Hậu trường của những xạ thủ

Nhà nghèo mà “leo trèo” tốn kém

Trong những bộ phim cao bồi hay hành động của Hollywood, những xạ thủ tài ba luôn nhanh tay, lẹ mắt và đầu óc phán đoán cự ly phải nhanh như... điện. Thành công hay thất bại của những xạ thủ thì chỉ tích tắc trong một ngón tay bóp cò. Tuy nhiên, trong bắn súng thể thao, mỗi lần bóp cò rồi nhả cò lại là một nghệ thuật được nghiền ngẫm, đúc kết cả chục năm. Âm thầm, lặng lẽ, thậm chí hết sức kín đáo khiến không phải ai cũng biết về môn thể thao này.

Một VĐV bắn súng cả cuộc đời vẫn chỉ mải mê với vài động tác tưởng như đơn giản, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng yêu nghề lớn lao. Ảnh: Quang Thắng

Một VĐV bắn súng cả cuộc đời vẫn chỉ mải mê với vài động tác tưởng như đơn giản, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng yêu nghề lớn lao. Ảnh: Quang Thắng

Nhà nghèo mà “leo trèo” tốn kém

Sự kết hợp giữa “bắn” và “nhảy”

Từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi giải thi đấu và dù ở địa phương nào thì các trọng tài, cán bộ phụ trách lẫn VĐV môn bắn súng lại kéo nhau đi nhảy (khiêu vũ cổ điển). Khiêu vũ thì nhiều người thích, nhưng để có cả một tập thể thích khiêu vũ và biết khiêu vũ thì chỉ có ở môn bắn súng. Người “gây dựng” phong trào khiêu vũ cổ điển và gần đây đang chuyển sang khiêu vũ thể thao ở bộ môn bắn súng là Tổng Thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam Nguyễn Văn Hùng. Chính sự nhẹ nhàng, tinh tế, lãng mạn của nghệ thuật khiêu vũ có nét gì đó tương đồng với bắn súng nên nhiều thành viên môn bắn súng đã luôn chọn đây là môn giải trí hàng đầu.

K.C

Để trang bị cho một VĐV bắn súng, ngoài số tiền mua súng từ 30 triệu đến 100 triệu/khẩu tùy loại thì kinh phí tốn kém nhất lại là đạn. Ngoại trừ các môn súng hơi đạn bằng chì đúc (hoặc dập) thì đa số các loại đạn nổ đều rất đắt, từ vài ngàn đến cả 3 chục ngàn đồng/viên. Như ở môn bắn đĩa bay, sau một tiếng “đòm” một quầng đỏ hiện lên giữa không trung khi đạn bắn trúng mục tiêu cũng mất 1,5 USD đến 2 USD. Mỗi buổi tập, các VĐV có thể bắn cả trăm viên đạn nên có thể tốn khoảng 500 nghìn đồng tiền đĩa bay và khoảng 3 triệu đồng tiền đạn, do súng bắn đĩa bay có hai nòng và trong thi đấu để ăn chắc các VĐV thường bắn cả hai viên đạn nên càng tốn kém. Dù tốn kém như vậy, nhưng mỗi năm BHL đội tuyển quốc gia cũng chỉ được cấp khoảng... 3 tỷ đồng tiền mua đạn. Vì nếu “chơi” thoải mái, 3 tỷ đồng chỉ đủ nuôi một đội (6 người) của môn đĩa bay, trong khi quân số của đội tuyển luôn khoảng 40 người ở đủ các loại súng khác nhau. Vì thế, các VĐV dù là thành viên đội tuyển quốc gia phải bắn đạn thật một cách hết sức dè sẻn, hay nói như một HLV nhiều kinh nghiệm: “Bắn đạn thật chỉ là thể nghiệm kỹ thuật mà thôi”.

Trên thực tế, đa số buổi tập của các thành viên đội tuyển quốc gia là tập chay, mỗi buổi chỉ được bắn vài phát đạn cho có cảm giác, chỉ hôm nào bắn kiểm tra, hoặc thi đấu mới có đủ đạn. Đội tuyển đã thế, nên các VĐV trẻ hoặc VĐV của các tỉnh được bắn đạn thật càng ít hơn nhiều. Theo đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc, về mặt kỹ thuật động tác bắn, đa số tuyển thủ quốc gia đều tốt. Nhưng do không có đạn thật bắn đầy đủ nên các buổi tập VĐV thường thiếu khối lượng. Tập bắn chỉ vài chục viên là nhiều, nên khi thi đấu phải bắn cả trăm viên khiến VĐV càng bắn... càng đuối.

