Hàng giả - vấn nạn và những thách thức

Những con số biết nói
Hàng giả - vấn nạn và những thách thức

Theo thống kê chưa đầy đủ, thị trường hàng giả trên toàn cầu và các sản phẩm nhái, giả có doanh thu bình quân 500 tỷ euro mỗi năm. Theo Tổ chức Thương mại Quốc tế (ICC), sự tăng trưởng thị trường hàng giả là mối đe dọa khủng hoảng chủ yếu đối với tiến trình toàn cầu hóa của kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả đang thách thức sự tăng trưởng lành mạnh của bức tranh kinh tế trong nước giai đoạn “hậu hội nhập” xu thế toàn cầu.

Những con số biết nói

Hàng giả - vấn nạn và những thách thức ảnh 1

Lực lượng QLTT TPHCM bắt quả tang cửa hàng kinh doanh giày giả nhãn hiệu Nike. Ảnh: M.N.

Tại Việt Nam, trong năm qua Cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã công bố hàng ngàn mẫu hàng giả, hàng nhái được xác minh, tịch thu. Chỉ tính đến tháng 6-2007, lực lượng Cảnh sát Điều tra (CSĐT) tội phạm kinh tế cũng đã lập 3.700 hồ sơ cá nhân đối tượng sản xuất buôn bán hàng giả.

Trong 5 năm (2002 - 2007), lượng hàng hóa giả đã bị bắt giữ bao gồm: 25.450 chai rượu các loại, 8 tấn bột ngọt, 85.000 tấn xi măng, 25 tấn mỹ phẩm các loại, 35 triệu cơ số thuốc tân dược, 50.000 chai bia, nước ngọt, đồ uống, 19 tấn bánh kẹo v.v… Đây là những “con số biết nói” làm đau đầu các nhà sản xuất kinh doanh chân chính.

Ngoài ra, vấn nạn này còn là một thực trạng nan giải đối với các cơ quan chức năng và trở thành thiệt hại lớn chưa kiểm tính hết liên quan đến hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Hầu hết, hàng giả xuất hiện ở tất cả mọi lĩnh vực, từ những sản phẩm hàng hóa có giá trị rất thấp như hộp diêm, cây con giống, nén nhang, gói bột màu đến những hàng hóa mang trị giá cao như hàng may mặc, đồ gia dụng, sắt, thép, thuốc bảo vệ thực vật, phụ tùng xe máy, điện tử, điện lạnh.

Một cán bộ chuyên trách thuộc Chi cục QLTT TPHCM cho biết: “Nạn sản xuất kinh doanh hàng giả diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Không chỉ sản xuất trong nước mà còn đưa từ nước ngoài vào Việt Nam với nhiều chủng loại khác nhau. Rõ ràng, đây là một hồi chuông đáng báo động đối với toàn cộng đồng!”.

Khó khăn của cơ quan chức năng

Hàng giả - vấn nạn và những thách thức ảnh 3
Hàng giả - vấn nạn và những thách thức ảnh 5

Nhiều chuyên gia về sở hữu trí tuệ cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của lực lượng chống hàng giả là chưa thực sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và địa phương. Ngay cả Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa được ban hành ngày 1-7-2000 đến nay vẫn còn nhiều địa phương chưa thông suốt.

Trong một số trường hợp xử lý vi phạm, mức phạt còn quá nhẹ so với hành vi sai phạm nên chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối tượng làm hàng giả.

Một vấn đề đáng ghi nhận là không chỉ doanh nghiệp, các nhà sản xuất chân chính “đau khổ” vì nạn vi phạm hàng nhái, hàng giả mà ngay cả cơ quan chức năng cũng “quá tải” trong công tác ngăn chặn và xử lý.

Thực tế cho thấy kết quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao.

Một trong những nguyên nhân là việc triển khai các mặt công tác nghiệp vụ để phát hiện, điều tra xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đã được quy định trong Bộ luật Hình sự nhưng chưa có hướng dẫn xử lý về hình sự. Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ hướng dẫn về Luật SHTT quy định hành vi xâm phạm quyền SHCN cũng chỉ bị xử lý khi đã được chủ sở hữu có khuyến cáo bằng văn bản nhưng vẫn không chấm dứt hành vi xâm phạm (điểm b, khoản 2, Điều 1).

Trong khi các đối tượng vi phạm lại dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như trốn tránh các cơ quan chức năng, thay đổi liên tục vị trí sản xuất hàng giả trong tình hình số lượng nhân sự và trình độ nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng QLTT còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng này, có thể nói việc chống hàng giả đang đi vào những “mê hồn trận” chưa có “lối thoát”!

Cần nhiều biện pháp tích cực

Trước vấn nạn nêu trên, làm cách nào để triệt tiêu hàng giả, hàng nhái tận gốc lại một lần nữa trở thành câu hỏi chung, cần nhận được giải đáp từ cả cộng đồng.

Theo ông Phan Minh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền SHTT của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VACIP) cho rằng “Cơ quan quản lý Nhà nước nên hoàn thiện hệ thống luật pháp và thực thi bảo hộ đúng bản chất của quyền SHTT – đó là bảo hộ quyền chứ không bảo hộ sản phẩm có liên quan.

Do vậy, việc các cơ quan thực thi đem từng sản phẩm đi giám định có phải là hàng hóa xâm phạm quyền SHTT hay không là không cần thiết. Chỉ có hành vi mới có thể xâm phạm quyền. Sản phẩm là vật vô tri nên không thể xâm phạm quyền của người khác được. Nó chỉ chứa yếu tố liên quan (yếu tố xâm phạm quyền) để từ đó các cơ quan thực thi có thể xem xét là hành vi đó có xâm phạm quyền SHTT hay không”.

Ngoài ra, lợi thế của các cơ quan ngôn luận nhằm tạo ra diễn đàn minh bạch về chống hàng giả. Chính người dân sẽ là “kênh thông tin” hữu hiệu để chống các vi phạm trong lĩnh vực này. Mới đây, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng chính thức công bố đề xuất Chính phủ xây dựng “Quỹ chống hàng giả” nhằm phục vụ nhu cầu công tác giám định, tiêu hủy, bảo quản hàng giả.

Tuy nhiên, trên mặt trận chống hàng giả muốn thành công thì phải có sự hợp tác chặt chẽ nhiều thành phần từ nhà sản xuất – cơ quan Nhà nước – cơ quan báo chí đến người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi phát hiện sản phẩm của mình bị nhái, giả thì nên mạnh dạn đề xuất xử phạt theo đúng pháp luật hiện hành. Các doanh nghiệp cũng cần tự bảo vệ bằng cách tham gia đăng ký bảo hộ SHCN đối với sản phẩm của mình, áp dụng biện pháp kỹ thuật tân tiến trong sản xuất để hạn chế bị làm giả cùng với dán tem chống giả.

Về phía người tiêu dùng, trước khi quyết định mua sắm hàng hóa, mọi người cần thận trọng tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như thường xuyên theo dõi thông tin sản phẩm trên báo, đài. Việc tích cực phát hiện những nơi sản xuất và buôn bán hàng giả sẽ là biện pháp đắc lực hỗ trợ phong trào bảo vệ người tiêu dùng cũng như đảm bảo quyền lợi của những nhà sản xuất - kinh doanh chân chính.

Anh Trinh – Tường Minh

Tin cùng chuyên mục