Nếu như khoảng chục năm về trước, thị trường tranh chép từng rất sôi động, không ít chủ phòng tranh làm giàu nhờ vào đó, thì nay thị trường này lại hẩm hiu, bèo bọt, nhất là mảng tranh nghệ thuật, tranh danh họa... Bên cạnh đó, thị trường tranh phong thủy, tranh décor (tranh trang trí) lại được ưa chuộng.
Tranh nghệ thuật mất ngôi
TPHCM có nhiều nơi chép và bán tranh chép nổi tiếng, trong số đó nổi bật nhất là khu Tây ba lô Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão, quận 1. Kế đến là các con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Mạc Đĩnh Chi... Trong khi tranh chép, tranh nhái được quản lý chặt chẽ ở các nước thì ở Việt Nam, du khách có thể dễ dàng sở hữu những bức tranh triệu USD của danh họa thế giới chỉ với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Có nơi còn nhận chép theo đơn đặt hàng, chép cấp tốc theo yêu cầu của khách bất kể thể loại, đề tài, từ cổ điển cho đến đương đại; thậm chí chép cả ảnh chân dung gia đình, bè bạn, nghệ sĩ yêu thích...
Anh Châu Quang Phước, người chép tranh kỳ cựu khu vực đường Bùi Viện, cho biết: “Chỉ riêng khu này đã có tới vài chục phòng tranh. Trước đây nghề chép tranh sống được, nên các phòng tranh nơi đây hàng ngày thu hút, quy tụ hàng trăm thợ vẽ, nhất là sinh viên các trường mỹ thuật. Giá trung bình mỗi bức tranh lúc đó từ vài chục đến vài trăm USD. Nhưng giờ, du khách ít xài tiền hơn còn các phòng tranh thì đua nhau hạ giá. Nhiều nơi giá nào cũng bán, khách trả giá nào cũng “dính”. Bán rẻ còn hơn ngồi không. Nhiều bức chép rất công phu nhưng giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Tranh thì dồn đống, toàn kiệt tác, tha hồ lựa chọn”. Anh Cường, chủ một phòng tranh đường Bùi Viện cười: “Tranh gốc cả triệu USD, tranh chép chỉ vài triệu đồng. Khách cần gì mình vẽ nấy, kể cả hình ảnh về chiến tranh, bìa băng đĩa cũ, chân dung người nổi tiếng...”.
Một phòng tranh chép ở đường Bùi Viện, quận 1, TPHCM
Ngoài giá rẻ, đề tài phong phú, thích hợp làm quà tặng, một trong số lý do khách chọn tranh chép là vì chất liệu sơn dầu trên bố có thể treo hàng chục năm chưa suy suyển. Phong phú nhất, với mảng tranh Việt Nam là phong cảnh sinh hoạt làng quê, chùa chiền, chợ búa, phố xá, xích lô, cảnh tắc đường, kẹt xe hối hả, chân dung thiếu nữ, người dân tộc... Tranh các nước thì hầu như không thiếu tác phẩm của danh họa lừng lẫy nào như Picasso, Gauguin, Van Gogh, Klimt, Manet, Monet, Degas, Cezane, Matisse, Botero… “Vua chép tranh” Trần Anh Trụ, người nổi tiếng chép các bức tranh cổ điển, cho biết, trước đây ông từng nhận được hàng trăm đơn hàng mỗi ngày, sao chép hầu hết các bức tranh nổi tiếng nhất của các họa sĩ trong và ngoài nước. Ông quan niệm: “Người chép tranh không phải kẻ ăn trộm tác quyền, mà ngược lại là những người quảng bá, đưa những bức tranh ấy đến với rộng rãi công chúng yêu hội họa”.
Đưa nhau vào chốn... mịt mù
Vợ chồng chị V.A., chủ phòng tranh lâu năm ở đường Bùi Viện cho hay: “Giá thuê nhà ngày càng tăng, trong khi giá tranh ngày càng giảm. Chúng tôi vừa làm chủ vừa làm công, cụ thể bức nào chép được thì tự chép luôn mới trụ nổi. Có khi cả tuần mới bán được vài bức, còn tiền nhà thì luôn canh cánh. Không ít phòng tranh mở luôn lớp dạy vẽ, dạy chép để kiếm thêm thu nhập”. Chủ phòng tranh tên Thục chỉ bức Hoa Diên Vỹ của danh họa Van Gogh nói: “Cách đây vài năm cũng bức tranh khổ 60x80cm bán được khoảng 50-60 USD thì hiện nay chỉ có 500.000 đồng mà khách còn trả giá lên xuống”.
Thế nhưng ngoài yếu tố khách quan như kinh tế suy thoái, cái chết của thị trường tranh chép Việt Nam còn ở chỗ mạnh ai nấy tùy tiện nâng và hạ giá; dùng sơn dầu rẻ tiền để chép nên tranh mau xuống màu; đề tài cũ, sáo mòn... Tranh Việt Nam quanh đi quẩn lại cũng chỉ cây đa, bến nước, con đò, trẻ chăn trâu, áo dài, phố cổ Hà Nội, Hội An, chùa Một Cột... Một chủ phòng tranh tên Tiến nói: “Hễ thấy bức nào bán được thì lập tức cả phố đua nhau chép hàng loạt, trưng ra mặt tiền và bắt đầu chiến dịch giảm giá để cạnh tranh. Bao nhiêu năm nay vẫn thế, với từng ấy đề tài”.
Anh Châu Quang Phước nói: “Tranh chép đa số vốn khô khan, vô hồn, chỉ chép được cái bên ngoài, không chuyển tải được cái thần, cái hồn ở bên trong, bởi người chép phần lớn làm để kiếm sống, rất tỉ mẩn, cực khổ nhưng tiền công lại rẻ bèo nên chỉ chép cho nhanh, cho xong, không hứng thú”. Chính vì thế, có thể thấy khách không ngại đi qua hàng chục phòng tranh, săm soi, chọn lựa chỗ nào chép đẹp và rẻ nhất, rồi còn kỳ kèo trả giá. Họ đã nhận thấy sự chụp giật, èo uột đằng sau những sắc màu sặc sỡ. Chủ một phòng tranh tên Dũng nói: “Họa sĩ Việt Nam phần đông không sống được bằng nghề. Bạn bè tôi không ai sống nhờ tranh nên toàn làm nghề khác, riêng tôi mê nghiệp vẽ nên chọn chép tranh để sống”.
Vài người nước ngoài thấy tranh chép Việt giá rẻ nên họ tự đưa mẫu, đặt hàng, rồi mang tranh sang các nước khác bán cho một bộ phận người yêu hội họa, thích các danh tác nhưng không có tiền mua tranh thật. Chủ phòng tranh nào nhận được một hoặc vài mối như thế coi như “trúng”, tuy không nhiều tiền nhưng lấy số nhiều làm lời, đầu ra ổn định, không quá lo lắng về tiền thuê mặt bằng.
Được biết, có người mỗi tháng xuất xưởng được hàng trăm bức tranh, trong đó có tranh của các họa sĩ gạo cội của nền mỹ thuật Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... tranh của các họa sĩ nổi tiếng hiện nay như Nguyễn Thanh Bình, Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo... tạo thành một vệt tranh giả, tranh nhái, ít nhiều làm nhiễu loạn thị trường tranh Việt Nam vốn non trẻ, yếu ớt. Một số chủ phòng tranh cho biết đang chuyển hướng kinh doanh mảng tranh sáng tác và được các họa sĩ trẻ ủng hộ, ký gửi tranh ngày càng nhiều. “Tranh sáng tác dù không xuất sắc cũng đáng hãnh diện hơn và giá cũng không quá cao, có khi vài trăm USD, những bức nhỏ thì vài chục USD cũng bán. Khách Tây ba lô phần nhiều không giàu, đi du lịch bụi với cái ba lô trên lưng, mua chai nước suối cũng trả giá huống hồ là tranh” - anh Lộc, chủ phòng tranh khu Nam Kỳ Khởi Nghĩa nói.
|
SONG PHẠM