Hành trình giành độc lập của nhân dân Palestine - Bài 1: Cuộc xung đột dài nhất lịch sử

Cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Arab ở Palestine có thể được xem là cuộc xung đột dai dẳng nhất trong lịch sử thế giới. Căn nguyên của cuộc xung đột bắt nguồn từ sự tranh chấp dải đất nằm giữa bờ Đông Địa Trung Hải và sông Jordan từ thời kỳ trước Công nguyên. Sau Công nguyên, vùng lãnh thổ này đã trải qua nhiều biến động và bạo lực.
Hành trình giành độc lập của nhân dân Palestine - Bài 1: Cuộc xung đột dài nhất lịch sử

Cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Arab ở Palestine có thể được xem là cuộc xung đột dai dẳng nhất trong lịch sử thế giới. Căn nguyên của cuộc xung đột bắt nguồn từ sự tranh chấp dải đất nằm giữa bờ Đông Địa Trung Hải và sông Jordan từ thời kỳ trước Công nguyên. Sau Công nguyên, vùng lãnh thổ này đã trải qua nhiều biến động và bạo lực.

Một đất nước bị chia cắt
 
Năm 1947, trên cơ sở đề nghị của Anh, LHQ thông qua Nghị quyết 181 phân chia Palestine, lúc bấy giờ nằm dưới quyền cai trị của Anh, trao cho người Do Thái hơn một nửa lãnh thổ Palestine để lập quốc, chừa lại hai vùng Bờ Tây nằm gần sông Jordan và Gaza, nằm dọc biển Địa Trung Hải, cho người Arab. Hai vùng Bờ Tây và Gaza nằm hai bên lãnh thổ của Israel, cách nhau chừng hơn 40km.

Cho rằng kế hoạch phân chia không công bằng với người Arab, đại diện của người Arab ở Palestine và Liên đoàn Arab chống đối quyết liệt kế hoạch của LHQ, thậm chí bác bỏ quyền của LHQ can thiệp vào cuộc xung đột. Họ nhất định cho rằng “quyền cai quản Palestine phải thuộc về cư dân của Palestine, theo điều 73 của Hiến chương LHQ”.

Ngay sau khi LHQ chấp thuận kế hoạch phân chia, cộng đồng Do Thái như vỡ tung lên vì hoan hỉ, trong khi cộng đồng Arab tỏ ra hết sức bất mãn. Tháng 12-1947, quân đội Do Thái đã thực hiện các chiến dịch “quét sạch” làng mạc của người Palestine. Đến ngày 14-5-1948, nước Anh từ bỏ sự bảo hộ đối với Palestine, mở cửa cho dân Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Ngay lập tức, những người theo Chủ nghĩa Phục quốc Zion nắm lấy cơ hội và thành lập một nhà nước Israel.

Cũng trong ngày 14-5-1948 tại Tel Aviv, Nhà nước Israel, Nhà nước Do Thái đầu tiên sau gần 2.000 năm đã chính thức tuyên bố độc lập và được Mỹ, Liên Xô cùng nhiều nước khác công nhận sau đó. Còn người Palestine gọi ngày 14-5 là al-Nakba, nghĩa là thảm họa. Kể từ ngày này, xung đột nổ ra và ngày càng lan rộng, chém giết, báo thù nối tiếp nhau, khiến cho máu liên tục đổ đến ngày nay.

Cuộc chiến ngắn ngày

Chỉ một ngày sau khi Israel tuyên bố độc lập, quân đội 5 quốc gia gồm: Jordan, Ai Cập, Lebanon, Syria và Iraq đã phát động tấn công Israel. Trong bức thư Tổng thư ký Liên đoàn Arab gửi cho Tổng thư ký LHQ ngày 15-5-1948, các quốc gia Arab công khai tuyên bố mục tiêu của họ là thiết lập một “quốc gia Palestine thống nhất” thay cho hai quốc gia Do Thái và Arab như kế hoạch của LHQ. Song mục tiêu này đã thất bại.

