Giá như không bất lực trước thời gian
Ngày 19-2-2010, mùng 6 Tết, trong lúc mọi người vẫn còn say sưa trong dư âm những ngày tết cổ truyền thì nữ họa sĩ Đặng Ái Việt lại lặng lẽ lên đường. Một mình với chiếc Chaly bạc màu, bà bắt đầu rong ruổi khắp các nẻo đường, từ miền Nam hướng đến miền Trung nắng gió rồi tiến ra Bắc khi ấy đang độ rét căm căm. Điểm dừng đầu tiên là thị xã Long Khánh (Đồng Nai), nhưng bà rất buồn khi được biết nơi đây không còn Mẹ VNAH nào còn sống. Tiếp tục hành trình, bà đến Ninh Thuận, nơi bức ký họa Mẹ Nguyễn Thị Dọn - chân dung Mẹ VNAH đầu tiên của dự án đã được bà khắc họa.
15 tuổi, người con gái của miền quê sông nước Tiền Giang đã trốn nhà đi bộ đội. Trên chiến trường, bà chứng kiến bao nhiêu đau thương và mất mát; khi hòa bình lập lại, dù bộn bề với công việc giảng dạy, bà vẫn luôn đau đáu trong lòng nỗi niềm tri ân các Mẹ VNAH. Ngày mẹ tiễn chồng và các con ra trận, mẹ đâu thể ngờ đó là lần cuối cùng được gặp những người thân yêu nhất cuộc đời. Có mẹ mất 6, 7 người con cả trai lẫn gái, có mẹ mất chồng và con cùng 1 năm…
Bà đặt tên cho dự án là “Hành trình nét thời gian”, chia làm 3 giai đoạn. “Thời gian để lại cho mẹ bao nhiêu ký ức, đó là những ký ức đau thương, là mất mát, là nỗi niềm bi hùng hằn sâu trong từng nếp nhăn trên gương mặt mẹ. Tôi đi tìm những ký ức đó và lưu lại trong tác phẩm của mình. Quỹ thời gian của các mẹ không còn nhiều nên tôi phải chạy đua cật lực, chậm chân ngày nào là tôi sẽ phải ân hận ngày đó”, bà chia sẻ. Tìm đến tận nơi các mẹ ở, trước khi vẽ, bà thường dành thời gian trò chuyện, tâm sự để hiểu hoàn cảnh từng người. Bởi thế, hình ảnh Mẹ VNAH qua nét cọ của họa sĩ Đặng Ái Việt không chỉ là đặc tả gương mặt mà ở mỗi ký họa, mỗi chân dung còn thể hiện được tâm hồn và nỗi đau của từng người mẹ. Mỗi mẹ là một câu chuyện bi hùng! Không ít lần bà vừa vẽ vừa khóc, bởi khi đứng trước những tượng đài sừng sững, tận mắt nhìn mẹ đã quá yếu, ánh mắt le lói như ngọn đèn trước gió, bà cảm thấy mình không thể làm gì hơn cho mẹ. Một cảm giác nghèn nghẹn nơi lồng ngực, rồi bà ước, giá như mình đến được với mẹ sớm hơn, giá như mình không bất lực trước thời gian!
Nụ hôn của ân tình, tri ân
Ngày 26-5-2019, từ TPHCM bà lại một mình bắt đầu hành trình ra Bắc lần thứ tư, bắt đầu giai đoạn 2 của dự án, tức là vẽ chân dung tất cả Mẹ VNAH mới được phong tặng, truy tặng theo Nghị định 56 của Chính phủ. Lần này “bạn đồng hành” của bà là chiếc Cúp 81 cũ. Đến Ninh Thuận, bà bắt tay vẽ chân dung 5 mẹ. Xong đâu đó, bà thẳng tuyến quốc lộ 1 ngược ra Hà Nội, mỗi ngày người xe rong ruổi không dưới 250km. Tận dụng thời gian khi Hà Nội đang thống kê danh sách từ 30 quận huyện, bà vượt ngay lên Lào Cai để kịp gặp 6 mẹ. Bà lý giải: “Tôi phải đi Lào Cai liền vì lần trước đến Lào Cai mới hay Mẹ VNAH duy nhất của tỉnh vừa qua đời. Lần này thì không thể chậm chân thêm nữa”.
