Khi Chang Hye-Jin buông dây cung, bắn ra mũi tên quyết định để đánh bại Lisa Unruh (Đức) với điểm số 29-27 trong ván đấu cuối cùng, qua đó, đã giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 6-2. Điều đó có nghĩa là, tấm HCV ở môn bắn cung nội dung cá nhân nữ ở đấu trường Olympic đã chính thức đổi chủ, dù vậy, điều đó vẫn không ảnh hưởng gì đến cục diện chung, vì chiến thắng đã chuyển từ một cung thủ Hàn Quốc sang… một cung thủ Hàn Quốc khác. Thần tiễn Hàn Quốc vẫn chứng tỏ sự bá đạo của họ trong môn bắn cung Thế vận hội.
Chang Hye-Jin - thần tiễn Hàn Quốc.
Ở vòng đấu bán kết, “trận nội chiến Hàn Quốc” giữa ĐKVĐ Ki Bo-Bae (HCV Olympic London 2012 trong các nội dung cá nhân và đồng đội nữ, ĐKVĐ thế giới) với Chang đã diễn ra hết sức căng thẳng. Chang đã giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 7-3, chính thức biến Ki trở thành cựu vô địch Olympic. Trong trận đấu chung kết, nếu Chang thua, sự thống trị của thần tiễn Hàn Quốc sẽ chấm dứt, nhưng điều đó đã không xảy ra, khả năng bắn cung của Chang đã đạt đến độ “xuất thần nhập hóa, bách phát bách trúng”, cô thắng cung thủ Đức vốn là chuyện “thiên kinh địa nghĩa”, chẳng có gì đáng để bàn cãi cả (ở trong ván đấu cuối cùng, Chang đã “buông ra” 2 mũi tên hoàn hảo ghim trúng hồng tâm, đạt điểm 10). Với chiến thắng này, làng cung thủ Hàn Quốc đã sở hữu 3/4 HCV ở Olympic Rio de Janeiro 2016, họ vẫn phải chờ kết quả ở nội dung cá nhân nam, với 2 niềm hy vọng hàng đầu là Ku Bon-Chan và Lee Seung-Yun. Tuy nhiên, nhiều khả năng 1 trong 2 cung thủ người Hàn Quốc cũng sẽ giành chiến thắng, vì rằng, 2 anh này đã giúp cho đội tuyển nam của Hàn Quốc giành được tấm HCV ở nội dung đồng đội nam trước đó (thắng tuyệt đối tuyển Mỹ với tỷ số 6-0 trong trận đấu chung kết).
“Sau khi đánh bại Ki ở bán kết… tôi cảm thấy mình có rất nhiều trách nhiệm đối với đất nước Hàn Quốc, vì thế, tôi cảm thấy mình nên chơi với khả năng tốt nhất để giành chiến thắng trong trận đấu chung kết này”, Chang cho biết. Ki từng đánh bại Aida Roman (Mexico) trong trận chung kết tranh tấm HCV hồi 4 năm trước, giờ đây, cô phải nhường lại tấm HCV cho một đối thủ đồng hương – kiêm đồng đội cô trong đội hình tuyển nữ Hàn Quốc cũng đã thắng tấm HCV nội dung đồng đội nữ trước đó – một cách “tâm phục khẩu phục”. Ki cũng đã giành được HCĐ khi đánh bại Alejandra Valencia (Mexico, người từng “hủy diệt” một đồng đội của Ki là Chiu Mi-Sun với chiến thắng khủng khiếp 6-0 ở tứ kết).
Thần tiễn Hàn Quốc đã “làm mưa, làm gió” ở đấu trường Olympic suốt nhiều năm nay. Ở London hồi 4 năm về trước, họ thắng 3/4 HCV, chỉ “để lọt” chiến thắng ở nội dung đồng đội nam khi xếp hạng 3 chung cuộc, giành HCĐ (HCV thuộc về đội cung thủ nam Italia).
Trước đó, ở Beijing 8 năm trước, Hàn Quốc thần tiễn cũng đã thắng 2/4 HCV, trong các nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ. Trong nội dung cá nhân nữ, Hàn Quốc có đến 2 cung thủ lọt đến bán kết (1 cung thủ còn lại cũng đến từ bán đảo Triều Tiên, đó là nữ VĐV Kwon Un Sil của CHDCND Triều Tiên). Tuy vậy, ở giải đấu khi mà các trận đấu không chia thành từng ván đấu nhỏ như hiện nay, Zhang Juan-Juan của Trung Quốc đã đánh bại Park Sung-Hyun với điểm số sát sao 110-109 để giành chiến thắng.
Trước đó nữa, ở Athens 2004, thần tiễn Hàn Quốc cũng đã thắng 3/4 HCV (chỉ “để lọt” ở nội dung cá nhân nam khi không có một đại diện nào thuộc tốp 3). Ở Sydney 2000, thần tiễn Hàn Quốc cũng đã thắng 2/4 HCV… Trong quá khứ, lần duy nhất thần tiễn Hàn Quốc chỉ thắng 1 tấm HCV đó là ở Los Angeles 1984, nhưng khi đó, môn bắn cung chỉ có 2 nội dung thi đấu là cá nhân nam và cá nhân nữ.
Những ai từng mơ mộng đến tài bắn tên điêu luyện của “thần tiễn thủ” Legolas trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn, của “vua trộm” Robin Hood trong văn học dân gian Anh, của Hậu Nghệ trong thần thoại Trung Quốc, đừng tin những gì mình đã xem hay đã đọc. Vì thần tiễn thủ, chắc chắn phải xuất phát từ đất nước Hàn Quốc kiên cường…
ĐỖ HOÀNG