* Tay vợt hạng 32 thế giới Yang Zi không tham dự.

Thi đấu từ ngày 18 đến 22-7 tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, giải năm nay quy tụ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó Hàn Quốc lập kỷ lục với 34 tay vợt góp mặt. Theo đánh giá của Tổng thư ký LĐBB TPHCM Nguyễn Trọng Trúc, giải năm nay dù thiếu vắng tay vợt Yang Zi (Singapore, hạng 32 thế giới), nhưng vẫn hứa hẹn sẽ có những cuộc đọ sức quyết liệt.
Ấn Độ (hạng 6 đồng đội nam châu Á) sau một năm “thử” giải Cây vợt vàng bằng các tay vợt trẻ, năm nay đã quyết định đưa tới nhiều gương mặt xuất sắc. Achanta Sharath Kamal (hạng 73 TG) là một thí dụ. Tay vợt này vừa lên ngôi tại giải Brazil mở rộng 2007, nên chắc chắn sẽ được các tay vợt Đông Nam Á và cả châu lục “chăm sóc” kỹ càng.
Được đánh giá cao, nhưng chưa hẳn Kamal đã nắm chắc danh hiệu đơn, bởi còn khá nhiều tay vợt mạnh khác cũng đến, tiêu biểu như bộ ba Yoon jae Young (hạng 72 TG), Lee Jung Sam (hạng 110) và Jo Ji Hoon (hạng 134) của Hàn Quốc. Singapore cũng mạnh, nhờ tay vợt kỳ cựu Cai Xiao Li (hạng 140) cùng hai tay vợt trẻ Liu Zhongze (191) và Ma Liang (197). Thành phần Thái Lan tham dự giải năm nay cũng chính là thành phần mạnh nhất chuẩn bị cho SEA Games 24 trên sân nhà, khi hai anh em nhà Pharpoom và Puchong Sanguansin hay Chaisit Chaitat đều có mặt.
Nhờ vậy, 4 tay vợt tuyển Việt Nam 1: Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải và Đinh Quang Linh buộc phải nỗ lực tối đa mới mong làm nên chuyện lớn. Sau khi để lại đôi chút ấn tượng tại giải vô địch thế giới hồi tháng 5, bộ ba Quốc - Quỳnh - Hải tiếp tục được kỳ vọng tại giải lần này, bởi họ đang giúp Việt Nam xếp hạng 29 thế giới nội dung đồng đội. Tuy nhiên, đoàn Hong Kong năm nay chỉ cử tới 3 tay vợt nam không mấy tên tuổi.
Trong khi đó, tay vợt Anisara Muangsuk (hạng 130 TG) tiếp tục được chú ý ở giải nữ trong lần thứ 17 dự giải CVV. Cô sẽ cùng Nanthana Komwong (hạng 91) đến để bảo vệ danh hiệu ĐKVĐ đôi nữ. Tan Paey Fern (hạng 90 TG) được kỳ vọng sẽ thay thế Li Jia Wei dẫn dắt nữ Singapore tại giải năm nay. Ẩn số giải nữ tiếp tục thuộc về các cô gái đến từ Quảng Tây (Trung Quốc) với hai gương mặt Wu Mei và Yin Jie.
- “Doping” tiền thưởng cho tuyển VN
Nếu lên ngôi, dù ở bất kỳ nội dung nào, các tay vợt của tuyển Việt Nam đều có cơ hội nhận được hiện kim trị giá 50 triệu đồng, theo lời hứa của nhà tài trợ chính M-Kitech Water. Còn nếu về nhì sẽ được trao 30 triệu, hạng ba nhận 20 triệu đồng. Liều “doping” này có vẻ đã phát huy tác dụng, khi BHL ĐTQG (đang tập huấn ở Trung tâm HLTTQG 1) gửi lời hứa “sẽ tập trung giành thứ hạng cao ở 2 nội dung đồng đội nam và đôi nam” tới buổi họp báo diễn ra sáng qua 13-7 tại khách sạn Victory.
Trong khi mức tiền thưởng dành cho các nội dung năm nay khá “hẻo”: 5 triệu cho danh hiệu vô địch đơn và đôi, 9 triệu cho đồng đội, thì khoản thưởng mà nhà tài trợ M-Kitech Water đưa ra có thể sẽ kích thích các tuyển thủ quốc gia vào trận với tinh thần máu lửa.
Tuy nhiên, nếu nâng được số tiền thưởng của giải cao hơn có lẽ sẽ nhiều tay vợt mạnh của châu lục và thế giới đổ về dự giải. Khi đó, rõ ràng tiếng vang của giải bóng bàn có truyền thống trên 20 năm mới thêm phần mạnh mẽ.
THANH LÂM