Vào một buổi tối thứ tư ở thủ đô Seoul, 6 nhân viên giáo dục đi tuần tra ban đêm. Họ có nhiệm vụ tìm kiếm và ngăn chặn “cơn nghiện” của những học sinh vào việc học thêm (hagwons).
Cha Byoung-chul, cán bộ giáo dục quận Gangnam, Seoul, ray rứt kể: lúc ấy khoảng 23 giờ, đội tuần tra của ông phát hiện 10 học sinh chen chúc nhau học trên gác mái trường học. Cha trấn an họ trong bóng tối: “Sai phạm là ở hagwons. Các cháu có thể về”. Nhưng, đêm đó họ chỉ giải thoát được 10 trong số 4 triệu học sinh đang bị “bóc lột” trí não hàng đêm.
Theo tạp chí Time, ngăn chặn học thêm quá sức là một phần trong nhiệm vụ chế ngự “giáo dục khổ sai” ở xứ Kim chi. Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố trong bài nhậm chức năm 2008: “Nền giáo dục chỉ chăm chăm vào cánh cửa đại học là điều không thể chấp nhận”.
Nhưng đó lại là thực tế ở Hàn Quốc và gần như khắp châu Á. Năm 2010, 74% số học sinh Hàn Quốc tham gia học thêm. Chi phí trung bình mỗi em 2.600 USD/năm. Từ năm 1980, Hàn Quốc đã ra lệnh cấm học thêm. Nhưng đến nay, làn sóng này còn mạnh mẽ hơn.
Hiện tại hàng năm người dân Hàn Quốc dành số tiền tương đương 2% GDP cho học thêm. Mức giảm chỉ khiêm tốn ở con số 3,5% trong năm 2010 kể từ năm 2007, năm đầu tiên chính phủ theo dõi chi phí học thêm. Số giáo viên dạy thêm thậm chí nhiều hơn giáo viên ở trường. Nhiều giáo viên kiếm hàng triệu USD/năm nhờ dạy thêm, hoặc mở lớp học trực tuyến để tránh lệnh giới nghiêm.
Có thể học sinh nước này dành phần lớn thời gian để học, ngoại trừ lúc ngủ. Thời khóa biểu điển hình là học từ 8 giờ sáng đến 22 giờ hoặc 1 giờ sáng hôm sau, tùy theo tham vọng của học sinh và phụ huynh.
Một học sinh cho biết: “Các bạn lớp tôi cạnh tranh với nhau thay vì giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Nhưng, thật khó biết ai là đối thủ thật sự trong cuộc đua này, học sinh hay cha mẹ? Các bậc phụ huynh Hàn Quốc không thể an tâm khi nhìn thấy bạn bè con mình học thêm mỗi lúc một đông.
Nếu nhìn thoáng, nền giáo dục như Hàn Quốc thật tuyệt vời, khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng than phiền rằng học sinh Hàn Quốc đang bỏ xa học sinh Mỹ phía sau. Nếu không có nền giáo dục nhồi nhét, “rồng” Hàn Quốc không thể chuyển mình thành cường quốc kinh tế (hiện là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới).
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc lại lo ngại: nếu nền giáo dục không đổi mới thì tăng trưởng kinh tế sẽ sa lầy. Thêm vào đó, tỷ lệ sinh con ở nước này liên tiếp giảm do phụ huynh gặp khó khăn tài chính vì đầu tư giáo dục cho con. Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho chia sẻ: “Người Mỹ nhìn thấy tương lai tươi sáng ở hệ thống giáo dục nước tôi. Nhưng, chúng tôi lại không hài lòng với nó”.
Những người tạo ra “tương lai đất nước” đang quyết tâm cải cách tận gốc rễ nền giáo dục. Các giáo viên và hiệu trưởng phải trải qua sự đánh giá nghiêm ngặt từ ý kiến của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Ai không đủ tiêu chuẩn sẽ được đào tạo thêm. Giáo dục bằng đòn roi bị cấm triệt để.
Các trường trung học uy tín hoặc giảng dạy bằng ngoại ngữ đã bỏ tổ chức thi tuyển sinh riêng. Học sinh vào trung học được đánh giá toàn diện trong cấp học và qua một buổi phỏng vấn. 500 quan chức phụ trách tuyển sinh được bổ nhiệm vào các trường đại học với nhiệm vụ đánh giá sinh viên không chỉ qua điểm số mà còn qua năng lực…
THANH HẢI