(SGGPO).- Nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, làng Sung Tích ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi là nơi còn lưu giữ lại được nét đẹp văn hóa truyền thống với lễ hội đua ghe được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Trước đây, lễ hội được tổ chức hàng năm nhưng hiện nay lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm một lần với ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, một năm mới mưa thuận gió hòa, được mùa bội thu. Và theo một số nhà nghiên cứu văn hóa thì đây là một trong hai nơi có lễ hội đua ghe lâu đời nhất và còn lưu giữ đúng gốc nhất tại tỉnh Quảng Ngãi.
Lễ hội năm nay được tổ chức vào 2 ngày mùng 5 và mùng 6 Tết.
Lễ hội đua ghe truyền thống làng Sung Tích luôn gây cấn từ lúc xuất phát đến phút cuối cùng
Công tác tổ chức năm nay được đánh giá thành công và hấp dẫn nhất trong những đợt tổ chức gần đây. Từ tháng 11 âm lịch, các đội đua đã bắt đầu tập luyện cho giải, vận động viên chính là các nông dân, ngư dân của địa phương, mặc dù bận rộn nhưng họ vẫn dành thời gian để luyện tập và tranh tài.
Giải đua ghe năm nay không chỉ thu hút khán giả trong xã Tịnh Long mà còn thu hút hàng ngàn người dân trong tỉnh tập trung về khu vực sông đua để cổ vũ cho các đội đua.
Giải đua ghe thu hút đông đảo nhân dân khắp nơi về cổ vũ
Luật đua năm nay cũng được cải tiến mới để đảm bảo công bằng cho các đội đua. Theo đó, với 4 đội đua thuộc các thôn: Gia Hòa, Tăng Long, An Lộc và An Đạo sẽ tranh tài 2 ngày. Mỗi ngày các đội sẽ thi 4 hiệp, giữa mỗi hiệp sẽ được giải lao 10 phút và lượt đứng tiêu sẽ được thay đổi theo các thứ tự từ tiêu số 1 đến số 4. Trong trường hợp 2 đội có kết quả thứ tự về đích giống nhau thì số điểm sẽ được tính theo số thời gian tổng cộng, đội nào có số thời gian ngắn hơn thì sẽ thắng.
Ở mỗi hiệp đua các đội sẽ thi 3 vòng và luồng theo các tiêu đã cắm sẵn để về đích tại cây tiêu giữa. Kỹ thuật đua ghe ở đây khác đua ghe ngo đó là đội phải “luồng tiêu” tức đến điểm cuối phải cho ghe vòng trở lại và điều này thể hiện sự khéo léo trong từng tay mũi, lái và từng vận động viên chứ không phải chỉ dùng sức lực.
Khán giả cổ vũ nhiệt tình
Cuộc đua sẽ bắt đầu bằng nghi thức các đội thuyền sẽ cùng nhau tập họp về “thủy tạ” (trước đây là nơi dành cho các chức sắc trong làng và quan lại ngồi xem và điều khiển cuộc đua) và bơi xung quanh gọi là “hầu loan” để đưa thủy tạ đến vị trí trung tâm trường đua và từ đây sau khi làm lễ khai mạc các vận động viên và ban trọng tài tuyên thệ thi đấu hết mình và công minh trong việc chấm điểm đảm bảo cho cuộc đua diễn ra trung thực trên tinh thần thượng võ.
Sau 2 ngày tranh tài quyết liệt, đội đua của thôn Tăng Long đã xuất sắc giành được 4 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải tư và đạt giải nhất chung cuộc.
XUÂN QUANG