Hạnh phúc được sống có ích

118 điển hình được tuyên dương là những tấm gương cần cù, năng động, sáng tạo, sống hết sức bình dị, có lý tưởng và giàu lòng yêu nước. Đó là những gương sáng được vinh danh tại Hội nghị biểu dương CNVC-LĐ tiêu biểu năm 2012 do LĐLĐ TPHCM tổ chức vào sáng 26-5. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Hạnh phúc được sống có ích

118 điển hình được tuyên dương là những tấm gương cần cù, năng động, sáng tạo, sống hết sức bình dị, có lý tưởng và giàu lòng yêu nước. Đó là những gương sáng được vinh danh tại Hội nghị biểu dương CNVC-LĐ tiêu biểu năm 2012 do LĐLĐ TPHCM tổ chức vào sáng 26-5. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà tặng hoa và bằng khen cho các điển hình được tuyên dương.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà tặng hoa và bằng khen cho các điển hình được tuyên dương.

"Cứ mỗi khi có một lứa học viên sắp ra trường, Phòng Tổ chức, Ban Giám hiệu Trường Trung học Sư phạm TPHCM lại đau đầu. Thuyết phục học viên về vùng sâu, vùng xa công tác là chuyện không dễ. Người nài nỉ, người khóc lóc, cốt sao được phân nhiệm sở ở TP. Đặc biệt, có người nhận quyết định về công tác ở vùng duyên hải Cần Giờ thì ôm mặt khóc nức nở. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: Duyên hải là nơi như thế nào mà ghê gớm vậy? Tôi quyết tâm đi tới đó xem sao…”. Câu chuyện của chị Lương Thị Mỹ Lệ trong phần giao lưu thu hút cả khán phòng.

Nghĩ là làm, tháng 8-1983, chị Lệ nộp đơn tình nguyện về Cần Giờ công tác, trở thành nữ giáo viên đầu tiên xung phong về miền duyên hải này, nhận công tác tại một trường nghèo nhất TPHCM thời điểm ấy - Trường Tiểu học Long Thạnh.

Cuộc sống nơi đây quả là không dễ chịu chút nào. Thiếu nước, thiếu điện, thiếu mọi phương tiện vật chất cơ bản. Đơn cư, mỗi ngày, giáo viên như cô chỉ được phát một lon guigo nước sạch để sử dụng, còn lại phải dùng nước sông! Điện hoàn toàn không có. Lớp học khi là mái đình, lúc là những mái tranh sơ sài ngăn cách bằng mấy tấm phên… Người ta cứ tưởng cô giáo trẻ, sau cơn bồng bột xốc nổi, sớm muộn gì cũng xách giỏ về lại TP.

Ấy vậy mà Lệ vẫn kiên trì. Không học cụ, cô lang thang nhiều buổi dọc bãi biển lượm vỏ sò, ốc, nghêu dành làm dụng cụ học toán cho học sinh. Học trò miền biển đi học bữa đực bữa cái, cô đến từng nhà thuyết phục phụ huynh. Nhớ những ngày cô giáo Lệ vượt gần 80km đường đất đỏ lên trung tâm TPHCM dự thi giáo viên dạy giỏi cấp TP, cấp quốc gia. Khi đến nơi, tóc tai, quần áo đã nhuộm màu bụi đất...

Thấm thoát, cô Lệ đã gắn bó với con nít nghèo Cần Giờ gần 30 năm. Nghe hỏi động lực nào mà cô làm được cái việc thiệt khó như vầy, cô nói giản dị: “Ngày xưa, cả nhà tôi theo cách mạng, mấy anh chị em tôi bị đuổi không cho học trường công, phải lay lắt học trường tư. Đến ngày mẹ bị giặc bắt, đánh chết đi sống lại, nhưng có cơ hội là mẹ nhờ người nhắn tin về cho mấy chị em, dặn phải ráng học. Mẹ còn nói, trong mấy chị em, mẹ muốn có một đứa theo nghề giáo. Điều mong ước của mẹ, tôi đã làm được gần 30 năm…”.

Nhìn dáng vẻ giản dị, chân chất của chị Tạ Thị Minh Nguyệt, công nhân Doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo ABC Á Châu, ai cũng bất ngờ khi biết chị là người đã nâng việc trang trí bánh kem lên tầm của nghệ thuật. Chị cũng là chủ nhân của những giải thưởng ấn tượng: Huy chương vàng Hội thi Đầu bếp Sài Gòn, Huy chương bạc cuộc thi Trang trí bánh kem quốc tế tổ chức tại Hồng Công (Trung Quốc) và Huy chương vàng Hội thi Trang trí bánh kem thế giới tổ chức tại Philippines vào tháng 8-2011.

Nhớ lại kỷ niệm của lần xuất ngoại làm bánh, chị cười: “Lần qua Hồng Công thi, mình đã đem theo vật liệu từ Việt Nam. Không ngờ thời tiết bên đó khiến bơ sữa chảy ra hết. Khách sạn ở Hồng Công thì nhỏ, tủ lạnh cũng nhỏ xíu, không đủ lạnh để làm đông. Vậy là phải đi mua đá về ngâm. Tới lúc vô thi, em làm hoài, làm hoài mà chocalate cũng không chịu cứng. Chocalate không cứng mà người em thì sắp… cứng lại vì lo. May thay, cuối cùng cũng tìm được cách khắc phục”.

Từ năm 2011 đến nay, CNVC-LĐ TP đã thực hiện 2.562 công trình, phát huy 2.678 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 139 đề tài nghiên cứu khoa học… làm lợi hơn 102 tỷ đồng, tiết kiệm trên 25 tỷ đồng. Thành tích trên của CNVC-LĐ đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của TP. “LĐLĐ TPHCM mong muốn thành quả đạt được của từng cá nhân điển hình sẽ được nhân rộng trong từng cơ quan, đơn vị để phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo của TP ngày càng phát triển” - ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khẳng định.

  • Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM:

"Lãnh đạo TP cảm động trước những nỗ lực bền bỉ của đội ngũ công nhân TPHCM. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM luôn quan tâm đến hoạt động công đoàn và phong trào thi đua yêu nước của đội ngũ CNVC-LĐ TP, luôn luôn tạo môi trường thuận lợi để CNVC-LĐ học tập, lao động, cống hiến và trưởng thành. Thành ủy TPHCM luôn xác định xây dựng giai cấp công nhân TP vững mạnh là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng"

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục