghĩ rằng có bao nhiêu chơi bấy nhiêu.
Ngày mai, Hoàng Anh Gia Lai ra sân lại tính chuyện tương lai của mình.
Thép-Cảng thì thầy trò đang cạn kiệt với suy nghĩ sống được ngày nào hay ngày đấy!
Có lần ngồi nghe ông Chỉnh tâm sự, thấy ông thèm cái kiểu làm bóng đá như Hoàng Anh Gia Lai làm lắm.
Bây giờ nghĩ lại thấy giật mình, bởi trước đây, người ta ở trên phố Núi xuống Sài Gòn học làm bóng đá.
Giật mình hơn nữa khi Hội thảo Định hướng phát triển thể thao của TPHCM giữa lãnh đạo thành phố và ngành thể thao TPHCM lại nghe có ý kiến: Ở Gia Lai, người ta hợp tác được với Arsenal đào tạo còn ở TPHCM mình thì làm gì?
Cả TPHCM chỉ có mỗi đại diện là Thép-Cảng thôi mà sao thấy tủi thế…
NGUYỄN NGUYÊN