Trên đường về Hà Nội, bà tấp sang Tuyên Quang, nơi hiện đang có 12 Mẹ VNAH. Nhớ lại câu chuyện ở Tuyên Quang, bà không giấu được niềm vui khi kể lại câu chuyện của Mẹ VNAH Triệu Thị Hồng ở xã Công Đa, huyện Yên Sơn. Số là chính quyền địa phương có hỗ trợ gia đình mẹ Hồng 40 triệu đồng để sửa chữa căn nhà đã quá xuống cấp. Nhưng ngặt một nỗi, cháu nội của mẹ (tức con liệt sĩ) lại đang bệnh ung thư. Thế là toàn bộ số tiền đổ vào chữa bệnh cho cháu nội, căn nhà vẫn chưa thể sửa chữa được. Trước tình cảnh quá khó khăn của mẹ, họa sĩ và người bạn chiến đấu cũ, hiện là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang, đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ. Ngay khi biết chuyện, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã quyết định xây một căn nhà tình nghĩa tặng mẹ Hồng và tặng gia đình mẹ 1 cặp bò để làm kinh tế. Ngày khánh thành nhà mới, một doanh nghiệp còn tặng mẹ sổ tiết kiệm 10 triệu đồng. Không những thế Tỉnh ủy Tuyên Quang còn hỗ trợ đưa hài cốt con trai mẹ Hồng từ Tây Ninh về quê nhà.
“Tôi tính hết rồi, xong Hà Nội sẽ xuôi về Nam. Kế hoạch là sẽ vẽ từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam rồi sang Gia Lai, Đắk Nông…”, đó là kế hoạch mà người nữ họa sĩ đã vạch nên cho hành trình mới, dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm 2019, đầu 2020. Thế nhưng, ngày 11-10-2019, bà bị xe tông ở quận Thanh Xuân, được đưa vào Bệnh viện Việt Đức. Tại đây bà được các bác sĩ mổ, gắn 3 cây đinh cố định xương ở bàn chân. Mọi việc lại phải tạm dừng, đúng 1 tuần sau, các con bà đưa bà về lại TPHCM. Vậy nhưng, nằm nhà mới 3 tuần, bà lại nằng nặc đòi ra Hà Nội để vẽ nốt… 40 Mẹ VNAH còn lại của thủ đô. Biết không thể ngăn cản, con trai đành phải mua vé để bà bay ra. Bà tâm sự: “Thương lắm, nhiều mẹ ở miền Bắc có con vào Nam chiến đấu, đến giờ vẫn thấp thỏm chờ con. Mùa đông đã cận kề, nếu không tranh thủ từng giờ từng phút thì tôi e rằng mình không còn cơ hội được gặp, được vẽ các mẹ nữa”.
Ngày 3-12, bà trở về TPHCM, rồi vào viện cắt chỉ, rồi mổ lần nữa để lấy đinh ra. “Lẽ ra theo kế hoạch, ngày 19-2-2020, tôi sẽ xuất phát đi vẽ Mẹ VNAH ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôi chọn ngày này là để kỷ niệm đúng 10 năm thực hiện dự án, nhưng rồi vướng phải cái con Covid-19 này, mà tôi phải bó gối nằm nhà đến giờ”, bà cười hóm hỉnh.
Hành trình xuôi ngược để ký họa chân dung Mẹ VNAH qua 63 tỉnh thành (theo Pháp lệnh năm 1994) và 10 tỉnh thành Bến Tre, Long An, TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Nội (theo Nghị định 56), tính đến nay, tài sản vô giá của họa sĩ Đặng Ái Việt là ký họa chân dung 2.198 Mẹ VNAH. Đó là chưa kể chân dung của trên 200 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của 21 tỉnh thành thuộc Quân khu 9 và Quân khu 7 bà đã hoàn tất. Bà thẳng thắn: “Việc làm của tôi là việc làm của toàn dân tộc, tôi chỉ là người thực hiện. Nếu không có sự hỗ trợ của các ban ngành, xã hội, tôi cũng chẳng làm được gì. Biết bao nhiêu người đã góp sức để làm nên thành công của dự án. Cả nước hiện còn hơn 4.000 Mẹ VNAH, tôi quyết sẽ vẽ hết chân dung các mẹ”.
Với giọng đầy tự hào và hạnh phúc, bà kể về những khi được ăn bữa cơm với các mẹ và được ôm hôn 2.198 Mẹ VNAH. “Con xin phép được hôn mẹ, con xin phép thay cho những người đồng chí, thay mặt các anh chị là con của mẹ, chưa kịp hôn mẹ trước khi lên đường. Nụ hôn đó không ai có được. Đó là nụ hôn của ân tình, của tri ân”, bà kể lại.
Ngoài gần chục cuộc triển lãm khắp cả nước, trên 300 bức ký họa chân dung Mẹ VNAH của họa sĩ Đặng Ái Việt đã được trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và lưu giữ tại đây. Hàng chục bức ký họa khác đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… UBND TPHCM đã chọn mua để sưu tập 70 chân dung Mẹ VNAH và hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Toàn bộ số tiền thu được, họa sĩ Đặng Ái Việt đã gửi tặng cán bộ chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. |