Trong năm 1948, lực lượng vũ trang Do Thái đã thảm sát rất nhiều người Palestine, khiến hàng trăm ngàn người đã phải trốn chạy sang Lebanon, Ai Cập và khu vực Bờ Tây hiện nay. Chiến sự tiếp diễn tới tháng 1-1949 và mãi tới tháng 7 năm đó, hiệp định đình chiến mới được thực hiện. Trong giai đoạn đình chiến, lãnh thổ của Israel đã trải rộng gần phủ kín Palestine và Israel trở thành thành viên của LHQ vào tháng 5-1949.

Hành trình giành độc lập của nhân dân Palestine - Bài 1: Cuộc xung đột dài nhất lịch sử ảnh 1

Diện tích lãnh thổ Palestine (màu đen) bị thu hẹp trong giai đoạn từ 1946 đến 2000. (Màu trắng: đất của người Israel).

Cuộc chiến kết thúc với Hiệp định ngưng bắn 1949, nhưng cuộc xung đột giữa các nước Arab – Israel vẫn tiếp diễn. Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Israel và các nước Arab đã leo thang thành một cuộc chiến kéo dài 6 ngày, bắt đầu từ 5-6 và kết thúc vào 11-6-1967. Quân đội Israel đã chiếm đóng Gaza và vùng bán đảo Sinai, kéo dài từ miền Nam Ai Cập đến miền Bắc cao nguyên Golan của Syria.

Ngoài ra, Israel còn đẩy lùi lực lượng vũ trang Jordan ra khỏi Bờ Tây và Đông Jerusalem. Lãnh thổ Israel chiếm được đã gấp đôi diện tích Nhà nước Do Thái. Hội đồng Bảo an LHQ đã ban hành Nghị quyết 242 vào tháng 11-1967 nhấn mạnh thái độ “không thể công nhận các vùng lãnh thổ chiếm được thông qua kênh chiến tranh” và kêu gọi “Israel rút quân đội khỏi các vùng đất chiếm đóng”. Tuy nhiên, Israel phớt lờ vì đã có hậu thuẫn.

Không thể lấy lại các vùng đất bị mất trong cuộc xung đột năm 1967, thông qua kênh ngoại giao, Ai Cập và Syria đã tấn công Israel đúng vào ngày Sám hối hay Yom Kippur năm 1973. Ngay sau cuộc chiến, Saudi Arabia đã quyết định áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các quốc gia đã từng ủng hộ Israel. Lệnh cấm vận dầu mỏ đã khiến giá dầu thế giới tăng đột biến và kéo dài đến tận tháng 3-1974.

Tháng 10-1973, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 338, yêu cầu các bên tham chiến ngừng bắn và chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự, đồng thời bắt đầu các cuộc đàm phán giữa các bên quan tâm nhằm đưa ra giải pháp kiến tạo hòa bình dài lâu tại Trung Đông.
 
Yasser Arafat - cành ôliu và khẩu súng

Gắn liền với lịch sử đấu tranh giành chủ quyền cho Palestine trong thế kỷ 20 là một vị lãnh đạo đã đi vào lịch sử thế giới: Yasser Arafat. Bằng tất cả nỗ lực, ông từng bước thực hiện mục tiêu đưa Palestine trở thành một nhà nước độc lập. Tuy con đường ấy vẫn chưa trọn vẹn nhưng Arafat vẫn trở thành một biểu tượng cho hòa bình, sự khát khao khẳng định chủ quyền của nhân dân Palestine.
 
Ông Arafat sinh ra tại Cairo, Ai Cập, nhưng dòng máu Palestine vẫn chảy trong con người ông. Chính vì thế, khi chứng kiến Palestine bị rơi vào cảnh mất chủ quyền sau năm 1948, khi Nhà nước Do Thái được thành lập, trong thâm tâm ông đã nung nấu ý chí bảo vệ quyền tự quyết của người Palestine, đưa Palestine trở thành một nhà nước độc lập. Năm 1958, ông cùng các đồng chí thành lập nhóm vũ trang Fatah và trở thành lãnh đạo nhóm, thu hút nhiều người đi theo sự nghiệp đấu tranh của ông.
 
