Trở về từ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam tại Pháp, vẫn còn nguyên sự xúc động về thành công từ liên hoan này TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
- PV: Tại sao lại có LHP này, thưa bà?
>> TS NGÔ PHƯƠNG LAN: Đây là một cơ duyên. Năm 2013, khi Cục Điện ảnh phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italia tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Venice, tôi có gặp Chủ tịch của Công ty Việt Âu - một người Pháp có một phần dòng máu Việt Nam. Ông ngỏ ý muốn được làm điều gì đó cho Việt Nam và cụ thể là giúp Cục Điện ảnh tổ chức một sự kiện về điện ảnh Việt Nam ở Pháp. Đến tháng 10-2013, Cục Điện ảnh tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 18 tại Quảng Ninh thì ông ấy cùng những người bạn lâu năm, đặc biệt là bà Resgine Petit - Chủ tịch Công ty Giải trí truyền thông Iriscomm của Pháp sang dự và quyết định phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức LHP Việt Nam tại TP Saint Malo của Pháp.
Bà Régine Petit (sau đó trở thành Chủ tịch LHP Việt Nam tại Saint Malo) đã cùng các cộng sự theo sát tất cả các sự kiện của LHP Việt Nam 18 một cách rất hào hứng và đã có những tham luận rất hay tại hai hội thảo Quảng bá du lịch qua điện ảnh và Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim ở LHP Việt Nam lần thứ 18.
LHP Việt Nam tại Saint Malo do Công ty Iriscomm và TP Saint Malo phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (đặc biệt là ông đại sứ Jean-Noel Poirier), Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp... Mục đích của LHP là quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thông qua phim Việt Nam, phát triển hợp tác điện ảnh Pháp - Việt và quảng bá du lịch gắn với điện ảnh.
- Bà có thể nói cụ thể hơn về chương trình và các bộ phim tham dự LHP?
LHP bao gồm chương trình phim dự thi (9 phim truyện, 3 phim tài liệu); chương trình Panorama giới thiệu một số phim hay của Việt Nam; chương trình phim Pháp về đề tài Việt Nam như: Đông Dương, Người tình, Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng; chương trình phim về 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm phim Điện Biên Phủ (1990 - đạo diễn Pierre Schoendoerffer) và Sống cùng lịch sử (2014 - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) như một cuộc đối thoại, gặp gỡ thú vị của điện ảnh Pháp - Việt.
Phần tuyển chọn phim do phía Pháp quyết định trên cơ sở số lượng phim lớn mà phía Việt Nam giới thiệu. Phía Pháp mời ban giám khảo (Chủ tịch là ông Régis Wargnier - đạo diễn phim Đông Dương (giành giải Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 1992 và các đạo diễn và diễn viên từng giành những giải thưởng lớn của Pháp, giải Cesar).
Một hoạt động trọng tâm của LHP được tổ chức rất thành công là hai hội thảo về hợp tác sản xuất và phát hành phim và xúc tiến quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Nội dung các cuộc hội thảo là giới thiệu về tình hình điện ảnh và điều kiện hợp tác làm phim ở Việt Nam; giới thiệu điểm đến, hình ảnh đất nước Việt Nam thông qua phim Việt Nam; giải thích những câu hỏi về thuận lợi và khó khăn khi đến Việt Nam làm phim… Mỗi hội thảo kéo dài ba giờ, phòng chật kín người dự và không khí thật sự hào hứng, sôi nổi.
- Sau LHP, bà tâm đắc nhất điều gì và theo bà, điện ảnh Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá như thế nào?
Điều đáng nói nhất là sau thành công tại lần đầu tiên này, ông Thị trưởng thành phố Saint Malo, ông Chủ tịch Cung Hội nghị Saint Malo và đặc biệt là bà Chủ tịch LHP đã đề nghị phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức LHP Việt Nam tại Saint Malo vào tháng 7 hàng năm. Tôi cũng nói với phía Pháp rằng, Việt Nam rất mong muốn như thế, vì đây là cơ hội tốt cho các nhà làm phim Việt và cho sự hợp tác điện ảnh Việt - Pháp, nhưng cũng là “bài tập” rất khó mà chúng tôi phải cố gắng để hoàn thành ngay khi từ Saint Malo trở về Việt Nam.
Bởi vì, để tổ chức được LHP lần đầu, ngoài việc phải có nguồn phim thì Cục Điện ảnh cùng các đơn vị tham gia tổ chức đã phải cố gắng rất nhiều mới có thể đưa được một số lượng phim lớn như vậy ra nước ngoài, khi vấn đề kỹ thuật và kinh phí luôn là trở ngại đối với phim Việt Nam. Hơn nữa, tất cả các phim tham dự, cục đều phải dịch và làm bản phụ đề tiếng Pháp. Vậy nên, để duy trì hàng năm, công việc và trách nhiệm của Cục Điện ảnh và của những người làm điện ảnh Việt Nam sẽ còn nặng nề hơn, vì chúng ta phải có nhiều phim, quan trọng hơn, phải có thêm nhiều phim hay. Nhưng tôi cho rằng đây cũng là một trong những cái đích thú vị để các nhà làm phim chúng ta cố gắng.
Tôi cho rằng, để phát triển điện ảnh và đưa phim Việt Nam ra thế giới có nhiều con đường, nhưng tổ chức LHP Việt Nam tại Saint Malo là một trong những con đường hiệu quả. Thực tế chứng minh rằng, nếu không phải vậy thì chúng ta đã không thể có một hoạt động “hoành tráng” theo hướng xã hội hóa, với sự ủng hộ của nhiều tổ chức và đơn vị điện ảnh cùng sự góp mặt của đoàn 30 nghệ sĩ, nhà sản xuất phim và đại diện các hãng phim đến với LHP.
Với các đại biểu Việt Nam, tôi cho rằng ai cũng xúc động trước tình cảm của những đồng nghiệp điện ảnh Pháp dành cho Việt Nam, thấy được giá trị vẻ đẹp và nét văn hóa độc đáo của TP Saint Malo, sự nồng hậu của người dân Saint Malo nơi trước đây cũng có truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm nên rất khâm phục ý chí quật cường giữ nước của Việt Nam.
NHƯ HOA (thực hiện)