* Chuyên gia của WHO khuyến cáo tiêm chủng vaccine sởi
(SGGP).- Trước nguy cơ dịch sởi bùng phát trở lại trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc phải phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ. Các bệnh viện chủ động trong công tác điều trị người bệnh, hạn chế việc lây nhiễm trong bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để cộng đồng cùng đồng hành, hợp tác với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, công tác tiêm chủng nói riêng. Cùng với đó, nhằm hạn chế tối đa việc lây lan và bùng phát dịch trở lại trong những ngày nghỉ lễ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế việc tập trung tại những chỗ đông người, đặc biệt là những người đang có dấu hiệu của bệnh nên tránh đến những nơi này để hạn chế việc lây lan dịch sởi ra cộng đồng.
Về phía Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết, số bệnh nhân sởi nhập viện trong những ngày cuối tháng 4 đã giảm hơn nhiều so với dịp đầu tháng. Tuy nhiên vẫn rất đáng lo ngại khi số bệnh nhân đang điều trị giảm không rõ rệt, chủ yếu là những bệnh nhân nặng phải điều trị dài ngày. Thống kê cho thấy, tại Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn đang có trên 240 bệnh nhân sởi đang điều trị, Bệnh viện Bạch Mai có 65 trường hợp và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có trên 85 ca.
Cũng liên quan tới tình hình dịch sởi, trong cuộc trao đổi với báo chí, TS Kohei Toda, chuyên gia Tiêm chủng mở rộng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, WHO rất quan tâm đến tình hình dịch sởi hiện nay tại Việt Nam vì dịch sởi ở Việt Nam lây lan thông qua các nhóm trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, hoặc ở những trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng. Sởi là một căn bệnh rất dễ lây, nó có khả năng lây lan rất nhanh ở những người không có miễn dịch hoặc không được tiêm phòng. Do đó, để ngăn chặn sự lan rộng của dịch sởi, mỗi quốc gia cần đạt ít nhất 95% trẻ em có miễn dịch với hai mũi vaccine sởi. TS Kohei Toda nhấn mạnh, một vấn đề cần lưu ý là đã có một số lượng lớn các trường hợp nặng tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội và nhiều em đã tử vong vì mắc sởi trên nền các bệnh như bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, dị tật bẩm sinh. Trước tình hình nghiêm trọng này, WHO đã tiến hành xem xét những diễn biến bất thường của dịch sởi ở Việt Nam trong thời gian qua. Qua đó cho thấy, dịch diễn biến phức tạp với trẻ em dưới 5 tuổi, chủ yếu chưa được tiêm vaccine nên kháng thể đề kháng rất yếu. TS Kohei Toda cũng chỉ rõ biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là cần phải bảo đảm trẻ em từ 9 tháng tới 14 tuổi được tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ. Cha mẹ cần phải đưa con em đi tiêm vaccine để tránh dịch bệnh lây lan càng sớm càng tốt, nhất là ở những trẻ chưa được tiêm chủng.
QUỐC LẬP
| |
>> Cả nước có trên 10.000 ca nghi mắc sởi