Sự phát triển ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế ở Hàn Quốc có đối tượng tham gia là trẻ em đã tạo ra những ngôi sao nhí. Bỗng dưng được săn đón, được giới truyền thông chú ý khiến cuộc sống của các em bị đảo lộn.
Đề cập đến vấn đề nên tạo ra những sân chơi giải trí mang tính lành mạnh cho trẻ em, tờ Korea Times cho rằng việc nổi tiếng quá sớm khiến các “sao nhí” không hề cảm thấy thoải mái. Thành công từ chương trình Bố ơi, chúng ta đang đi đâu? của Đài MBC đã mở màn cho hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế có đối tượng trẻ em ra đời sau đó. Trong Bố ơi, chúng ta đang đi đâu?, nhân vật đóng vai bố là những nghệ sĩ nam nổi tiếng và con của họ là các em bé được nhà đài tuyển chọn cùng tham gia chương trình. Nhân vật sẽ cùng tham gia cắm trại và hoàn thành những nhiệm vụ của chương trình. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sẽ có nhiều tình huống gây cười được nhà đài ghi lại. Sau Bố ơi, chúng ta đang đi đâu?, Đài KBS tung ra hàng loạt chương trình như Siêu nhân trở lại, trong đó khai thác cuộc sống gia đình của những ông bố nổi tiếng hay Chào bé con với sự tham gia của các nghệ sĩ nam trẻ tuổi, chưa lập gia đình.
Hiện tượng nhà đài thu lợi nhuận rất cao từ những chương trình này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu các đài truyền hình có đang khai thác sức lao động của đối tượng trẻ em nhằm mục đích tăng lượng người xem? Bên cạnh đó là việc các em sẽ phải hứng chịu những lời chỉ trích trên các diễn đàn, đối tượng bị bêu xấu trên mạng xã hội. Lý do là vì mức độ phủ sóng rộng khắp của các chương trình truyền hình khiến khán giả khi xem chương trình luôn dành tình cảm rất cá nhân cho các em. Họ bình luận, yêu ghét theo cảm tính của riêng mình. Ví dụ từ trường hợp của Yoon Ho, một em bé 8 tuổi trở nên nổi tiếng, khi đóng vai con của ca sĩ Yoon Min-soo trong Bố ơi, chúng ta đang đi đâu? Nhưng gần đây đã trở thành mục tiêu bị tấn công trên Internet chỉ vì một số người theo dõi chương trình cảm thấy em “đáng ghét”.
Ông Kim Yeo-ra, nhà nghiên cứu tại Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Hàn Quốc, cho rằng việc thiếu bảo vệ pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới độ tuổi làm việc trên truyền hình đã tạo những kẽ hở trong việc vô tình làm các em đánh mất tuổi thơ. Ở Hàn Quốc đã có quy định mang số 45 yêu cầu các đài truyền hình phải bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên xuất hiện trên những chương trình của họ nhưng lại không nêu biện pháp bảo vệ cụ thể hay mức phạt nếu không theo quy định này. Trong khi đó, ở các đài truyền hình nước ngoài như BBC có quy định chặt chẽ liên quan đến trẻ em làm việc trong ngành truyền thông. Chẳng hạn như bảo vệ thông tin cá nhân, những hạn chế về thời gian làm việc. Ông Kim Yeo-ra cho rằng Hàn Quốc cần có một khung pháp lý cụ thể hơn để bảo vệ các quyền của trẻ em trên truyền hình, đảm bảo việc các em luôn được giáo dục thích hợp và không được tiếp xúc quá mức với các phương tiện truyền thông.
PHƯƠNG NAM