Chuyện súng, đạn

Hậu trường của những xạ thủ ảnh 2

Các nữ xạ thủ luôn có một sức hấp dẫn lớn với các đấng mày râu trong làng thể thao. Ảnh: Q.T

Với VĐV bắn súng, súng chính là vũ khí chiến đấu đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn trước đây, các VĐV chủ yếu dùng súng của Liên Xô (cũ), nhưng hiện nay, các VĐV đội tuyển quốc gia đã được trang bị các loại súng tiêu chuẩn của Đức, Thụy Sĩ, Italia…

Do bắn súng là vũ khí sát thương nên chúng được quản lý rất chặt chẽ. Ở Trung tâm HLTTQG 1 (Nhổn, Hà Nội), kho súng được xây dựng còn kiên cố hơn nơi để két bạc, hai lớp cửa sắt với những chiếc khóa to đùng chỉ mở cửa theo lệnh vào trước những buổi tập hay buổi thi đấu cho VĐV lấy súng ra, và cuối buổi lại cất vào đúng nơi quy định. Ngoài ra, VĐV chỉ được gần gũi với “đồ chơi” của mình trong những lúc lau chùi, vệ sinh súng. Thời gian còn lại luôn nằm trong sự kiểm soát gắt gao của các cán bộ chuyên môn. Mỗi khi phải di chuyển súng tới các địa điểm thi đấu xa, súng được niêm phong, để trong thùng bảo vệ chuyên dụng. Những lần mang súng đi thi đấu nước ngoài đều phải xin giấy phép mới được đưa ra ngoài biên giới, mang súng đến nước nào hoặc VĐV nước ngoài mang súng vào Việt Nam cũng phải có đầy đủ giấy phép của các cơ quan chức năng. Các xe chở súng dù ở trong nước hay nước ngoài đều có đội bảo vệ đặc biệt. Vì thế, việc VĐV bắn súng vác “hàng” đi nghênh ngang ngoài đường phố là chuyện không bao giờ xảy ra.

Do là môn thể thao đặc thù, nên mỗi lần nhập đạn cho môn bắn súng đều phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Đồng thời phải có đơn đặt hàng để hãng sản xuất chế tạo theo yêu cầu nên phải mất tới 4 tháng, hàng mới về tới nơi. Tùy theo từng loại súng mà giá đạn cũng khác nhau. Trước đây, vỏ của đạn bắn đĩa bay hay còn gọi là cát-tút rất được cánh thợ săn nghiệp dư ưa chuộng để tái sử dụng làm đạn ghém (loại đạn khi bắn ra có cùng sát thương lớn). Vì lo ngại các thợ săn chẳng may gây chấn thương từ loại vỏ đạn này, nên trước đây BHL và ban quản lý trường bắn phải kiểm soát cả vỏ đạn. Tuy nhiên, kể từ khi Nhà nước cấm sử dụng súng săn rộng rãi, việc này cũng đỡ căng thẳng.

Tuy nhiên, dù trang bị những loại súng xịn như thế, nhưng thỉnh thoảng các tuyển thủ bắn súng vẫn bị “tổ trác” khi súng tự nhiên bị... trục trặc. Tại Asian Games 2006, vì súng của một VĐV bỗng nhiên... dở chứng, mà đoàn Việt Nam đã mất một huy chương đáng tiếc.

60 năm vẫn... Thi đấu tốt

Hậu trường của những xạ thủ ảnh 3

Môi trường thi đấu của môn bắn súng luôn đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe. Ảnh: Quang Thắng

Ở môn bắn súng, mắt và ngón tay là hai bộ phận hoạt động nhiều nhất. Hầu hết các VĐV đều giữ được mắt sáng 10/10 trong thời gian dài. Thống kê ở đội tuyển bắn súng cho thấy những VĐV bị cận thị hầu hết không trụ được lâu và cũng không đạt thành tích thật xuất sắc, dù liên tục thay mắt kính. Với đôi bàn tay, khả năng cơ động của ngón tay bóp cò luôn được tập luyện nhuần nhuyễn để trở thành một nghệ thuật: nghệ thuật bóp cò và nghệ thuật nhả cò. Để đạt đến đỉnh cao của điều này, VĐV phải tập mất vài năm một động tác đơn giản là bóp và nhả hàng ngàn lần với những cảm giác ổn định. Việc để các VĐV nhắm mắt tưởng tượng các động tác thật bất ngờ lại có tác dụng còn nhanh hơn cả tập với súng. Chỉ những VĐV đẳng cấp cao, thành tích tốt mới được gọi là “ngón tay vàng” giống như tên của một bộ phim của điệp viên 007.

Bắn súng là quá trình lặp lại kỹ thuật động tác. Do đó, 1 VĐV bắn súng cả cuộc đời vẫn chỉ mải mê với vài động tác tưởng như đơn giản, nhưng để hình thành cảm giác chính xác cho từng kỹ thuật nhỏ nhất đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng yêu nghề lớn lao. Điều này được chứng minh qua thành tích của tất cả các VĐV: khi còn trẻ dù thể lực tốt, mắt sáng nhưng thành tích lại bập bõm trong khi bước vào độ tuổi trung niên sự trầm tĩnh giúp họ nâng cao thành tích. Thông thường, một VĐV  phải mất 3 đến 5 năm mới đạt thành tích tốt nhất, cá biệt như tuyển thủ bắn súng số 1 hiện nay là Nguyễn Mạnh Tường đã phải mất 10 năm mới vươn lên đỉnh cao. Thế mới nói “gừng càng già càng cay”.

Các VĐV Việt Nam đi thi đấu thế giới luôn ấn tượng với một nữ xạ thủ Nhật Bản đã vào tuổi thất thập mà vẫn là thành viên đội tuyển bắn súng quốc gia. Trên các trường bắn quốc tế, nhiều VĐV đã 60 tuổi vẫn thi đấu ổn định. Còn ở Việt Nam nhiều VĐV giỏi có thể thi đấu đến năm 50-55 tuổi.

Phương Hoa

Tin cùng chuyên mục