- PHÓNG VIÊN: Đồng chí cho biết những nét chính về thu hút đầu tư ở tỉnh Hậu Giang?
>> Đồng chí LỮ VĂN HÙNG: Trong 15 năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc vận động và thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, Hậu Giang đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 4.984 doanh nghiệp đầu tư khoảng 524 dự án. Trong đó, đầu tư trong nước với tổng vốn 46.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 41.093 lao động; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn trên 808,5 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 6.100 lao động.
Hiện tỉnh Hậu Giang có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2 khu công nghiệp (KCN) và 8 cụm công nghiệp (CCN) tập trung. Trong đó, KCN Sông Hậu đã được lấp đầy 100%, các khu CCN đều có nhà máy đi vào hoạt động...
Trong nhiều nhà đầu tư đến với Hậu Giang, có một số dự án lớn, điển hình như: Công ty CP Chế biến thủy sản Minh Phú đầu tư nhà máy sản xuất xuất khẩu tôm; Công ty CP Nước AquaOne đầu tư dự án Nhà máy cấp nước sạch công suất 800.000 - 1 triệu m³/ngày; Tập đoàn Masan đầu tư Nhà máy sản xuất bia Sư tử trắng; Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại Vincom TP Vị Thanh; Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh sản xuất xuất khẩu nước ép mãng cầu tại Phụng Hiệp; Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 công suất 5200MW dự kiến vận hành thử trong năm 2019...
Riêng năm 2018, một số dự án lớn được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư như: Công ty CP Cơ khí xây dựng Amecc đầu tư dự án Bến xe tỉnh Hậu Giang với quy mô khoảng 8,7ha, tổng vốn khoảng 75 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng Hồng Phát đầu tư dự án Khu đô thị mới Ngã Sáu với tổng vốn 139 tỷ đồng; Khu đô thị mới Vạn Phong tại thị xã Long Mỹ với tổng vốn 140 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Đất Xanh, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ cũng đang thực hiện các thủ tục theo quy định để xin đầu tư các dự án nông nghiệp hữu cơ, đô thị mới trên địa bàn tỉnh...
- Tỉnh tập trung vào những chính sách nào để thu hút doanh nghiệp?
Hậu Giang là tỉnh mới được thành lập nên chúng tôi hiểu thu hút đầu tư rất quan trọng để tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Doanh nghiệp đầu tư vào Hậu Giang là cách thiết thực để cùng tỉnh chung tay giúp nông dân “ly nông bất ly hương”. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp đồng tình và đánh giá cao việc đối thoại thường xuyên này.
Tỉnh Hậu Giang có 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ. Tỉnh áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. Tỉnh đang xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Cụ thể, đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như các huyện: Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A và các thị xã Ngã Bảy, Long Mỹ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới. Ngoài ra, doanh nghiệp được miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động.
- Tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến công tác tại Nhật Bản để mời gọi đầu tư, xin đồng chí cho biết những điểm sáng từ chuyến đi này?
Nhằm mục đích tham gia Chương trình quảng bá địa phương tại Nhật Bản do Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) tổ chức; tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Nhật Bản, tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến công tác 1 tuần tại Nhật Bản. Đoàn đã tham dự tọa đàm “Gặp gỡ vùng Kyushu - địa phương Việt Nam”; hội thảo “Xúc tiến đầu tư Việt Nam - vùng Kansai”; thăm và làm việc với Hiệp hội Hợp tác xã nông nghiệp Fukuoka và Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông - lâm nghiệp Fukuoka...
Trước mắt, để cụ thể hóa kết quả chuyến đi trên, Hậu Giang đang khẩn trương chuẩn bị tọa đàm “Gặp gỡ Nhật Bản - Hậu Giang” tại TPHCM vào cuối tháng 1-2019. Bên cạnh đó, triển khai hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh Saga, Fukuoka, Osaka, Cơ quan Xúc tiến hợp tác kinh tế quốc tế vùng Kyushu…
Hậu Giang vừa ban hành danh mục kêu gọi đầu tư 6 dự án lớn thí điểm, ưu tiên rút ngắn trình tự thủ tục đầu tư, với thời gian ban hành quyết định chủ trương đầu tư trong 7 ngày kể từ khi nhà đầu tư nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Cụ thể như: Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN tập trung Nhơn Nghĩa A với diện tích khoảng 100ha, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng; Dự án khu tái định cư, dân cư CCN tập trung Nhơn Nghĩa A, diện tích 44ha, đầu tư khoảng 350 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, diện tích 102ha, đầu tư khoảng 816 tỷ đồng; Dự án Cánh đồng lớn xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, diện tích khoảng 216ha, đầu tư 216 tỷ đồng; Dự án Vùng nông nghiệp kỹ thuật cao xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, diện tích 209ha, đầu tư khoảng 418 tỷ đồng; Dự án hạ tầng CCN kho tàng bến bãi Tân Tiến, diện tích khoảng 56ha, đầu tư 280 tỷ đồng. |