Hành trình Đông - Tây Nam bộ

Những ngày này, dù khi mặt trời ngả bóng về chiều, thủ phủ Trấn Biên xưa, nay là TP Biên Hòa vẫn nắng gắt. Giữa cái nắng đó, chúng tôi ngược lên huyện Vĩnh Cửu, nơi có nhà máy thủy điện và hồ Trị An rộng lớn. Hai bên tỉnh lộ, những vườn cây, ruộng lúa, ao hồ… làm vơi đi cái nắng vật vã và hơi người nơi phố xá đông đúc của miền Đông Nam bộ.

Trước mắt chúng tôi là hồ nước ngọt rộng hàng trăm ngàn hécta. Giữa hồ nước ấy có nhiều hòn đảo, cụm đảo với màu xanh cây lá mượt mà. Chúng tôi dừng chân nơi đặt bến du thuyền trung chuyển đến đảo Ó thì mặt trời đã gần lặn. Những tia nắng chiều muộn soi xuống hồ gợi sóng nước lung linh, làm tôi cảm giác mình đang ở bên bờ hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chiều muộn qua nhanh, chúng tôi thả bộ lên “hoang đảo”. Sương đêm phảng phất, trời se lạnh ùa về như cái lạnh Trung Trung bộ. Hôm đó, chiều chủ nhật, khu du lịch vắng khách. Cô nhân viên tiếp tân xởi lởi: “Ngày mai đầu tuần nên khách về hết, chứ ngày thứ bảy đông vui như hội đấy bác ạ!”. Bữa tối đạm bạc với tép hồ, cá linh hồ Trị An, cá sặt khô… thêm chút mắm me miền Tây, chút ớt xanh xứ Huế quyện vào nhau đã kích thích bao tử của các thực khách. Và trong khi chúng tôi ngồi lai rai trên bờ thì dưới hồ người dân chài lưới vẫn chăm chỉ chèo thuyền giăng câu, bắt cá. Họ làm việc xuyên đêm, ngủ nghỉ ngay trên ghe.

Đêm xuống, trên đảo vắng lặng, ánh đèn điện mù mờ hòa lẫn ánh trăng khuya vàng vọt, và sương đêm ùa về kéo theo hơi nước bốc lên từ sông hồ hiu hiu làm tê tái tâm can. Sa Pa, Lào Cai, Đà Lạt… đang hiện hữu đâu đây? Trong phòng ngủ trang thiết bị đầy đủ như khách sạn, nhưng tôi tắt máy lạnh, quạt máy, mở toang cửa cho gió hồ, hơi nước mát lùa vào và kéo một giấc dài tới sáng mặc cậu phóng viên trẻ cùng phòng hý hoáy “làm thơ” bên cốc cà phê khuya vương mùi thuốc lá.

Sáng sớm hôm sau, ông mặt trời cũng soi bóng nước như chiều qua nhưng ngược từ phía Đông. Những chiếc thuyền đánh bắt cá lồ lộ khi mặt trời chiếu sáng. Dân chài gom câu, kéo lưới, những con cá lớn, cá bé giãy đành đạch theo thuyền vào bờ, và đi theo quy trình cá tươi, cá khô, cá gỏi… cho người đợi thưởng thức. Ăn sáng xong, chúng tôi lại lên thuyền quay vào bờ. Chẳng mấy chốc thuyền cập bến theo hải trình, nhưng sự cố bất ngờ khi thuyền rời khỏi bến độ 15 phút giữa trời nước mênh mông thì ông bạn đi cùng hô toáng “quên đồ nghề”. Chú lái thuyền vẫn vui vẻ quay mũi. Rất may, đò chỉ đưa 3 anh em chúng tôi nên không còn ai để sợ phiền phức. Bây giờ giữa hồ Trị An tôi mới cảm giác và nhìn nhận trọn vẹn biển nước ngọt bao la, kỳ vĩ biết dường nào. Cũng trong buổi sáng, chúng tôi tranh thủ thăm ngắm Nhà máy thủy điện Trị An - một công trình mang dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời còn làm Bí thư Thành ủy TPHCM.

