Sau khi TPHCM thu hồi khoảng 500 dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư đã hết hiệu lực và hơn 200 dự án đã có quyết định thu hồi đất với tổng diện tích lên tới khoảng 7.000 ha, đã có không ít ý kiến băn khoăn về “số phận” những dự án phát triển bất động sản này.
Sôi động mua bán dự án
Gặp ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM tại văn phòng của hiệp hội, vừa mới trao đổi với chúng tôi được vài câu, ông Châu nhận được email của một doanh nghiệp phát triển địa ốc đề nghị hiệp hội hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp mua đất để đầu tư xây dựng khách sạn, căn hộ, văn phòng trên địa bàn thành phố. Đơn vị gửi email tới là Công ty TNHH TM DV Miền Mặt Trời đóng trụ sở tại phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Theo tự giới thiệu của đơn vị, họ đang có nhiều khách hàng đến từ Nhật Bản. Các khách hàng Nhật Bản rất muốn tìm hiểu và đầu tư vào thị trường địa ốc ở TPHCM.
Đọc xong email của đơn vị này, ông Lê Hoàng Châu nói, thời gian gần đây những đề nghị hợp tác như vậy khá nhiều. Thông tin về việc TPHCM thực hiện Nghị quyết 16/2012 của HĐND TPHCM khóa VIII về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố, đã rà soát, thu hồi hàng trăm dự án chậm triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân đã làm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Theo ông Lê Hoàng Châu, đây là tín hiệu mừng vì đa phần chủ đầu tư những dự án chậm triển khai, bị thu hồi đều đang gặp khó khăn, trong đó khó khăn chủ yếu là thiếu vốn để tiếp tục triển khai dự án. Do vậy, nếu có những nhà đầu tư mới với năng lực tài chính và tổ chức tốt hơn thay thế các nhà đầu tư cũ là điều tốt cho thị trường bất động sản nói riêng và việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị nói chung của thành phố.
Dự án chậm triển khai Lexington (quận 2) đã được Novaland mua lại và tiến hành xây dựng. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Ông Lê Hoàng Châu cho hay, thời gian qua đã có nhiều hợp đồng mua bán dự án chậm triển khai, thành công như doanh nghiệp Novaland đã mua tới 6 dự án: Laxington (quận 2), Galaxy (quận 4), Prince (quận Phú Nhuận), Icon 56 (quận 4), Rivergate (quận 4) và một dự án ở số 50 đường Phạm Văn Khỏe (quận 6). Doanh nghiệp Hưng Thịnh mua một dự án xây dựng chung cư chậm triển khai ở khu vực Tham Lương (quận 12). Doanh nghiệp Khang Thông mua lại một dự án của doanh nghiệp Đất Lành… Hầu hết các dự án được mua lại đang được tái khởi động tốt như chia sẻ của lãnh đạo Novaland - một trong những doanh nghiệp vừa mua lại nhiều dự án chậm triển khai nhất.
Bên cạnh những doanh nghiệp chọn phương thức xử lý dự án chậm triển khai bằng cách… bán dự án, cũng có không ít doanh nghiệp đang cố gắng cải tổ hoạt động, chủ động điều chỉnh dự án để có thể tiếp tục triển khai. Hiệp hội Bất động sản TPHCM chưa có số liệu thống kê chính xác về số doanh nghiệp bán dự án và số doanh nghiệp tự mình điều chỉnh dự án nhưng như ông Lê Hoàng Châu nhận xét, muốn điều chỉnh dự án, trước hết doanh nghiệp phải có tài chính tốt. Đa phần doanh nghiệp có dự án chậm triển khai gặp khó khăn về vốn, một phần không nhỏ trong số này lại “dính” vào nợ xấu. Do vậy, những doanh nghiệp chọn phương thức tự cơ cấu dự án, chắc không nhiều.
Khó khăn nhất trong nhóm các doanh nghiệp có dự án bị thu hồi là những doanh nghiệp đang đền bù, giải phóng mặt bằng dở dang và phần đền bù được “da beo”, không liền thửa. Những doanh nghiệp này bán dự án cũng khó mà tiếp tục triển khai dự án cũng không dễ. Đa phần các doanh nghiệp nêu trên đang cố gắng đền bù cho liền thửa, để việc mua bán hoặc tái cơ cấu được dễ dàng hơn.
Người tiêu dùng có lợi gì?
Theo ông Lê Hoàng Châu, đa phần các dự án được mua lại hoặc được “chính chủ” tái cơ cấu đều hướng tới phân khúc thị trường cho người thu nhập trung bình và thấp. Mức giá bán căn hộ cho những đối tượng này đang ở khu vực đáy của thị trường, tức khu vực giá thành của sản phẩm, khoảng 15 triệu đồng/m² (trở xuống). Nhà đầu tư hiện chỉ còn mức lợi nhuận khoảng 5% - 6%, thậm chí có nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán hòa vốn để giải phóng “hàng hóa”.
Cùng với sự chuyển động tích cực của thị trường bất động sản, Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho người thu nhập thấp. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là một minh chứng. Một thị trường với mức giá bán như vậy, lại được Chính phủ hỗ trợ, đương nhiên người hưởng lợi là người tiêu dùng, ông Lê Hoàng Châu nói.
Chưa kể, nhìn ở góc độ lớn hơn, với sự xuất hiện ngày một nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài và việc mở cửa cho người nước ngoài mua căn hộ ở Việt Nam đang hứa hẹn, một sự khôi phục không xa của thị trường bất động sản. Lúc này, không chỉ người tiêu dùng mà cả xã hội sẽ hưởng lợi vì thị trường bất động sản hồi phục sẽ “kéo theo” nhiều thị trường khác sôi động: sản xuất, mua bán vật liệu xây dựng chẳng hạn…
|
NGUYỄN KHOA