Đến thủ đô Bắc Kinh thời gian này hẳn du khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy thành phố bây giờ đã bớt đi vẻ nhộn nhịp về đêm. Trên các con phố đã biến mất những biển quảng cáo rực ánh đèn mời chào khách mua xe Limousine thời thượng, mua nhẫn vàng gắn kim cương, những nhãn hàng thời trang ngoại nhập nổi tiếng toàn cầu… Dễ hiểu là vì kể từ ngày 1-4, luật ngăn cấm quảng cáo ngoài trời các mặt hàng xa xỉ của chính phủ bắt đầu có hiệu lực. Bất cứ ai vi phạm lệnh cấm trưng quảng cáo hàng xa xỉ trên đường phố sẽ chịu phạt 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4.600 USD). Theo Tân Hoa Xã, đây là một trong những giải pháp của chính quyền nhằm loại bỏ sự căng thẳng xã hội ngày càng tăng do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, dẫn tới sự phân tầng rõ rệt giữa người giàu và người nghèo.
Việc thiếu vắng các bảng hiệu quảng cáo nhiều mặt hàng dường như làm nhịp sống “chậm” hơn. Nhưng đã là luật thì mọi người dân đều phải chấp hành, tuy chưa biết luật mới của chính phủ có thực sự ngăn được dòng người đổ về các cửa hàng xa xỉ để mua sắm hay không. Nhiều bài bình luận trên các báo Trung Quốc đã đưa ra một số nhận định cho rằng còn sớm để nói chủ trương mới ở Trung Quốc sẽ thay đổi tận gốc thị trường hàng hóa cao cấp, hoặc thậm chí xóa bỏ thị trường này. Từ xưa đến nay, hàng hóa cao cấp thường được quảng cáo qua sách báo, tạp chí, Internet, nó hoàn toàn không quá phụ thuộc vào các biển quảng cáo ngoài trời. Hứng chịu sự ảnh hưởng lại có khả năng là các loại hàng trung cấp mà nhà quảng cáo muốn tâng bốc như đồ sang trọng. Nhận định khác thì lại cho rằng động thái của chính quyền Trung Quốc chỉ có thể thúc đẩy phát triển thương mại các thương hiệu cao cấp, vì sự cấm đoán thường tạo ra hiệu ứng ngược.
Theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Thượng Hải, Trung Quốc có hơn 800.000 người có tài sản cá nhân trị giá hơn 1,5 triệu USD. Nhờ vào nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tổng GDP của Trung Quốc đã tăng 24 lần từ con số 778 tỷ NDT (11 tỷ USD) năm 1987 đến 39.000 tỷ NDT (6.000 tỷ USD) đến nay. Chỉ riêng trong năm 2010, người Trung Quốc đã chi vào việc mua hàng hóa cao cấp gần 9,5 tỷ USD (1/3 số tiêu thụ toàn cầu). Đây là con số của Hiệp hội Thế giới về các sản phẩm cao cấp World Luxury Association.
Như vậy, chẳng bao lâu nữa Trung Quốc có thể trở thành nhà tiêu thụ lớn nhất trên thế giới các sản phẩm cao cấp. Vào thời điểm này, châu Âu là châu lục đi đầu về tiêu thụ hàng cao cấp. Nhưng thị trường châu Âu không phát triển, khác với Trung Quốc là thị trường tiềm năng to lớn. Nhiều thương hiệu đang xem xét Trung Quốc là thị trường triển vọng nhất. Ở nhiều quốc gia châu Âu, số cửa hàng Louis Vuitton chỉ có một vài, còn ở Trung Quốc đã có 36 cửa hàng của hãng này.
Trong khi đó, theo thống kê chính thức, hơn 150 triệu người Trung Quốc đang sống dưới mức nghèo khổ, với thu nhập ít hơn 1 USD/ngày. Và theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc trong tương lai sẽ càng nới rộng. Luật mới ban hành nên chưa thể nói trước tính hiệu quả. Nhưng dù sao, việc có một biện pháp ngay thời điểm này cũng là một việc rất cần thiết trong bối cảnh sự chênh lệch giữa giàu và nghèo trong xã hội Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.
PHƯƠNG NAM