Chúng tôi dừng xe ở đập tràn, khi này nước còn chưa cao, chưa xả qua đập, con suối sâu hoắm mà có lẽ khi nước cao sẽ chảy cuồn cuộn qua thì giờ khô cạn. Trên đường trở về tôi ngu ngơ nghĩ bâng quơ, ống xả nước hồ Trị An thấp hơn các thủy điện khác như Yaly, Đa Nhim, Đại Ninh nhưng việc đưa vào sử dụng nhà máy này giữa lúc cả nước, nhất là miền Nam đang “đói” điện đã là một kỳ tích lớn lao thời kỳ đất nước mới vừa thống nhất với bao gian khó bủa vây.

Rời miền Đông gian lao mà anh dũng, chúng tôi lại lên đường sang miền Tây. Xe chạy một lèo theo xa lộ Đông - Tây nhập vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để rẽ vào TP Cao Lãnh. Buổi trưa hôm đó, chúng tôi dừng lại dọc đường, thưởng thức các món ăn dân dã đặc sản nơi miệt vườn sông nước là gỏi tôm bông điên điển, cá bông lau kho tộ, cá chạch chiên giòn...

Cảm giác đầu tiên của tôi sau nhiều năm trở lại miệt vườn sông nước miền Tây là sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng: giao thông, đường sá sạch đẹp, nhiều ngôi nhà cao tầng cũng nhô lên khỏi ngọn cây thay cho nhà tranh vách lá cách đây chưa lâu. Xa hơn dăm ba cây số vùng ngoại vi TP Cao Lãnh, người dân đã thay nhà tranh vách đất năm nào bằng mái ngói tường xây, nhưng hầu như ai cũng giữ lại một nét đặc thù, quanh nhà vẫn vườn cây ao cá như thuở ban sơ.

cn4-ky-su-8093.jpg
Nhà cổ ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

Thời gian ngắn còn lại, chúng tôi xuôi về thị tứ Sa Đéc giữa trưa nắng gắt du hí ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ngôi nhà ba gian phối trộn giữa lối kiến trúc Đông - Tây đã được một nhà buôn người Hoa (ông Huỳnh Cẩm Thuận) xây dựng từ năm 1895 giữa trung tâm thị tứ bên dòng sông Sa Đéc, với diện tích khuôn viên hơn 2.000m² nhưng một phần diện tích đã bị cư dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa đan kín. Bên trong có một đoàn du khách Pháp với gần 20 người đang dùng trà, nghe thuyết minh về ngôi nhà cổ cùng câu chuyện tình lãng mạn của ông Huỳnh Thủy Lê với một cô gái Pháp… Chính câu chuyện tình này đã trở thành niềm cảm hứng để cô gái Pháp đó, sau này là nữ văn sĩ Marguerite Duras sáng tác nên tiểu thuyết nổi tiếng Người tình (The Lover) năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean-Jaques Annaud chuyển thể thành phim L’Amant năm 1992 với các cảnh quay chủ yếu ở Việt Nam, ngay tại vùng Sa Đéc.

Trước khi vào chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ, chúng tôi lại gặp sự cố nhỏ. Khi xe dừng lại nơi ven đường chật hẹp, mọi người mở cửa xuống xe cẩn thận bên lề phải, tôi cũng vừa hé mở cửa xe thì một chiếc xe máy cũ từ xa lao tới quẹt nhẹ vào cửa xe, cậu thanh niên độ mười tám đôi mươi cùng chiếc xe ngã xuống lề. Tôi và mấy người vội đỡ cậu ta dậy và xin lỗi cậu ta. Cả người lẫn xe không việc gì, chỉ là chiếc xe ngã đụng phải cái lọ dùng cắm hoa của cụ bà bày bán hàng gốm sứ lấn chiếm lòng đường. Chúng tôi mua lại cái bình bể, tất cả cùng cười xí xóa, một chút cảm xúc là lạ trước khi đặt chân vào ngôi nhà chất chứa nhiều câu chuyện của thời gian.

Rời TP Sa Đéc, tạm biệt ngôi nhà cổ và người dân miệt vườn sông nước thân thương, nhanh chóng quên đi những suy nghĩ vu vơ về quá khứ và hiện tại, về những câu chuyện tình có lẽ chỉ đẹp khi còn dang dở để thả hồn trôi theo dòng sông Sa Đéc vốn dĩ hiền hòa biết dường nào. Nhìn xa hơn, những cánh đồng hoa - làng hoa Sa Đéc giờ không còn sặc sỡ sắc màu như hồi trước tết nhưng lại dịu dàng một màu xanh của những cây hoa mới đang nhẹ nhàng đong đưa theo gió.

Tin cùng chuyên mục