Hạnh phúc tùy thuộc vào chính chúng ta

Tổ ấm phải có đủ chồng, vợ và con cái là quan niệm hạnh phúc đã ăn sâu thành nếp của nhiều thế hệ. Nhưng với nhiều người trẻ hiện đại, hạnh phúc có nhiều diện mạo, tầng nấc và chiều sâu hơn “chuẩn” phải là hôn nhân, là công việc thành đạt, giàu có…
Với một số người, tình yêu không đồng nghĩa với hôn nhân
Với một số người, tình yêu không đồng nghĩa với hôn nhân

Tổ ấm… chỉ một người

Bạn Thiên Ân (32 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông sự kiện) thường bị bạn bè chọc là Ân “ế” vì đã ngoài 30 nhưng vẫn chưa lập gia đình mặc cho gia đình hối thúc. Thay vì nổi quạu với người khác thì Ân cười xòa trước những lần bị ghẹo. Bởi: “Tôi đâu có ế mà chỉ chờ người tử tế để yêu. Nhưng tôi chưa gặp đúng người đủ yêu và phù hợp để kết hôn. Thay vì rầu rĩ hay phản bác lại mấy lời châm chọc, hối thúc thì tôi dành thời gian kiếm tiền, du lịch, tận hưởng cuộc sống”, Ân lý giải rồi “bồi” thêm: “Tôi sợ cưới rồi còn hối hận hơn”!

Thực tế có rất nhiều cuộc hôn nhân đã chứng minh… kết hôn chưa chắc hạnh phúc. Hạnh Trần (39 tuổi, nhân viên ngân hàng) đã lỡ một lần đò và chưa có ý định bước thêm bước nữa sau 5 năm ly hôn. Chị Hạnh chiêm nghiệm về hạnh phúc: “Lấy một người chồng không chia sẻ với vợ, hai bên thiếu sự thấu hiểu và bao dung cho nhau còn bất hạnh hơn sống độc thân”. Tuy thất bại nhưng chị Hạnh không cho rằng hôn nhân là sai lầm hay độc thân mới là đúng đắn. Với chị, hạnh phúc đơn giản là sự lựa chọn của mỗi người trong từng thời điểm của cuộc đời. “Độc thân hay có gia đình đều có mặt được và không được. Độc thân sẽ thấy cô đơn nhưng khi có gia đình sẽ có những cái khó mà 1 người không thể tháo gỡ. Khi đã trải qua đủ trạng thái độc thân, kết hôn rồi lại trở về thời độc thân, tôi tạm thời vẫn muốn được sống cho bản thân mình nhiều hơn”, chị Hạnh quả quyết.

Là người chủ động chọn cuộc sống một mình ngay từ đầu, thầy giáo trẻ N.M.P (quận 3) thẳng thắn: “Tôi chọn độc thân không phải vì vấn đề giới tính như nhiều người ngầm nghĩ, đơn giản vì tôi thích cuộc sống tự do, sống cho mình. Tôi không muốn gánh nhiều trách nhiệm với người khác, trừ cha mẹ mình. Tôi không thích quan niệm làm bố (mẹ) đơn thân để sau này có người thủ thỉ với mình, đó là sự sở hữu vô lý, đứa con không phải tài sản và có trách nhiệm nuôi cha mẹ sau này”. Thay vào đó, anh lao động và tích lũy tài sản cho tuổi già và có ý định nghỉ hưu sớm, mua 1 gói bảo hiểm sức khỏe phù hợp để phòng ốm đau và xây dựng những mối quan hệ xung quanh mình làm điểm tựa mỗi khi cô đơn

Ngày càng nhiều người trẻ, người thành đạt chọn xây dựng tổ ấm chỉ có một người. Họ lựa chọn cuộc sống độc thân không hẳn vì sự ích kỷ hay lệch lạc với truyền thống, tình cảm, giới tính. Họ cũng không đả phá cuộc sống hôn nhân khuôn thước có đôi có cặp, đủ nếp đủ tẻ. Mà đơn giản, họ cảm nhận được sự hạnh phúc từ sự lựa chọn đó, và khẳng định lựa chọn này có thể thay đổi khi phù hợp.

Đi tìm hạnh phúc từ bên trong

“Kết hôn rồi, bạn có thấy hạnh phúc không?”. Vô tình bắt gặp câu hỏi này, có lẽ cả người ngấp nghé trước ngưỡng cửa hôn nhân lẫn đang ngụp lặn đằng sau cánh cửa ấy sẽ phải lưỡng lự thật lâu, chiêm nghiệm thật nhiều để đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh, mà thực ra cũng chỉ là hoàn chỉnh tương đối. Bởi hạnh phúc vốn là khái niệm vô hình lại được con người định hình và đo đếm bằng những sự thể vật chất như có chồng (vợ), mua được nhà, đậu đại học… Trong những cuộc nói chuyện về hạnh phúc, Thiền sư Thích Minh Niệm cho rằng, con người luôn mưu cầu hạnh phúc, ai cũng nói muốn được hạnh phúc nhưng chúng ta chưa hiểu rõ về khái niệm đó. Con người đang theo đuổi thay vì nắm bắt cảm giác này. Mua được chiếc xe, lên được vị trí công việc mong muốn, thậm chí là cưới được người thương… tất cả những điều đó chỉ mang lại cảm giác hạnh phúc nhất thời trong giây phút, tháng năm nào đó.

Chị L., một biên kịch nổi tiếng tại TPHCM, đã chọn cuộc sống tự do với cảm xúc, với những chú mèo và dành thời gian cho những trang kịch bản điện ảnh, tiểu thuyết được xuất bản liên tục và “cháy” hàng. Chị nói: “Tôi sợ mình không đủ thời gian để sống, nghĩ, viết, sáng tạo và yêu thương. Có tình yêu mới có cảm giác của hạnh phúc, nhưng tình yêu không đồng nghĩa với hôn nhân”.

Trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều người, đặc biệt là người trẻ chọn đi tìm hạnh phúc của riêng mình, buông bỏ những thứ bên ngoài được định nghĩa là hạnh phúc của số đông. Đó có thể là những cuộc bỏ phố về quê để sống một cuộc đời tối giản; là những chuyến đi nhiều tháng năm đến những quốc gia xa lạ để trải nghiệm mà không cần một công việc cố định được nhiều người ngưỡng mộ. Hạnh phúc được định nghĩa lại, cụ thể, hữu hình theo cách riêng của từng cá thể.

Càng là xã hội hiện đại, sự vội vã và thực dụng là thứ chính yếu, người ta càng dễ dàng so đo, phân chia cấp bậc với nhau về tài chính, địa vị, mối quan hệ… nhưng rất khó để phân định ai hạnh phúc hơn ai. Mỗi người phải tự đưa ra câu trả lời hạnh phúc từ bên trong mình như cách mà Thiền sư Thích Minh Niệm định nghĩa, hạnh phúc không hoàn toàn ở bên ngoài, nó phụ thuộc vào bên ngoài rất ít. Hạnh phúc tùy thuộc vào chính chúng ta!

Tin cùng chuyên mục