Truyện tranh được xem là sản phẩm văn hóa đọc được giới trẻ quan tâm nhất. Chính vì đặc thù đó, các nhà làm sách đã ngày càng quan tâm đến mảng truyện tranh. Công ty Phan Thị đã trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này với những bộ truyện tranh mang đậm tính giáo dục, từ lịch sử, khoa học, đến văn học, thể thao... Tuy nhiên, công ty này đã phạm sai lầm trong một cuốn sách viết về Bác Hồ.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911- 5-6-2011), 70 năm Người trở về trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta đứng lên giành chính quyền (28-1-1941 - 28-1-2011), 42 năm ngày mất của Người (2-9-1969 - 2-9-2011) và 5 năm thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã đầu tư để thực hiện một bộ truyện tranh về Bác.
Công ty Phan Thị đã được tin tưởng giao thực hiện việc biên soạn, vẽ tranh cho bộ truyện tranh về Bác có nhan đề chung Bác Hồ sống mãi. Bộ sách dự kiến gồm 20 cuốn là những kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm lòng nhân ái của Bác. Bộ sách sẽ được phát hành đến hệ thống thư viện các trường học, trở thành công cụ hữu ích trong công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng, là cẩm nang cần thiết trong cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, cần thiết trong hành trang của mỗi học sinh phấn đấu là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Đến nay, 5 cuốn đầu tiên trong bộ sách đã được ra mắt bạn đọc gồm: Từ mái ấm Nà Lọm, Mệnh lệnh của Bác Hồ, Thăm làng cá Cát Bà, Cháu muốn xem nhà Bác, Hãy yêu thương các cháu. Các câu truyện có nội dung gần gũi, dễ hiểu, tranh vẽ đơn giản, hình ảnh Bác được tạo hình không quá cầu kỳ nên dễ tạo cảm giác thân thiện.
Thế nhưng, giữa những điều tốt đẹp lại xuất hiện một hạt sạn lớn, gây phản cảm nặng nề. Ở cuốn sách Thăm làng cá Cát Bà, trang 19 miêu tả cảnh Bác đến thăm một gia đình người dân, Bác đã trao tặng các em thiếu nhi ở đây một cuốn sách. Thật bất ngờ, cuốn sách Bác cầm trên tay lại là cuốn Thần đồng Đất Việt tập 123 (ảnh).
Khi viết về lãnh tụ, mọi chi tiết đều cần sự chuẩn xác tuyệt đối. Việc xuất hiện một cuốn truyện tranh hiện đại, ra mắt năm 2011 trong bối cảnh một câu chuyện kể về lãnh tụ năm 1959 (năm Bác về thăm làng cá Cát Bà, Hải Phòng) là một sự xúc phạm cả về lịch sử lẫn nhân vật mà không có lý do nào bào chữa được. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt hình ảnh một sản phẩm của chính Công ty Phan Thị lên tay Bác Hồ là một cách quảng cáo trá hình quá thô thiển và gây phản cảm nơi bạn đọc. Họa chăng không phải người Việt Nam mới làm vậy.
Điều đáng nói, trong Pháp lệnh quảng cáo đã quy định rõ cấm sử dụng hình ảnh lãnh tụ để quảng cáo dưới mọi hình thức. Như vậy, hình ảnh Bác được vẽ đang cầm một sản phẩm của Công ty Phan Thị còn là một sự vi phạm pháp luật. NXB Kim Đồng cũng phải có trách nhiệm trong vụ vi phạm nghiêm trọng này.
Tường Vy