Sau thất bại của cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Fatah ra khỏi hoạt động bí mật, ông Arafat trở thành chủ tịch Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Dưới sự lãnh đạo của Arafat, PLO có lực lượng vũ trang riêng của mình ở Jordan, Lebanon, Ai Cập.

Những năm 1970, ông Arafat chuyển từ quan điểm cứng rắn, không khoan nhượng sang thái độ ôn hòa hơn trong cuộc đối đầu với Israel và các vấn đề Trung Đông. Việc sử dụng chiến thuật khủng bố trong cuộc chiến giành độc lập cho Palestine đã được PLO chính thức xét lại vào năm 1973.

Từ đó, PLO và Fatah khước từ tiến hành chiến tranh khủng bố, và điều này trở thành nguyên nhân gây chia rẽ phong trào kháng chiến Palestine. Nhưng cũng chính sự từ bỏ chiến thuật cực đoan đã đưa ông Arafat lên phát biểu trên diễn đàn của Đại hội đồng LHQ năm 1974.
 
Không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự, Arafat còn là chính trị gia đóng góp to lớn trong việc tranh thủ dư luận quốc tế cho phong trào PLO, đưa sự nghiệp đấu tranh của người Palestine lên vũ đài quốc tế. Trước đây, các chế độ Arab không thực sự sẵn sàng giúp đỡ những người Palestine, nhưng từ khi có Arafat, họ bắt đầu chú ý và sẵn sàng giúp đỡ phong trào này. Từ đấu tranh bạo động, Arafat chuyển qua đấu tranh chính trị.
 
Tới cuối thập niên 1980, sau một số thất bại trong cuộc đấu tranh giành độc lập, ông Arafat dưới sự trung gian hòa giải của Mỹ đã chấp nhận đàm phán với Israel. Tháng 12-1988, Arafat chấp nhận nguyên tắc hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại trong hòa bình trên tinh thần Nghị quyết 242 của HĐBA LHQ, đánh dấu một giai đoạn mới cho Arafat và PLO, tạo điều kiện để đạt được các thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine. Tháng 4-1989, Arafat được Hội đồng Trung ương của Hội đồng dân tộc Palestine (PNC), bầu làm Tổng thống của Nhà nước Palestine dù chưa được công nhận chính thức trên thế giới.

Tháng 1-1996, ông Arafat được bầu lại làm người đứng đầu PNC với hơn 88% số phiếu. Trong khi đó, các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Hamas và Hezbollah cho ông là người phản bội và không chấp nhận các kết quả hội đàm của Arafat với Israel và Mỹ. Tháng 1-2001 khi cánh hữu lên cầm quyền ở Israel và G.W. Bush nhậm chức Tổng thống Mỹ, những hiệp định đã ký trước kia trở thành vô hiệu. Chính phủ của ông Ariel Sharon vịn cớ ông Arafat không kiểm soát được khủng bố để tẩy chay các hiệp định hòa bình, để từ đó Tel Aviv kết tội ông che giấu, xúi giục khủng bố và quản thúc ông ở Ramallah.

Trong giai đoạn này, tình hình Trung Đông căng thẳng vì những xung đột hàng ngày giữa Israel và Palestine và Arafat đã trở nên gần như “đơn thương độc mã” và bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Mặc cho những ngày đen tối khi bị Israel giam lỏng ở Ramallah, ông tiếp tục là biểu tượng của cuộc đấu tranh của người Palestine. Dù khó khăn nhưng ông không bao giờ chấp nhận rời bỏ Ramallah cũng như mục tiêu tìm chỗ đứng cho dân tộc Palestine.

Năm 2004, ông qua đời trong cái chết gây nhiều tranh cãi.

HẠNH - HẰNG - QUỲNH (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục