Hàng không vẫn an toàn

Cuối năm, lượng khách đi lại tăng cao trên phạm vi toàn cầu, trong đó đáng chú ý là số khách sử dụng đường hàng không. Bước lên một phương tiện vận chuyển nào đó đồng nghĩa với việc hành khách phải phó thác số phận của mình cho người điều khiển. Sau tàu lửa, máy bay được xem là phương tiện chuyên chở hành khách lớn thứ nhì trên thế giới. Vì vậy, tai nạn máy bay đồng nghĩa với việc thiệt hại một số lớn sinh mạng hành khách.

Theo Tổ chức an toàn hàng không thế giới, năm 2011 là năm có số người chết trên toàn thế giới do tai nạn máy bay thấp thứ hai trong lịch sử với 507 người. Năm 2004, con số này là 323 nhưng lúc đó số hành khách không nhiều như năm 2011. Trong số 28 máy bay rơi trong năm 2011 có 7 chiếc đã bị cấm bay vào EU do kém an toàn.

Hãng tin AP ngày đầu năm mới 2012 tập hợp dữ liệu của chính phủ Mỹ đã đưa ra xác suất tai nạn hàng không trên các chuyến bay tại Mỹ, đất nước giữ kỷ lục thế giới về số chuyến bay dân dụng. Theo kết quả này thì cứ 100 triệu hành khách đi máy bay, có 2 người chết do tai nạn máy bay.

Trong 10 năm qua, Mỹ có số người chết do tai nạn máy bay thấp nhất trong lịch sử nước này với 153 người chết. Thập niên trước đó, con số này cao gấp 10 lần và trong thập niên khởi đầu của các loại máy bay chở khách loại lớn, từ năm 1962-1971, còn cao hơn nữa. Thống kê này tất nhiên loại trừ nguyên nhân khủng bố.

Ngồi trên máy bay cách mặt đất hàng chục ngàn mét tất nhiên không phải là điều bình thường nhưng có thể khi bạn lái xe đến sân bay nguy cơ thiệt mạng còn cao hơn. Tại Mỹ, mỗi năm có hơn 30.000 người chết do tai nạn xe, tỷ lệ chết gấp 8 lần so với máy bay. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc cải thiện an toàn của ngành hàng không.

Thứ nhất là ngay từ khâu sản xuất, các nhà thiết kế đã loại trừ các khuyết điểm đã từng gây ra tai nạn, thông tin từ các nhà điều tra tai nạn máy bay được cung cấp cho các nhà thiết kế máy bay để đảm bảo rằng lỗi kỹ thuật tương tự sẽ không tái diễn.

Thứ hai là việc chia sẻ thông tin tốt hơn, nhiều dữ liệu mới được các nhà sản xuất, phi công, các hãng hàng không và các nhà kiểm soát trao đổi nhanh chóng hơn nhằm tránh xảy ra tai nạn có thể có.

Thứ ba là việc hình thành các cơ quan kiểm toán độc lập. Chẳng hạn như Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, tổ chức này bắt đầu kiểm tra an toàn hàng không từ năm 2003. Điều này cũng giúp các hãng máy bay giảm được tiền bảo hiểm bay.

Thứ tư là đội ngũ kiểm soát không lưu, phi công và lực lượng bảo trì ngày càng có kinh nghiệm hơn, đặc biệt tại Bắc Mỹ và EU.

Cựu phi công Chesley “Sully” Sullenberger của Hãng Hàng không Mỹ US Airways có kinh nghiệm 30 năm đã được khen thưởng khi đáp máy bay xuống sông Hudson năm 2009 sau khi động cơ bị hỏng do chim bay vào. Nhờ vậy, toàn bộ 155 hành khách và thành viên tổ lái đều an toàn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia an toàn hàng không, không thể xem tai nạn máy bay là chuyện của quá khứ, chỉ đơn giản là hiện nay ngày càng ít xảy ra hơn cho dù ngành hàng không Mỹ đang trải qua thời kỳ lỗ 54,5 tỷ USD trong thập niên qua. Nhiều chuyến bay phải cắt giảm bữa ăn, tăng chi phí hành lý... nhưng an toàn vẫn luôn là yêu cầu phải được đảm bảo trước tiên. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục