Hành xử kiểu giang hồ, đội tán thủ nam Hà Nội có khả năng giải tán

Đã từ lâu, Wushu là môn thể thao thế mạnh của Hà Nội. Thế nhưng ít người biết rằng, Sở TDTT Hà Nội đang đứng trước nguy cơ giải tán đội tán thủ nam (nội dung đối kháng của môn Wushu) bởi quá nhiều cuộc ẩu đả ngoài sàn đấu của một số võ sĩ thích làm "đàn anh, đàn chị" theo kiểu xã hội đen.

Đã từ lâu, Wushu là môn thể thao thế mạnh của Hà Nội. Thế nhưng ít người biết rằng, Sở TDTT Hà Nội đang đứng trước nguy cơ giải tán đội tán thủ nam (nội dung đối kháng của môn Wushu) bởi quá nhiều cuộc ẩu đả ngoài sàn đấu của một số võ sĩ thích làm "đàn anh, đàn chị" theo kiểu xã hội đen.
 
TÁN THỦ - NỖI KINH HOÀNG CỦA VĐV HÀ NỘI 

Hành xử kiểu giang hồ, đội tán thủ nam Hà Nội có khả năng giải tán ảnh 1
Tán thủ, một môn thi đấu khắc nghiệt và cũng lắm điều tiếng. Dũng Phương

Trường Văn hóa-Thể thao Hà Nội nằm trên phố Trịnh Hoài Đức là nơi học văn hóa xen lẫn tập thể thao của các VĐV Hà Nội từ mấy năm nay, đồng thời cũng là nơi "tác oai, tác quái" của nhiều võ sĩ đội tuyển tán thủ nam. Người ta đồn rằng, HLV X của đội này dù danh chính ngôn thuận là huấn luyện võ thuật, nhưng thu nhập chính lại là nghề "bảo kê". Một số học trò cưng của HLV này cũng được cho đi theo hành nghề kiếm tiền, và chính những VĐV được sủng ái nói trên dần trở thành "anh chị" quen thói ngông cuồng. Họ ẩu đả thường xuyên tại ngay gần nơi tập luyện của mình và nạn nhân thường là các VĐV đang học tại Trường Văn hóa-Thể thao.
 
Nói đến đội tán thủ nam là các VĐV lẫn nhiều cán bộ Sở TDTT Hà Nội lắc đầu ngao ngán, bởi chỉ cần có thái độ gì đó làm mất lòng mấy "ông lớn" đội tán thủ là ăn đòn như chơi. Nhiều VĐV bị đánh nín nhịn, nhưng cũng có VĐV "bật" lại. Kết quả là liên tiếp những vụ ẩu đả đã xảy ra và chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm.
 
CẦN CÓ BIỆN PHÁP MẠNH
 
Nói tới tán thủ, người trong nghề hay gọi là môn "võ thập cẩm" bởi các chiêu thức, đòn đánh được du nhập từ đủ các môn và độ sát thương chỉ kém môn Muay Thái (không được đánh chỏ và lên gối). Chuyện thâm tím mặt mày, chấn thương khắp người luôn xảy ra hàng ngày ở môn võ này, nhưng chế độ cũng chỉ được hưởng như các VĐV thể thao khác: tiền ăn 45.000đ/ngày, công tập luyện 20 nghìn đồng/ngày (theo chế độ của Sở TDTT), nên để giữ họ theo nghề không phải dễ.
 
Từ chỗ động viên, khuyến khích, có HLV còn thao túng học trò, lờ đi khi họ phạm lỗi. Ngay như bà Hiệu trưởng trường Văn hóa-Thể thao Hà Nội khi được hỏi về những vụ ẩu đả trong trường liên quan đến đội tán thủ đã bức xúc nói như quát: "Các anh đi mà hỏi lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội". Trong khi đó, các HLV chỉ thừa nhận là có VĐV tham gia ẩu đả và vừa buộc phải đuổi vĩnh viễn 1 võ sĩ, tạm đình chỉ tập luyện 3 võ sĩ khác trong 6 tháng nếu có tiến bộ mới cho tập tiếp. Chuyện xảy ra đã nhiều năm nhưng bây giờ mới có VĐV bị kỷ luật xem ra đã hơi muộn.

 Vừa qua, lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội trong cuộc họp giao ban từng tuyên bố tạm đình chỉ hoạt động của đội này để làm kiểm điểm, thậm chí nếu cần thì buộc phải giải tán, nhưng xem ra vẫn thiếu "thuốc đắng". Bản thân lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội dù đã tuyên bố trước tập thể cán bộ Sở TDTT, nhưng lại giấu nhẹm mọi chuyện khi được báo chí hỏi tới, còn các HLV thì tìm mọi cách bưng bít thông tin...
 
Cái kim để mãi trong bọc cũng phải lòi ra, căn bệnh không được chạy chữa đúng cách e sẽ ngày càng nặng thêm và khi ấy muốn chữa cũng không kịp.

 Phương Hoa

 Kết thúc giải lặn vô địch quốc gia 2007
 8 KLQG MỚI ĐƯỢC THIẾT LẬP

 Dù chỉ có 24 nội dung thi đấu, song giải vô địch lặn quốc gia 2007 vừa kết thúc tối qua 29-9 đã có 8 KLQG được thiết lập, đúng bằng con số KLQG mà các tay bơi làm được ở 40 nội dung thi đấu. Trong số 8 KLQG, các tay lặn Hà Nội chiếm 4, nổi bật là VĐV Huyền Trang với 3 KLQG ở các nội dung 200m vòi hơi chân vịt (thành tích mới 1’37"76 so với KL cũ 1’39"25), 100m khí tài (39"65, KL cũ 40"24), 100m vòi hơi chân vịt (42"72, KL cũ 43"61). Kỷ lục còn lại của đội Hà Nội được lập bởi VĐV Trung Kiên ở 200m vòi hơi chân vịt (1’27"34, KL cũ 1’28"60).

 Ngoài ra, Phan Lưu Cẩm Thành của TPHCM cũng có 2 KLQG ở nội dung 100m khí tài (33"42, KL cũ 33"82) và 100m vòi hơi chân vịt (37"41 so với 38"50). VĐV Minh Thùy (Hải Phòng) đứng tên 2 kỷ lục còn lại 800m khí tài (7’10"81 so với 7’14"87) và 400m khí tài (3’23"60 so với 3’27"95).
 
Sau ba ngày thi đấu, đoàn Hà Nội giành ngôi đầu với 7 HCV, 9 HCB và 2 HCĐ. Đoàn Tây Ninh đứng thứ hai (5, 3, 3) tiếp đến là TPHCM (5, 1, 5) và Hải Phòng (4, 2, 0).
 KIM CHI

Tin cùng chuyên mục