Băng ở hai cực tan chảy đã làm tăng mực nước biển thêm 11mm trong 20 năm qua. Riêng băng ở Bắc cực tan với tốc độ chưa có tiền lệ trong năm 2012. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa rồi cảnh báo nếu không hành động khẩn cấp, Trái đất có thể nóng thêm 4°C trong thế kỷ 21, kéo theo hậu quả tàn khốc với các khu vực ven biển và người nghèo. Càng trì hoãn chúng ta càng mất cơ hội đảo ngược thảm họa toàn cầu. Đàm phán về biến đổi khí hậu do LHQ tổ chức diễn ra ở Doha (Qatar) bước vào tuần thứ hai trong bế tắc. 194 quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều mâu thuẫn.
Ước tính còn gần 13 tỷ tấn khí thải cho các nước trong nhóm EU trong định mức khí thải vẫn chưa được dùng tới. Định mức này được phân bổ trong giai đoạn đầu của Nghị định thư Kyoto và sẽ hết hạn trong ngày 31-12 tới. Các nước thành viên EU cho rằng, định mức này phải tiếp tục được chuyển vào giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto. Điều này vấp phải sự phản đối gay gắt của các nước đang phát triển, các nước nghèo vốn chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra nhất. Họ không chấp nhận sự cộng dồn vì định mức ở trường hợp này không phải là chỉ tiêu phải đạt được mà việc giữ khoảng cách càng cao với định mức càng cho thấy sự nỗ lực của các nước. Nếu tiếp tục cộng dồn thì không khác gì tạo cơ hội để thả lỏng vào giai đoạn hai.
Đòi hỏi sự công bằng khi thực hiện Nghị định thư Kyoto cũng là một cản trở. Mỹ là nước duy nhất ký nhưng không phê chuẩn văn bản trên với lý do hiệp ước này không kiểm soát được các nền kinh tế đang tăng trưởng như Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), từ thập niên 1990, Trung Quốc đã là quốc gia thải CO2 lớn nhất thế giới. Ấn Độ và Nga cũng là những nước giữ vị trí cao trong danh sách. Thế nhưng, Nghị định thư Kyoto không đủ điều kiện ràng buộc những nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Bất đồng trong cách đánh giá về trách nhiệm đã khiến nhiều quốc gia nản lòng. Canada rút khỏi Nghị định thư Kyoto vào cuối năm 2011.
Một trong những nội dung được quan tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là các nước giàu tài trợ cho các nước nghèo. Các nước đang phát triển nói rằng họ cần 60 tỷ USD từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, vẫn chưa có lời cam kết nào được đưa ra. Quỹ Khí hậu xanh (GCF) được thành lập để rót 100 tỷ USD hàng năm (từ nay đến năm 2020) cho các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu do sự phát triển các ngành công nghiệp gây ra. Quỹ này vẫn chưa hoạt động. Khó khăn là tìm đâu ra tiền trong thời kỳ kinh tế suy thoái này.
Mục tiêu của LHQ là giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 2°C so với mức 4°C được dự đoán trước đó. Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Grantham và Trung tâm chính sách và kinh tế học về biến đổi khí hậu của Anh đã dẫn số liệu cho thấy, trong những thập niên tới, lượng khí thải trung bình toàn cầu ít nhất là 50 tỷ tấn CO2 /năm. Vì thế, đạt được mục tiêu giới hạn nhiệt độ đã nêu trên là điều không thể.
Tóm lại, nếu các nước vẫn so kè từng chút thay vì cùng chung sức thì chắc chắn, thảm họa sẽ càng đến nhanh. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở những quy định gói gọn trong một nghị định thư dành cho các nước giàu mà quan trọng, tất cả có nóng lòng và quyết tâm cắt giảm khí thải hay không?
NHƯ QUỲNH