Gần đây, rất dễ nhận thấy trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc hình ảnh trực quan chuyển tải thông điệp cảnh báo cạn kiệt nguồn năng lượng hạt nhân của nước này.
Mục đích nhằm kêu gọi người dân Hàn Quốc có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn trước viễn cảnh khủng hoảng hạt nhân có thể xảy ra ở Hàn Quốc trong tương lai gần.
Hàn Quốc nhập khẩu 97% nhu cầu năng lượng, là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản. Năm 2011, Hàn Quốc chi 170 tỷ USD để nhập khẩu năng lượng, chiếm 1/3 mức chi cho nhập khẩu trên cả nước. Nếu không có 23 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động thì Hàn Quốc phải tốn thêm 20 tỷ USD nữa để nhập năng lượng bù vào.
Khó khăn của Hàn Quốc còn vướng ở Hiệp định Hạt nhân dân sự Mỹ-Hàn Quốc ký kết tháng 6-1974. Theo đó, cấm Seoul làm giàu uranium và tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng nếu không có sự đồng ý của Washington. Đây được cho là biện pháp của Mỹ nhằm thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và Seoul không thể được đặc cách ở ngoài sự chi phối này. Hàn Quốc đề nghị nước này được quyền làm giàu uranium và tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở nồng độ thấp nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhiên liệu hạt nhân, trong khi các bãi chứa chất thải hạt nhân đang dần đến hồi quá tải khiến nước này chịu nhiều tổn thất vì vừa phải nhập nhiên liệu hạt nhân vừa phải khắc phục các tác động về môi trường tại các bãi chứa chất thải hạt nhân.
Không chỉ đối mặt với sức ép từ quốc tế, chính quyền Hàn Quốc còn gặp rắc rối từ những bê bối giấy chứng nhận giả liên quan đến công nghệ điện hạt nhân. Năm 2013, các quan chức Hàn Quốc đã phát hiện 277 chứng nhận giả mạo trong số 22.000 giấy chứng nhận an toàn cho những linh kiện sử dụng trong 20 lò phản ứng hạt nhân. Cùng thời điểm, một cuộc điều tra khác đối với 218.000 giấy chứng nhận an toàn cho các linh kiện của 8 lò phản ứng hạt nhân có 2.010 giấy giả mạo. Hơn 10 năm qua, có 128 vụ các lò phản ứng hạt nhân ở nước này phải ngừng hoạt động vì các linh kiện bị lỗi.
Hàn Quốc đứng vị trí thứ năm trên thế giới, xét về mức tiêu thụ năng lượng điện hạt nhân. Tham vọng của chính quyền nước này không dừng lại ở đó mà còn nhắm đến mục tiêu trở thành quốc gia xuất khẩu công nghệ nhà máy điện hạt nhân ra thế giới. Nước này đang trong quá trình hoàn thành hợp đồng đã ký năm 2009 với Các tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) để cung cấp 4 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ có công suất 1.400MW trước năm 2020 trị giá 20 tỷ USD. Đây là hợp đồng xuất khẩu lò phản ứng đầu tiên của Hàn Quốc để mở ra triển vọng cho ngành xuất khẩu mà nước này đã có nhiều kinh nghiệm.
Hiện có khoảng 430 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 31 quốc gia. Đến năm 2050, con số này được kỳ vọng đẩy lên đến 1.000 lò trong bối cảnh các nguồn dự trữ dầu dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng 50 năm tới. Trên thế giới có 6 nước có khả năng xây dựng và xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân là Mỹ, Pháp, Canada, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì thế, nước nào thiết lập được uy tín về độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân cao nhất thì sẽ giành ưu thế trước tiên trong ngành công nghiệp này.
NHƯ QUỲNH